Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Doanh nghiệp |
Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chínhTải Thông tư
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC Số: /2019-NHNN DỰ THÁO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 43/2016/TT-NHNN NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2016 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM QUY ĐỊNH CHO VAY TIÊU DÙNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (sau đây gọi là Thông tư số 43/2016/TT-NHNN)
1. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN như sau:
“Điều 4a. Hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của công ty tài chính
1. Công ty tài chính giải ngân cho vay tiêu dùng theo các hình thức sau đây:
a) Giải ngân thông qua bên thụ hưởng: Công ty tài chính giải ngân bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ cung ứng cho khách hàng vay để tiêu dùng và theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng;
b) Giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay: Công ty tài chính giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng vay hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.
2. Việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
3. Công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4a Thông tư này đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
4. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4a Thông tư này không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.”.
2. Sửa đổi điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN như sau:
“đ) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính;”.
3. Sửa đổi điểm h khoản 2 Điều 7 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN như sau:
“h) Bộ phận chuyên trách và phương thức tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, người có liên quan;”.
4. Bổ sung Điều 10a, Điều 10b vào sau Điều 10 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN như sau:
“Điều 10a. Trách nhiệm của công ty tài chính
1. Tuân thủ các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan về hoạt động cho vay tiêu dùng.
2. Thực hiện cảnh báo sớm cho khách hàng các rủi ro khi quyết định vay tiêu dùng, trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ hợp đồng cho vay tiêu dùng, các biện pháp công ty tài chính sẽ áp dụng nếu khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
3. Thực hiện giám sát, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc tuân thủ quy định của pháp luật, quy định nội bộ về hoạt động cho vay tiêu dùng đối với cá nhân, bộ phận, đơn vị có liên quan tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật.
4. Áp dụng các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, người có liên quan, đảm bảo xác thực thông tin khiếu nại cơ bản khách hàng, người có liên quan cung cấp cho công ty tài chính, trong đó tối thiểu có hai hình thức sau đây:
a) Hình thức trực tiếp thông qua các cá nhân, bộ phận chuyên trách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính;
b) Hình thức gián tiếp thông qua các phương tiện điện tử, tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần).
5. Công ty tài chính có trách nhiệm giải quyết khiếu nại và trả lời khiếu nại của khách hàng, người có liên quan trong thời hạn tối đa 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại lần đầu theo một trong các hình thức tiếp nhận quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Phát hiện kịp thời các bất cập, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay tiêu dùng, thông báo, cảnh báo trong hệ thống công ty tài chính để có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro, các hành vi vi phạm pháp luật.
7. Xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; công bố công khai trong nội bộ việc xử lý các vi phạm này nhằm tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa.
8. Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá nhân viên, hạn chế rủi ro đạo đức; tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, chất lượng dịch vụ tư vấn khách hàng, ý thức tuân thủ pháp luật, quy định nội bộ, đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên.
9. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo quy định sau đây:
a) Khi có phát sinh hoặc dự kiến mở, chấm dứt điểm giới thiệu dịch vụ, trong thời hạn 5 (năm) ngày đầu tiên của tháng đầu tiên hàng quý, công ty tài chính phải gửi báo cáo bằng văn bản về danh sách (tên, địa chỉ) điểm giới thiệu dịch vụ được mở, chấm dứt trong quý trước, danh sách điểm giới thiệu dịch vụ dự kiến mở, chấm dứt trong quý trên địa bàn tỉnh, thành phố gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính mở, chấm dứt điểm giới thiệu dịch vụ;
b) Định kỳ ngày 12 hàng tháng, công ty tài chính phải báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về dư nợ cho vay tiêu dùng đối với khách hàng vay trên địa bàn của tháng trước liền kề theo mẫu biểu đính kèm Thông tư này;
c) Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng quy định tại Điều 7 Thông tư này, khung lãi suất cho vay tiêu dùng quy định tại Điều 9 Thông tư này, công ty tài chính phải gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng, báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng. Báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng phải nêu cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính.
Điều 10b. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố
1. Tiếp nhận báo cáo theo quy định tại khoản 9 Điều 10a Thông tư này.
2. Quản lý, kiểm tra, thanh tra và giám sát theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố khác quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền việc tuân thủ quy định của pháp luật đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính trên địa bàn.
3. Xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo công ty tài chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính trên địa bàn tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
4. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo các công ty tài chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính trên địa bàn có biện pháp hạn chế rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và công ty tài chính.”.
Điều 2.
Bãi bỏ khoản 4 Điều 6, khoản 4 Điều 7 và khoản 3 Điều 9 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN.
Điều 3. Quy định chuyển tiếp
1. Công ty tài chính có các hợp đồng cho vay tiêu dùng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, công ty tài chính được tiếp tục thực hiện theo các hợp đồng đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng. Việc sửa đổi, bổ sung các hợp đồng này chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định của Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, công ty tài chính chỉ được ký kết mới hợp đồng cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay khi đáp ứng tỷ lệ quy định tại khoản 4 Điều 4a Thông tư này.
Điều 4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày …… tháng năm ... ./.
Nơi nhận: | THỐNG ĐỐC |
Đơn vị báo cáo:…
BÁO CÁO DƯ NỢ CHO VAY TIÊU DÙNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH
(Tháng……năm……)
Đơn vị tính: Tỷ VND
STT | Tên chỉ tiêu | Mua phương tiện đi lại | Mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình | Chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao | Sửa chữa nhà ở | Tổng cộng | Dư nợ xấu cho vay tiêu dùng | Tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với khách hàng vay trên địa bàn (%) |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | ||
Dư nợ cho vay tiêu dùng (1+2) | ||||||||
1 | Ngắn hạn | |||||||
2 | Trung và dài hạn |
1. Đối tượng áp dụng: Công ty tài chính.
2. Yêu cầu số liệu báo cáo: Công ty tài chính báo cáo dư nợ cho vay tiêu dùng đối với khách hàng vay trên địa bàn gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Đơn vị nhận và duyệt báo cáo: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Hướng dẫn lập báo cáo:
- Cho vay tiêu dùng được hiểu theo quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
- Cột (1): Là dư nợ cho vay tiêu dùng để mua phương tiện đi lại.
- Cột (2): Là dư nợ cho vay tiêu dùng để mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình.
- Cột (3): Là dư nợ cho vay tiêu dùng để chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao.
- Cột (4): Là dư nợ cho vay tiêu dùng để chi phí sửa chữa nhà ở.
- Cột (5) dòng 1, 2: Là tổng của cột (1) đến cột (4).
- Cột (6): Là dư nợ xấu cho vay tiêu dùng.
- Cột (7) = Cột (6)/Cột (5) x 100%.