VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ---------------- Số: 118/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------- Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ VĂN NINH
TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Ngày 15 tháng 3 năm 2012, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam; cùng dự buổi làm việc có đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011, phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2012, tóm tắt Đề án tái cấu trúc và Chiến lược phát triển đến năm 2020; ý kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
Năm 2011, với tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, Ngân hàng Phát triển đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; góp phần vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, về cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cũng đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò ngân hàng của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và Ngân hàng Phát triển khẩn trương thực hiện một số công việc sau:
1. Đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
a) Thực hiện linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2012 về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao.
b) Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạo nguồn vốn cho vay kiên cố hóa kênh mương, tôn nền vượt lũ và xuất khẩu gạo sang Cuba.
c) Ngân hàng chủ động đề xuất với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan về việc sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Phát triển cho phù hợp. Trước hết là những nội dung vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; cách thức phân loại nợ, cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất, cơ chế trích lập dự phòng rủi ro và cơ chế tài chính bảo đảm tính tự chủ đối với Ngân hàng Phát triển.
d) Khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cấu trúc và Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển đến năm 2020, báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, cần làm rõ những vấn đề sau:
- Đánh giá thực trạng về cơ chế, chính sách về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của nhà nước và mô hình hoạt động của Ngân hàng Phát triển hiện nay; nghiên cứu mô hình hoạt động của các ngân hàng phát triển các nước, rút ra được những kinh nghiệm phù hợp có thể vận dụng được với điều kiện của Việt Nam; để có cơ sở xây dựng các Đề án tái cấu trúc và Chiến lược phát triển của Ngân hàng Phát triển trong giai đoạn tới, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.
- Xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển trong hệ thống tài chính nhà nước và ngân hàng của Việt Nam; cần làm rõ Ngân hàng Phát triển vừa thực hiện chức năng của ngân hàng vừa có tính đặc thù riêng; trên cơ sở đó kiện toàn bộ máy tổ chức của Ngân hàng này, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đủ điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao.
- Xác định cụ thể lĩnh vực hoạt động, phương thức hỗ trợ đối với Ngân hàng Phát triển; xây dựng lộ trình thực hiện các Đề án gắn với mục tiêu và kết quả đạt được đối với từng giai đoạn.
2. Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan:
- Rà soát lại một số nội dung của Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 gây bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện; Danh mục các đối tượng vay vốn tập trung cho các lĩnh vực, dự án cần thiết phải có sự ưu tiên hỗ trợ của nhà nước.
- Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi các cơ chế về: Cấp bù chênh lệch lãi suất; trích lập dự phòng, xử lý rủi ro và cơ chế tài chính cho phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngân hàng Phát triển.
- Thẩm định Đề án tái cấu trúc và Chiến lược phát triển của Ngân hàng Phát triển đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ.
- Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho Chương trình trọng điểm Nhà nước, như: (1) Đối với Chương trình cơ khí, bảo đảm thúc đẩy công nghiệp cơ khí phát triển; (2) phát triển công nghiệp hỗ trợ; (3) có chính sách để thực hiện có kết quả Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; (3) Hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn Ngân hàng Phát triển thực hiện phân loại nợ, xử lý rủi ro, hoạt động về ngoại hối, phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của Ngân hàng này và quy định của pháp luật hiện hành.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết và thực hiện.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ; - Các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Công thương - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ: Tổng hợp, TKBT, Cổng TTĐT; - Lưu: Văn thư, KTTH (5b) | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Phạm Văn Phượng |