ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI -------- Số: 832/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
-----------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ các Quy hoạch: Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011; xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011;
Căn cứ các Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 10/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015”;
Căn cứ Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 06/12/2012 của UBND Thành phố về việc triển khai thực hiện Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 10/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015”;
Căn cứ các Quyết định của UBND Thành phố: Số 5699/QĐ-UBND ngày 10/12/2012 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch kinh tế - xã hội; dự toán thu, chi ngân sách của thành phố Hà Nội năm 2013; số 2613/QĐ-KHĐT ngày 16/4/2013 về việc phê duyệt kế hoạch phân bổ kinh phí hoạt động xúc tiến đầu tư của Thành phố Hà Nội năm 2013;
Căn cứ Quyết định số 3165/QĐ-UBND ngày 17/5/2013 về việc phê duyệt nhiệm vụ xây dựng Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và nhũng năm tiếp theo của thành phố Hà Nội”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 916/TTr-KH&ĐT ngày 24/12/2013 và Công văn số 206/KHĐT-HTQT ngày 15/01/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội” với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên Đề án: Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.
2. Mục đích của Đề án:
Nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội.
Đề án được phê duyệt là căn cứ để các cơ quan của Hà Nội xúc tiến, vận động nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo, là tài liệu để các nhà tài trợ tham khảo khi xây dựng chiến lược và chương trình hợp tác với thành phố Hà Nội.
3. Nội dung Đề án:
Đề án gồm 5 phần:
- Phần I: Sự cần thiết, mục đích và nội dung của Đề án.
- Phần II: Đánh giá tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua.
- Phần III: Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ.
- Phần IV: Định hướng và giải pháp nhằm thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ.
- Phần V: Tổ chức thực hiện.
(kèm theo nội dung chi tiết của Đề án)
Điều 2. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội: Chủ động phối hợp với sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước, Thành phố và các Nhà tài trợ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Nội vụ, Tài chính, Qui hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Khoa học Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Đ/c CT UBND Thành phố (để b/c); - Đ/c PCT: Nguyễn Văn Sửu; - Đ/c PCT Nguyễn Văn Khôi; - VPUBTP: PCVP Lý Văn Giao, PCVP Nguyễn Văn Thịnh; - Phòng TH, KT, QHXDGT; - Lưu VT, KThạnh. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Văn Sửu |
ĐỀ ÁN
“ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI”
(Kèm theo Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 06/02/2014 của UBND Thành phố Hà Nội)
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
PHẦN I
SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH VÀ NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết thực hiện Đề án
2. Mục đích của Đề án
3. Nội dung của Đề án
4. Các căn cứ pháp lý xây dựng Đề án
PHẦN II
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG THỜI GIAN QUA
I. ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH THU HÚT VÀ SỬ DỤNG VỐN ODA CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TỪ NĂM 1993 ĐẾN NAY
1. Những số liệu tổng quan về nguồn vốn ODA tại thành phố Hà Nội:
2. Đóng góp của các dự án ODA trong quá trình phát triển của thành phố Hà Nội
3. Một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các dự án ODA tại thành phố Hà Nội II. ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ODA
1. Cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng vốn ODA
2. Công tác quản lý và thực hiện các dự án ODA ở thành phố Hà Nội
PHẦN III
CÁC ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ
I. HOÀN THIỆN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
1. Ở cấp Trung ương
2. Ở cấp thành phố Hà Nội
II. TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ODA
1. Tăng cường năng lực và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý vốn ODA
2. Tăng cường năng lực của các BQLDA ODA
3. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá
PHẦN IV
ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ
I. BỐI CẢNH CHUNG
1. Những thay đổi trong quan hệ hợp tác phát triển:
2. Những thách thức trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới:
3. Một số nét về kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội
II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO TRONG CÁC CHIẾN LƯỢC, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA TP HÀ NỘI VÀ ĐỊNH HƯỚNG ƯU TIÊN THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ Ở CẤP QUỐC GIA
III. CHÍNH SÁCH CUNG CẤP VỐN ODA CỦA MỘT SỐ NHÀ TÀI TRỢ LỚN DÀNH CHO VIỆT NAM
1. Nhật Bản
2. Ngân hàng Thế giới (WB)
3. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)
4. Cơ quan phát triển Pháp (AFD)
5. Liên minh châu Âu (EU)
6. Úc
IV. ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC NGUỒN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC TRONG GIAI ĐOẠN 2013-2015 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
1. Định hướng sử dụng theo nguồn vốn
2. Định hướng thu hút và sử dụng theo Nhà tài trợ
3. Định hướng theo lĩnh vực ưu tiên
4. Đề xuất danh mục các dự án ưu tiên thu hút và sử dụng các nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ (Phụ lục 2)
PHẦN V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đơn vị chủ trì thực hiện: Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội
2. Đơn vị phối hợp
3. Kế hoạch hành động (Phụ lục 3)
PHỤ LỤC 1
ĐIỀU KIỆN VAY VỐN ODA CỦA MỘT SỐ NHÀ TÀI TRỢ CHỦ YẾU
PHỤ LỤC 2
CÁC TỪ VIẾT TẮT
MỤC LỤC
CÁC TỪ VIẾT TẮT
ADB | Ngân hàng Phát triển Châu Á |
AEF | Diễn đàn Hiệu quả Viện trợ |
AFD | Cơ quan Phát triển Pháp |
BOT | Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao |
BQLDA | BQLDA |
CG | Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ |
EIB | Ngân hàng Đầu tư Châu Âu |
EU | Liên minh Châu Âu |
GPMB | Giải phóng mặt bằng |
IBRD | Ngân hàng Quốc tế về Tái Thiết và Phát triển |
ICSID | Trung tâm Quốc tế về xử lý tranh chấp Đầu tư |
IDA | Hiệp hội Phát triển Quốc Tế |
IFC | Công ty Tài chính Quốc Tế |
JBIC | Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản |
JICA | Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản |
KEXIM | Ngân hàng XNK Hàn Quốc |
KfW | Ngân hàng tái thiết Đức |
KTXH | Kinh tế xã hội |
MIGA | Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên |
ODA | Hỗ trợ phát triển chính thức |
PPP | Hợp tác đối tác công tư |
TĐC | Tái định cư |
UBND | Ủy ban Nhân dân |
VDPF | Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam |
WB | Ngân hàng Thế giới |
ĐỀ ÁN
“ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI”
LỜI NÓI ĐẦU
Trong thời gian qua, kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng. Tăng trưởng trung bình GRDP giai đoạn 2006 - 2010 đạt bình quân 10,73% /năm, trong đó, dịch vụ 10,35%, công nghiệp - xây dựng 12,78%, nông nghiệp 2,62%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm; lao động nông nghiệp giảm, lao động các ngành phi nông nghiệp tăng lên.
Những thành tựu quan trọng trên là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân Thủ đô và chính quyền các cấp, sự chỉ đạo của Nhà nước, sự hợp tác của các địa phương và của bạn bè quốc tế, trong đó có sự đóng góp của các nhà tài trợ dành cho thành phố Hà Nội thông qua các chương trình, dự án hợp tác phát triển (ODA). Ngoài việc bản thân ODA là một nguồn vốn bổ sung quan trọng cho phát triển, nó còn có tác dụng nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, điều chỉnh cơ cấu kinh tế và làm tăng khả năng thu hút vốn từ nguồn FDI và mọi thành phần kinh tế khác, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, thực tế bối cảnh trong nước và quốc tế trong những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của cả nước và thành phố Hà Nội. Cùng với khó khăn chung của cả nước, dự báo kinh tế của Thủ đô có thể hồi phục nhưng chậm và còn khó khăn; thu ngân sách, nguồn vốn cho đầu tư phát triển khó cân đối cho nhu cầu thực hiện các dự án theo Kế hoạch.
Trong điều kiện như vậy, việc huy động nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ càng có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ và đảm bảo thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các chiến lược và kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Kế hoạch 169/KH-UBND ngày 06/12/2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội" tuân thủ theo những nguyên tắc chỉ đạo trong các Quy hoạch, Chương trình, Chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các sở, ban, ngành của Hà Nội. Đây sẽ là một căn cứ để thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo.
Phần I
SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH VÀ NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết thực hiệu Đề án
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011 - 2015 dự kiến 1.400.000 - 1.500.0000 tỷ đồng (tương đương khoảng 69 - 70 tỷ USD), thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 2.500.000 - 2.600.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 - 120 tỷ USD), trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (bao gồm vốn ODA) đáp ứng khoảng 16-18%, dành chủ yếu cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội.
Trong khi đó, quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ hiện đang có những điều chỉnh nhất định về chính sách để phù hợp với bối cảnh mới của Việt Nam khi trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, đó là sự thay đổi về chính sách viện trợ, thay đổi về cơ cấu nguồn vốn viện trợ và thay đổi về phương thức hợp tác phát triển.
Để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011, Kế hoạch phát triển KTXH 3 năm 2013 - 2015 cần thiết phải xây dựng Đề án “Tăng cường thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội” là rất cần thiết trong giai đoạn này.
Mục đích của Đề án là nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH của thành phố Hà Nội.
Đề án được phê duyệt là căn cứ để các cơ quan của Hà Nội xúc tiến, vận động nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo, là tài liệu để các nhà tài trợ tham khảo khi xây dựng chiến lược và chương trình hợp tác với thành phố Hà Nội.
Nội dung của Đề án gồm 5 phần:
- Phần I: Sự cần thiết, mục đích và nội dung của Đề án.
- Phần II: Đánh giá tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua.
- Phần III: Các đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ.
- Phần IV: Định hướng và giải pháp nhằm thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ.
- Phần V: Tổ chức thực hiện.
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Luật Thủ đô ngày 21 tháng 01 năm 2012;
- Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020;
- Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
- Các Nghị quyết: số 11/2011/NQ-HĐND ngày 12/12/2011 của Hội đồng nhân dân Thành phố về các chương trình mục tiêu và danh mục các dự án trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2011 - 2015; số 06/2011/NQ-HĐND ngày 15/7/2011 của Hội đồng nhân dân Thành phố về kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2011 - 2015;
- Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 phê duyệt chiến lược phát triển KTXH thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; số 106/QĐ-TTg ngày 10/01/2012 phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015”; số 725/QĐ- TTg ngày 10/5/2013 phê duyệt Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; số 499/2013/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 phê duyệt Quy hoạch Cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 76/2009/QĐ-UBND ngày 29/5/2009 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định về quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của thành phố Hà Nội;
- Kế hoạch 169/KH-UBND ngày 06/12/2012 của UBND Thành phố về việc triển khai thực hiện Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 10/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015”.
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG THỜI GIAN QUA
I. ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH THU HÚT VÀ SỬ DỤNG VỐN ODA CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TỪ NĂM 1993 ĐẾN NAY.
1. Những số liệu tổng quan về nguồn vốn ODA tại thành phố Hà Nội:
Kể từ khi các nhà tài trợ nối lại viện trợ cho Việt Nam vào năm 1993, Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng luôn nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các tổ chức quốc tế, của nhân dân và Chính phủ các nước phát triển. Nhật Bản là quốc gia có số dự án ODA nhiều nhất và là nhà tài trợ có quy mô vốn lớn nhất cho thành phố Hà Nội với tổng số tiền cam kết khoảng 2.384,76 triệu USD dành cho thành phố Hà Nội, chiếm 58% tổng vốn ODA của Hà Nội, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, cấp thoát nước và môi trường.
Tiếp sau Nhật Bản là Pháp với khoảng 621,57 triệu USD (15%), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với khoảng 419,4 triệu USD (10%), Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 232,23 triệu USD (6%) và các nhà tài trợ song phương, đa phương khác (như Phần Lan, Bỉ, Hàn Quốc, EIB, ,..) 553,99 triệu USD (11%).
Bảng 1: Giá trị vốn ODA phân theo nhà tài trợ
Tính từ 1993 đến nay, thành phố Hà Nội đã thu hút và triển khai 78 dự án ODA với giá trị tài trợ là 4.116,95 triệu USD, trong đó hết năm 2012 đã hoàn thành 62 dự án với giá trị tài trợ là 620,67 triệu USD; còn lại 16 dự án đang tiếp tục triển khai ở các mức độ khác nhau với giá trị tài trợ khoảng 3.496,28 triệu USD.
Trong số các dự án ODA được tài trợ cho thành phố Hà Nội trong thời gian qua lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị chiếm tỉ trọng lớn nhất 57,14% với giá trị vốn ODA là 2.352,47 triệu USD, tiếp theo là lĩnh vực cấp nước - thoát nước với giá trị vốn ODA là 1.642,33 triệu USD, còn lại là các dự án trong lĩnh vực môi trường, y tế giáo dục và đào tạo... với giá trị vốn ODA là 122,16 triệu USD.
Bảng 2: Giá trị vốn ODA phân theo lĩnh vực tài trợ
Giai đoạn 2006 - 2010 là giai đoạn thành phố Hà Nội thu hút được nhiều vốn ODA nhất, giá trị vốn ODA ký kết giai đoạn này là 2.420,21 triệu USD, chiếm trên 58,78% tổng số vốn ODA ký kết trong thời kỳ 1993 - 2013. Trong đó, một số dự án lớn đang triển khai như: Thoát nước nhằm cải thiện môi trường thành phố Hà Nội - dự án 2 (JICA) với tổng mức đầu tư khoảng 9.013 tỷ đồng; xây dựng Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (Pháp, AFD, ADB, EIB): Khoảng 12,5km với tổng mức đầu tư đã điều chỉnh trên 32.000 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (JICA): Khoảng 11,5 km với tổng mức đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng đến trên 51.000 tỷ đồng,... Các dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào các năm từ 2015 đến 2017, 2018.
Đơn vị: Triệu USD
Bảng 3: Giá trị vốn ODA ký kết phân theo loại hình vốn
Để tiếp nhận và triển khai nguồn tài trợ ODA nói trên từ năm 1993 đến nay thành phố Hà Nội đã bố trí một khoản vốn đối ứng lên tới trên 1.755 triệu USD (khoảng trên 36.800 tỷ đồng).
Các dự án ODA giải ngân trong nhiều năm, giá trị tài trợ chỉ tính một lần tại thời điểm ký kết Hiệp định. Giải ngân các năm từ 2001 - 2005 chủ yếu là các dự án đã ký kết từ giai đoạn 1996 - 2000. Mức độ giải ngân những năm đầu Hiệp định thường thấp do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục thẩm định, trình phê duyệt dự án... Trong các giai đoạn sau mức độ giải ngân thường cao hơn (khi đã triển khai các khối lượng xây lắp, thiết bị...).
Do vây, những số liệu về giải ngân tương đối thấp so với giá trị ký kết. Biểu đồ dưới đây cho thấy mức độ giải ngân giai đoạn 2.006 - 2010 là 225 triệu USD (1,13% so với ký kết) và 2011 - 2013 là 12,3 triệu USD (9,3% so với ký kết). Ngoài nguyên nhân tiến độ triển khai các dự án bị chậm còn một nguyên nhân chính khác là trong giai đoạn này giá trị ký kết vốn ODA tăng đột biến do một số dự án có quy mô lớn, phức tạp (như Dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà nội - dự án 2, xây dựng hệ thống Xử lý nước thải Yên Xá,...) được ký kết. Hầu hết các dự án ODA lớn đều có tiến độ triển khai trong giai đoạn dài (thường 7 -10 năm) và trong giai đoạn đầu chủ yếu là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án sử dụng vốn trong nước là chủ yếu và một phần cho công tác tư vấn chung sử dụng vốn ODA. Trong những năm tiếp theo dự kiến những số liệu về giải ngân vốn ODA sẽ tăng do dự án bước vào giai đoạn triển khai công tác xây lắp, thiết bị,... sử dụng vốn ODA và công tác GPMB, TĐC của Thành phố đang dần được cải thiện đáng kể.
Đơn vị: Triệu USD
Bảng 4: Giá trị vốn ODA ký kết và giải ngân
Hầu hết các dự án ODA lớn được đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng và ít có khả năng sinh lời trực tiếp như: Hệ thống giao thông đô thị, môi trường, cấp nước, thoát nước... nhưng đã có đóng góp đáng kể cho việc tăng trưởng GDP của Thủ đô, tạo tiền đề cho phát triển KTXH, góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; quan hệ hợp tác phát triển giữa thành phố Hà Nội và các nhà tài trợ tiếp tục được tăng cường và củng cố.
Đánh giá hiệu quả các dự án ODA đã được đưa vào sử dụng trong từng lĩnh vực cụ thể như sau:
- Về cấp nước: Đây là lĩnh vực được đầu tư sớm nhất, đó là các dự án: Cấp nước Phần Lan - ODA Phần Lan (từ năm 1985-1990), Cấp nước Gia Lâm (1993-1997) - ODA Nhật Bản, Cấp nước 1A (1999 - 2004) - vay tín dụng WB, Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì - vốn vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)1, đã góp phần nâng công suất từ 200.000m3/ngày lên trên 500.000 m3/ngày đêm (năm 2005) và đưa tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt đạt trung bình khoảng 120 - 130 lít/người/ngày, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch xuống còn dưới 35%. - Về thoát nước: Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn I (1996-2005) - vốn vay ODA của Nhật Bản được triển khai thực hiện đã góp phần hạn chế tình trạng úng ngập khu vực nội thành từ mùa mưa năm 2000 (với vũ lượng dưới 172mm/2 ngày). Qua đó, hệ thống các trạm bơm, hệ thống kênh mương, hồ điều hòa được xây dựng và nâng cấp cải tạo góp phần giảm đáng kể tình trạng úng ngập và cải thiện môi trường đô thị. Hiện nay dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II - cũng sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản đang tiếp tục được triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015.
- Về hạ tầng đô thị: Các dự án: Đèn tín hiệu giao thông thành phố Hà Nội (1995 - 1999) - ODA Pháp tài trợ đã góp phần giảm ùn tắc giao thông bằng hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông qua một trung tâm điều khiển điện tử tự động đặt tại 40B Hàng Bài với 106 nút giao thông; tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị Hà Nội (1999 - 6/2005) - vốn vay WB được thực hiện nhăm cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ và lập lại việc quản lý trật tự giao thông của Thủ đô, góp phần giảm ách tắc giao thông; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội giai đoạn I (1999 - 2010) - vốn vay JICA, tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển giao thông công cộng, từng bước giải quyết ách tắc giao thông tại các nút giao thông trọng điểm của Thành phố (Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, Kim Liên, ...) và an toàn cho người đi bộ thông qua xây dựng các cầu vượt bộ hành, tạo quỹ nhà, khu đô thị cho di dân giải phóng mặt bằng, cải thiện bộ mặt đô thị; phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì Hà Nội (1999 - 2008) - vốn vay JICA đã xây dựng được cơ sở hạ tầng kỹ thuật đi trước một bước tạo điều kiện phát triển một khu đô thị mới tại Bắc Thăng Long - Vân Trì đồng bộ và thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp ở phía Bắc sông Hồng.
- Về môi trường đô thị: Hiện tượng rác thải sinh hoạt ùn tắc lưu cữu đã giảm đáng kể, môi trường ngày càng được cải thiện và ý thức của người dân trong công tác vệ sinh môi trường được nâng cao thông qua việc tiếp cận chương trình 3R (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế) của JICA, cũng như tiếp nhận các trang thiết bị vận chuyển, xử lý rác thải của các Nhà tài trợ Nhật Bản, Đức.
Ngoài ra các dự án khác về lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục... cũng góp phần giải quyết một phần những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ người dân Thủ đô.
- Về năng lực quản lý: Thông qua các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA năng lực của các cơ quan quản lý đã được tăng cường, nhiều lớp cán bộ nghiên cứu và quản lý đã được đào tạo, học tập góp phần nâng cao kiến thức có hệ thống ở nước ngoài trong việc quản lý, điều hành các dự án đầu tư ...
Bên cạnh những tác động tích cực của ODA đối với quá trình phát triển KTXH của Thủ đô như đã nêu trên, việc sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng của nguồn vốn này.
a) Tiến độ thực hiện các dự án ODA chậm
Hầu hết các dự án ODA đều thực hiện chậm so với tiến độ đề ra. Thời gian chuẩn bị dự án, bao gồm khâu lập danh mục yêu cầu tài trợ đến khi dự án được ký kết với nhà tài trợ thường kéo dài, bình quân 2-3 năm, nhiều trường hợp đến 4-5 năm. Các nguyên nhân bao gồm:
- Do tính phức tạp và ảnh hưởng của tiến độ GPMB chậm, tình hình biến động giá cả thị trường tại một số thời điểm phức tạp. Hầu hết các dự án ODA trọng điểm có khối lượng GPMB lớn, trải dài trên nhiều địa bàn dân cư phức tạp, nên quá trình điều tra, lập phương án mất nhiều thời gian, trong khi các chế độ chính sách, quy trình thực hiện công tác GPMB có nhiều thay đổi làm gián đoạn và kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng so với dự kiến (ví dụ: Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND; và Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 điều chỉnh thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND), việc này đã ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng, cũng như làm phát sinh tăng kinh phí GPMB so với dự kiến ban đầu đã làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
- Năng lực của một số Ban quản lý dự án (BQLDA) còn hạn chế, việc tổ chức thực hiện dự án còn thiếu tính chuyên nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai dự án còn chưa kịp thời và hiệu quả,
- Một số dự án trong lĩnh vực hạ tầng đô thị như xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có quy mô lớn, lần đầu tiến triển khai thực hiện ở Việt Nam nói riêng và Hà Nội nói chung nên trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị, các hướng dẫn liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ các chủ sở hữu công trình trên mặt đất khi có công trình ngầm xây dựng đi qua đều chưa được các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, ban hành.
- Khung thể chế về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA mặc dù đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa nắm bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh viện trợ quốc tế hiện nay và đáp ứng nhu cầu thực tế.
- Một số dự án phải điều chỉnh, khớp nối cho phù hợp cũng như để tránh trùng lắp với các dự án khác đang triển khai trên cùng địa bàn sau khi mở rộng địa giới hành chính của thành phố Hà Nội.
- Thời gian hoàn tất các thủ tục theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng như: Lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, đấu thầu,... để triển khai dự án kéo dài làm phát sinh tăng các chi phí, đặc biệt là tăng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và phải làm các thủ tục điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án; quỹ nhà tái định cư ở một số dự án còn chưa đáp ứng kịp thời.
- Sự chỉ đạo của các cấp chưa quyết liệt và linh hoạt, trong khi việc triển khai một dự án ODA đòi hỏi sự tuân thủ quy định của cả Việt Nam và Nhà tài trợ, đặc biệt trong chính sách đền bù GPMB, tái định cư, đấu thầu,... của WB, ADB có quy định riêng. Do vậy, trong xử lý công việc, tình huống cần hài hòa các thủ tục để tránh tình trạng phải xin ý kiến của nhiều ngành, nhiều cấp và nhà tài trợ làm kéo dài thời gian dự án và làm phát sinh chi phí.
b) Tỷ lệ giải ngân các dự án ODA tương đối thấp
Theo đánh giá của các nhà tài trợ, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, mức độ giải ngân vốn ODA của thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là thấp so với mức bình quân của khu vực và quốc tế. Mặc dù mức độ giải ngân vốn ODA đã có những cải thiện nhất định trong những năm gần đây, song nhìn chung, công tác giải ngân các dự án ODA của thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua còn chưa đạt được yêu cầu, tỉ lệ giải ngân trung bình chỉ đạt khoảng 20% so với tổng mức vốn ODA đã cam kết và ký kết theo Hiệp định.
Một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị có tiến độ thực hiện rất chậm, đặc biệt là các dự án: Phát triển giao thông đô thị Hà Nội được phê duyệt từ tháng 5/2007, Hiệp định vốn vay ODA có hiệu lực từ tháng 4/2008, đến nay đã triển khai được hơn 04 năm/05năm (thời gian kết thúc giải ngân theo Hiệp định là 31/12/2013) nhưng mới giải ngân vốn ODA được khoảng 37,3 triệu USD/155 triệu USD (đạt khoảng 24%) hiện dự án đã được xem xét gia hạn hiệp định thêm 18 tháng đến tháng 6/2015; Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội: Tính từ thời điểm phê duyệt dự án lần đầu vào tháng 4/2009 đến nay đã hơn 3 năm (dự kiến hoàn thành năm 2016) mới giải ngân vốn ODA được khoảng 25,6 triệu Euro/653 triệu Euro theo các Hiệp định đã ký kết (đạt 4%).
c) Phát sinh chi phí
Một vấn đề rất phổ biến đối với các dự án ODA là phát sinh chi phí.
- Do thời gian thực hiện dự án kéo dài, giá cả thường xuyên biến động tăng ngoài dự kiến, hơn nữa một số nguyên tắc cách áp dụng đơn giá định mức giữa quy định của phía Việt Nam và Nhà tài trợ chưa thống nhất nên thường xuyên dẫn đến tình trạng làm phát sinh chi phí thực hiện dự án.
- Chất lượng đề cương chi tiết, văn kiện dự án ODA chưa tốt, chưa sát với thực tế, do vậy khi triển khai thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, do đó cũng làm phát sinh chi phí đáng kể.
- Việc đề xuất và lựa chọn các dự án sử dụng ODA chưa thực sự có căn cứ vững chắc. Một số dự án xuất phát từ các ý tưởng hoặc đề xuất của nhà tài trợ mà chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế. Điều này đôi khi làm cho dự án vừa ký kết xong đã lạc hậu bởi tác động của biến động về giá cả, chi phí giải phóng mặt bằng,...
II. ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ODA
a) Những mặt đã đạt được
Để nâng cao hiệu quả viện trợ phục vụ sự nghiệp phát triển KTXH của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA. Kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành 05 Nghị định về quản lý ODA: Nghị định số 20/CP ngày 15/3/1994, Nghị định số 87/CP ngày 05/8/1997, Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001, Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 và gần đây nhất là Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 23/4/2013, có hiệu lực từ ngày 06/6/2013. Các Nghị định sau đều được hoàn thiện hơn trên cơ sở thực tiễn công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA tại các Bộ, ngành, địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của quan hệ hợp tác phát triển và tiến tới hài hòa gần hơn với các quy định của các nhà tài trợ.
Một trong những nổ lực để hài hòa giữa quy định của Việt Nam với quy định của nhà tài trợ, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 48/2008/QĐ-TTg ngày 03/4/2008 về ban hành hướng dẫn chung lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nhóm 5 ngân hàng (Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Thế giới). Ngoài ra đã thống nhất với các nhà tài trợ về hài hòa chế độ báo cáo tình hình thực hiện các dự án ODA theo Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngoài ra, một loạt các diễn đàn được tổ chức nhằm mục tiêu trao đổi ý kiến giữa Chính phủ Việt Nam và các Nhà tài trợ, qua đó đưa các biện pháp ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, cam kết hành động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA và các vấn đề cấp thiết khác đang đặt ra trong quá trình phát triển của Việt Nam, như:
- Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), nay là Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF)
- Diễn đàn Hiệu quá Viện trợ (AEF)
- Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài khi tham gia vào các dự án ODA tại Việt Nam (ưu đãi về visa, thuế ...). Bộ Tài chính cũng có các văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, ưu đãi về thuế để thực hiện việc giải ngân các nguồn vốn ODA và các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
Bên cạnh hệ thống các văn bản pháp quy điều chỉnh trực tiếp tới ODA, hệ thống các văn bản trong quản lý đầu tư xây dựng, đất đai của Việt Nam đã tương đối đầy đủ và có những quy định phù hợp hơn với thông lệ quốc tế để việc thực hiện những chương trình, dự án có sử dụng nguồn vốn ODA được thuận lợi hơn và tiệm cận với các quy định của các nhà tài trợ. Trong lĩnh vực đấu thầu, Luật Đấu thầu và các Nghị định hướng dẫn hiện nay đã được hoàn thiện theo hướng tiệm cận với các quy định của các nhà tài trợ, đã khắc phục những tồn tại của hệ thống văn bản pháp quy đấu thầu trước đây (các Nghị định số 88/1999/NĐ-CP, 14/2000/NĐ-CP và 66/2003/NĐ-CP), đã đưa ra một số cải tiến quan trọng, bao gồm cơ chế giải quyết vướng mắc, chế độ xử lý sai phạm rõ ràng hơn, và yêu cầu độc lập tài chính của nhà thầu.
Để cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương liên quan đến nguồn vốn ODA, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành văn bản pháp quy về quản lý ODA, về quản lý đầu tư xây dựng và đất đai trên địa bàn Thành phố hướng dẫn chi tiết các quy định của Trung ương cho phù hợp với đặc thù của Hà Nội, điều này góp phần giúp cho việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án ODA trên địa hàn thành phố Hà Nội.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành “Quy định về quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của thành phố Hà Nội” tại Quyết định số 76/2009/QĐ-UBND ngày 29/5/2009 (thay thế Quyết định 69/2003/QĐ-UB ngày 02/6/2003) trên tinh thần Nghị định số 131/2006/NĐ-CP nhằm tăng cường công tác quản lý và sử dụng ODA tập trung vào một đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để thống nhất quản lý, đạt hiệu quả cao hơn.
b) Những mặt còn tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong cơ chế, chính sách liên quan đến ODA. Các dự án ODA ngoài tuân thủ các quy định của nhà tài trợ còn phải tuân thủ theo nhiều quy định khác của Việt Nam, và giữa những quy định của phía Việt Nam vẫn có những sự khác biệt dẫn tới những khó khăn vướng mắc trong thực hiện, cụ thể:
Sự hài hòa giữa các văn bản pháp lý của phía Việt Nam
Thực tế triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cho thấy ngoài việc tuân thủ theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và Nghị định số 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ thay thế cho Nghị định số 131/2006/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 06/6/2013), các dự án ODA còn bị chi phối trong các lĩnh vực có liên quan bởi nhiều văn bản pháp quy khác cùng cấp. Các văn bản pháp quy đó được sửa đổi, bổ sung nhiều nên làm hạn chế và khó khăn trong công tác huy động, quản lý và sử dụng ODA. Mặt khác, khi nghị định có hiệu lực, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ và thông tư hướng dẫn lại chậm ban hành, làm ảnh hưởng đến công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.
Sự hài hòa thủ tục giữa Chính phủ Việt Nam với các Nhà tài trợ
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2008/QĐ-TTg về ban hành hướng dẫn chung lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nhóm 5 ngân hàng, nhưng hướng dẫn này mới chỉ đưa ra những yêu cầu tối thiểu về chất lượng và mức độ chi tiết của báo cáo nghiên cứu khả thi, giúp các chủ đầu tư, chuyên gia tư vấn và đơn vị liên quan nâng cao chất lượng hồ sơ dự án làm cơ sở để lập kế hoạch và thực hiện dự án. Trên thực tế, các Chủ đầu tư dự án vẫn phải lập hai loại báo cáo nghiên cứu khả thi khác nhau để đáp ứng quy định của phía Việt Nam và Nhà tài trợ.
Quy định về chuẩn bị dự án
Việc chuẩn bị các chương trình, dự án ODA theo quy trình quy định tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP đã tương đối rõ ràng, cụ thể, nhưng quá trình chuẩn bị dự án ODA thường bị kéo dài do phải thực hiện nhiều thủ tục theo quy định của nhà tài trợ (như lập khung chính sách tái định cư, chuẩn bị ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định vay). Trong quá trình thẩm định dự án ODA cũng còn tồn tại một số vướng mắc, theo quy định của Việt Nam thì phải xác định rõ nguồn vốn thì mới phê dự án, tuy nhiên trong nhiều trường hợp Hiệp định vay vốn chưa được ký hoặc chỉ được ký theo mức vốn được phân kỳ hoặc chưa có cam kết chính thức (chỉ có cam kết về nguyên tắc) về nguồn vốn của nhà tài trợ, điều này làm cho việc xem xét, thẩm định dự án bị kéo dài.
Việc chuẩn bị dự án ODA bị kéo dài dẫn đến giảm thời gian ân hạn của khoản vay và phía Việt Nam phải chịu thêm những khoản phí về cam kết vay mặc dù những khoản vay này chưa được giải ngân.
Những điều tồn tại này đã được khắc phục trong Nghị định số 38/2013/NĐ-CP tại Nghị định này đã cho phép tiến hành “Các hoạt động thực hiện trước” sau khi đã thống nhất với nhà tài trợ và trước khi dự án được phê duyệt để tiết kiệm thời gian chuẩn bị dự án (một số hoạt động được thực hiện trước như: Thành lập Ban quản lý dự án (BQLDA); lập và phê duyệt khung chính sách tái định cư trong quá trình thẩm định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án; phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu tổ chức đấu thầu từ khi văn kiện chương trình, dự án được phê duyệt đến khi điều ước quốc tế cụ thể về ODA có hiệu lực…), tuy nhiên vì Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 06/6/2013 nên chưa đánh giá cụ thể những hiệu quả do những quy định mới này mang lại.
Quy định về giám sát đầu tư
Công tác giám sát, đánh giá dự án đã được quy định tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP, tuy nhiên các quy định này còn chưa cụ thể, chưa quy định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư và không đảm bảo tính khách quan trong việc tiến hành công việc giám sát, đánh giá dự án. Tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP đã bổ sung khắc phục bằng các quy định chi tiết về nội dung, quy trình các bước đánh giá, giám sát chương trình/dự án ODA, quy định về nguồn kinh phí và tổ chức/cá nhân thực hiện việc đánh giá dự án. Tuy nhiên, nội dung chi phí giám sát, đánh giá này chưa được tính đến trong nội dung tổng mức đầu tư của dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước về về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009) nên cũng gây lúng túng cho Chủ đầu tư khi thực hiện công tác này bằng nguồn vốn đối ứng trong nước.
Cơ chế tài chính
Bên cạnh những tồn tại trong cơ chế quản lý, thu hút ODA, những tồn tại hạn chế trong chính sách liên quan đến cơ chế tài chính ODA cũng ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình, dự án ODA. Cơ chế tài chính trong nước chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đủ và đúng tiến độ để thực hiện dự án theo kế hoạch, chủ yếu là cơ chế quản lý ngân sách, vốn đối ứng, cơ chế cho vay lại (lãi suất, trả nợ và thời gian trả nợ), thủ tục rút vốn, thuế đối với các dự án ODA Cơ chế này cần được xác định rõ ràng thì các chủ thể dự án mới có thể chủ động tính toán hiệu quả tài chính của dự án, nhất là các dự án ODA vốn vay.
Quy định về đấu thầu
Trong lĩnh vực đấu thầu, tuy các văn bản đang có hiệu lực hiện hành đã được hoàn thiện theo hướng tiệm cận với các quy định của các nhà tài trợ, nhưng những điểm khác biệt giữa quy định của Việt Nam và quy định chuẩn mực quốc tế vẫn còn tồn tại (như sự khác biệt về chỉ định thầu trong những trường hợp có thể, hệ thống cho điểm để đánh giá kỹ thuật, thương thảo giá trong đấu thầu cạnh tranh...). Chưa thực hiện được việc triển khai đấu thầu qua mạng để giảm thiểu thời gian, chi phí cho công tác đấu thầu cũng như đảm bảo minh bạch trong đấu thầu, tránh hiện tượng thông thầu. Các quy định hướng dẫn trong đấu thầu (nhất là đấu thầu tư vấn quốc tế) chưa cụ thể nhất là trong việc xác định giá các gói thầu tư vấn, dẫn đến phía Việt Nam khó kiểm soát giá trị công việc tư vấn và thường phải chấp nhận chi phí tư vấn với giá cao.
Quy định về môi trường
Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành sửa đổi các Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường theo hướng hài hòa về thủ tục về đánh giá tác động môi trường với quy định của nhà tài trợ, với những quy định về chuyên môn kỹ thuật cụ thể. Các nhà tài trợ WB, ADB cũng tham gia đóng góp vào việc sửa đổi cho các Nghị định này. Tuy nhiên, đến nay Nghị định sửa đổi vẫn chưa được thông qua do có những điểm chưa phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường 2005, và đề Nghị định này thông qua được thì phải sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường trước.
Quy định về đất đai
Trong lĩnh vực đất đai, các quy định của Chính phủ và của thành phố Hà Nội đã cơ bản đáp ứng yêu cầu cho những người bị di dời, giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án nói chung và dự án ODA nói riêng, giá trị đền bù được tính toán tiếp cận theo giá thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội quy trình xác định giá đất đền bù theo hướng dẫn tại Quyết định 02/2013/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc sửa đổi một số điều của quy định ban hành kèm theo quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 rất khó thực hiện do thị trường bất động sản suy giảm, nhiều khu vực không có giao dịch nên khó có thể xác định giá thị trường, dẫn đến việc triển khai công tác GPMB cho các dự án bị đình trệ. Để khắc phục tồn tại này, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 quy định chi tiết việc xác định giá đất ở, giá bán nhà tái định cư làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc thực hiện Quyết định này cũng cần có thời gian để đánh giá.
Quy định về tiếp cận nguồn vốn ODA cho khu vực tư nhân
Đối với khu vực tư nhân, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung quy định cho phép khu vực tư nhân tiếp cận vốn vay ưu đãi, tuy nhiên các quy định còn chung chung, chưa cụ thể và chưa có hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân thực sự có thể vay được nguồn vốn ODA và vốn ưu đãi từ các nhà tài trợ.
Về phía các nhà tài trợ cung cấp vốn ODA, một trong những xu hướng cấp vốn ODA hiện nay là hỗ trợ phát triển cho khu vực tư nhân, tuy nhiên mức độ áp dụng mới chỉ rất hạn chế. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân phải núp bóng các doanh nghiệp quốc doanh để thực hiện các dự án ODA theo dạng "Hợp đồng phụ". Các chủ doanh nghiệp chưa được đàm phán và tham gia kiểm soát quá trình đầu tư, thanh toán trực tiếp với chủ nguồn vốn.
Trong hai năm gần đây, rất nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia đã được nghiên cứu đề xuất và thực hiện theo mô hình PPP bằng nguồn vốn ODA, tuy nhiên do quy trình thủ tục quá phức tạp và kinh nghiệm hạn chế, mới chỉ một số ít được phê duyệt triển khai.
2. Công tác quản lý và thực hiện các dự án ODA ở thành phố Hà Nội
a) Những mặt đã đạt được:
Ở cấp cơ quan quản lý
- Để kịp thời đề xuất các chính sách, định hướng thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cũng như phối hợp liên ngành trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác ODA của Chính phủ (nay là Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi). Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải là Trưởng Ban. Ở cấp địa phương, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 6727/QĐ-UB ngày 03/10/2005 về việc thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA (gọi tắt là Ban Chỉ đạo ODA) do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Trưởng ban và các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành của Thành phố.
- Cơ quan thường trực giúp việc Ban chỉ đạo là Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ban chỉ đạo ODA thường xuyên họp giao ban định kỳ với các sở, ngành, các BQLDA và các nhà tài trợ để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án. Ban Chỉ đạo ODA của Thành phố cũng thường xuyên phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi để kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn chung cũng như của thành phố Hà Nội.
- Hiện nay, UBND Thành phố đã thống nhất được với hai nhà tài trợ lớn là Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới về lịch họp định kỳ kiểm điểm 06 tháng một lần đối với các dự án ODA của thành phố Hà Nội sử dụng vốn của những nhà tài trợ này. Như vậy, việc phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa cơ quan chủ quản và nhà tài trợ sẽ sớm giải quyết được các khó khăn vướng mắc và cùng đồng thuận về các cơ chế, chính sách có liên quan.
Ở cấp Ban quản lý dự án
- Nhìn chung các mô hình tổ chức BQLDA ODA trên địa bàn Hà Nội cơ bản phù hợp với quy định của Chính phủ về quản lý dự án ODA. Đối với những BQLDA thực hiện nhiều dự án ODA hoặc một dự án ODA nhưng trong thời gian dài, năng lực của các cán bộ đã được tăng cường đáng kể.
- Công tác đào tạo cán bộ cho các BQLDA ODA đã được quan tâm và đầu tư nhiều hơn, trong đó Nhà tài trợ đã tham gia đáng kể trong việc chủ động tài trợ cho các chương trình đào tạo trong và ngoài nước hoặc thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật.
b) Những mặt còn tồn tại, hạn chế
Ở cấp cơ quan quản lý
- Công tác chỉ đạo, quản lý còn chưa tập trung, sát sao. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Việc phối hợp với các đơn vị liên quan còn bị động, chưa đạt hiệu quả mong muốn.
- Công tác theo dõi, đánh giá tình hình triển khai các dự án ODA ở cấp quản lý chưa đầy đủ, nhất là công tác đánh giá hiệu quả của công trình sau đầu tư, rút ra những bài học kinh nghiệm cho những dự án ODA tiếp theo.
- Do có nhiều cấp, nhiều ngành tham gia vào quá trình vận động, thu hút ODA nên nhiều hạng mục dự án trùng lắp. Một trong những hạng mục thường xuyên bị trùng lắp là tăng cường thể chế, hầu hết các dự án đều có hạng mục này nhưng thiếu một cơ quan đứng ra điều phối chung cấp Thành phố.
Ở cấp Ban quản lý dự án
- Nhìn chung, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ODA còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ODA chưa được chuyên môn hóa, ít được bồi dưỡng, thường xuyên thay đổi và ít có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin. Trình độ của cán bộ không đồng đều nên gặp khá nhiều khó khăn trong công tác triển khai các dự án ODA.
- Một số BQLDA chưa được kiện toàn lại và phân công nhiệm vụ chưa hợp lý. Các cán hộ còn chưa làm hết trách nhiệm, chưa thể hiện đúng đại diện của chủ đầu tư. Năng lực cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu công việc (kể cả chuyên môn và kinh nghiệm). Còn dựa chủ yếu vào tư vấn dự án.
- Công tác phối hợp giữa các phòng chuyên môn của BQLDA còn yếu, lúng túng, chưa thực thể hiện là cơ quan hướng dẫn để hoàn thành công việc theo tiến độ chung.
- Công tác theo dõi, đánh giá tình hình đầu tư ODA mới chỉ thực hiện một cách hình thức cho đủ thủ tục mà chưa thật sự làm đúng quy định để phát huy đầy đủ vai trò của công tác theo dõi đánh giá.
- Một số BQLDA “ô” chưa có kinh nghiệm nên triển khai dự án chưa tuân thủ quy định về quản lý nguồn vốn ODA.
- Một số gói thầu được chia nhỏ cho các đơn vị trực thuộc dẫn đến việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật và tài chính, dẫn đến đầu tư không hiệu quả.
PHẦN III.
CÁC ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ
I. HOÀN THIỆN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
1. Ở cấp Trung ương
a) Hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư công
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế nhằm quản lý đồng bộ và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công (trong đó có nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác). Các Bộ, ngành liên quan cần rà soát, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, mua sắm, đấu thầu...; xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Đầu tư công, mua sắm công; trình Chính phủ ban hành các văn bản chính sách và thể chế dưới luật về quản lý chi tiêu công. Chính phủ cần thực hiện các chương trình và giải pháp cụ thể để phòng chống tham nhũng trong chi tiêu công.
b) Hoàn thiện thể chế liên quan đến nguồn vốn ODA
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ thể chế và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn cho Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Cần có hướng dẫn giám sát, theo dõi đánh giá dự án ODA theo một quy chuẩn chung trên cả nước; thiết lập hệ thống dữ liệu chính thức về các chương trình, dự án ODA phục vụ công tác theo dõi, đánh giá và phân tích việc sử dụng nguồn vốn này. Xây dựng cơ chế đảm bảo việc theo dõi và giám sát từ phía cộng đồng, góp phần thực hiện các biện pháp phòng chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
Đồng thời rà soát, sửa đổi hệ thống các văn bản pháp quy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường theo hướng phù hợp với quy định về quản lý nguồn vốn ODA và hài hòa thủ tục với các nhà tài trợ.
c) Hoàn thiện thể chế liên quan đến nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác cho khu vực tư nhân
Trên cơ sở Nghị định số 38/2013/NĐ-CP được ban hành, đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc cho phép tư nhân tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác. Đặc biệt cần có quy định cụ thể về các tiêu chí, điều kiện cần và đủ đối với khu vực tư nhân trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác.
Minh bạch hóa, thuận lợi hóa quy trình tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác đối với khu vực tư nhân. Từ khâu hoạch định chính sách ở cấp Trung ương cho tới khâu thực hiện tại các địa phương. Thực hiện tiêu chí vay và hoàn trả vốn gốc và lãi đúng hạn là một trong các tiêu chí ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác.
d) Hoàn thiện chính sách về tài chính trong nước đối với nguồn vốn ODA
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về phân bổ vốn đối ứng, xác định lãi suất vay lại, đơn giản hóa thủ tục rút vốn, chính sách thuế cũng như điều chỉnh lại cơ cấu chi của vốn ODA như sau:
Kịp thời phân bổ vốn đối ứng:
Ngân sách Nhà nước nên có một nguồn dự phòng dành riêng cho các dự án ODA. Nguồn dự phòng này sẽ được sử dụng trong các trường hợp bổ sung kế hoạch vốn đối ứng cho các dự án có hiệu lực sau kỳ lập kế hoạch, các dự án thiếu vốn đối ứng để nộp thuế, hỗ trợ địa phương không đủ vốn đối ứng.... vốn đối ứng cần được giao theo đúng địa chỉ của từng chương trình, dự án ODA cụ thể, không được bố trí tùy tiện cho các mục tiêu khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cách giao kế hoạch hàng năm để đảm bảo cân đối giao đủ vốn theo tiến độ giải ngân của nhà tài trợ với tiến độ cấp vốn đối ứng.
Xác định lãi suất cho vay lại của các khoản vốn ODA:
Các nhà tài trợ cũng khuyến khích hoặc yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực hiện cơ chế cho vay lại bởi vì sự ưu đãi của ODA dành cho toàn thể nhân dân chứ không phải cho những doanh nghiệp cụ thể. Chính phủ cần sớm ban hành Quy chế cho vay lại vốn ODA trong đó xác định rõ ngành, vùng, lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay lại đối với từng ngành, vùng, lĩnh vực. Tính đúng lãi suất cho vay lại vừa bảo đảm sự công bằng về lợi ích kinh tế, sự bình đẳng trong cạnh tranh, khuyến khích tính tích cực, năng động của các ngành, các cấp, cơ sở trong khai thác vốn ODA. Vì vậy, việc cho vay lại nguồn vốn ODA phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc:
- Vốn ODA cho vay lại phải được đầu tư đúng mục đích sử dụng và bảo đảm thực hiện đúng các ưu đãi hỗ trợ phát triển nguồn vốn này. Các thỏa thuận về các điều kiện vay, kể cả các ưu đãi được ghi trong các hiệp định vay về cơ bản phải đảm bảo cho các đối tượng sử dụng vốn ODA thụ hưởng, không dành những ưu đãi này cho các đối tượng khác.
- Thực hiện vay và hoàn trả vốn gốc và lãi đúng hạn theo các Hiệp định đã ký kết với các nhà tài trợ.
- Lãi suất cho vay lại cho các dự án thuộc cùng một ngành, một lĩnh vực và ở một vùng phải đảm bảo cùng một mức lợi ích, bất kể là nguồn tài trợ nào.
- Thống nhất dùng một đồng tiền quốc tế ổn định làm phương tiện thanh toán giữa Nhà nước và đơn vị được vay vốn ODA.
- Lãi suất vay lại được xác định cao như lãi suất thị trường.
Đơn giản hóa thủ tục rút vốn:
Trên thực tế, mỗi nhà tài trợ đưa ra một quy định rút vốn riêng cho chương trình dự án ODA của mình. Vì vậy, cần đạt tới sự hài hòa thủ tục rút vốn của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ.
Nhà nước cần có chính sách thuế phù hợp, áp dụng thống nhất cho các dự án ODA:
Nhà nước cần có chính sách thuế áp dụng thống nhất cho các dự án ODA. Các dự án có quy mô tương tự nhau được triển khai trong những điều kiện và cùng một lĩnh vực phải được hưởng cùng một chính sách thuế.
Điều chỉnh lại cơ cấu chi của nguồn vốn ODA:
Giảm tỷ lệ vốn ODA chi cho ngân sách Nhà nước. Hiện nay, tỷ lệ này là 37,7%, chi cho các lĩnh vực mở rộng và nâng cao đường xá. Để giảm bớt tỷ lệ vốn ODA cho các các lĩnh vực này, Chính phủ có thể kêu gọi sự đầu tư của nhân dân, của các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua hình thức BOT, PPP,....
Tăng tỷ lệ cho vay lại đối với các doanh nghiệp. Hiện nay tỷ lệ vốn ODA cho các doanh nghiệp vay lại trung bình đạt khoảng 57%. Việc tăng tỷ lệ cho vay lại của vốn ODA thể hiện rõ đây là nguồn vốn có vay có trả. Các dự án sử dụng vốn ODA phải đảm bảo tính khả thi để thu hồi cả vốn lẫn lãi, loại bỏ tư tưởng xin - cho hoặc Nhà nước cấp cho các doanh nghiệp.
a) Tăng cường công tác chuẩn bị dự án
Các dự án ODA phần lớn được đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng ít có khả năng sinh lời trực tiếp, như hệ thống giao thông đô thị, môi trường, cấp nước, thoát nước... Vì vậy nên có cơ chế đặc thù cho các dự án ODA ngay từ khâu chuẩn bị dự án.
b) Tăng cường công tác GPMB và tái định cư
Công tác điều tra, lên phương án và thực hiện bồi thường GPMB, tái định cư là một nội dung quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất nói chung và đặc biệt là các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn ODA.
Đồng thời với việc triển khai thực hiện các nội dung theo quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ thay thế cho Nghị định số 131/2006/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 06/6/2013) và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ ngành có thẩm quyền; việc nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện các quy định, chính sách bồi thường GPMB, tái định cư của thành phố Hà Nội để thực hiện các dự án ODA trên địa bàn là rất cần thiết, cấp bách để chủ động, linh hoạt trong công tác bồi thường GPMB, tái định cư đảm bảo để các dự án thực hiện theo đúng tiến độ theo cam kết và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Hoàn thiện thể chế về quản lý và thực hiện dự án ODA
- Nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 76/2009/QĐ-UBND ngày 29/5/2009 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của thành phố Hà Nội để phù hợp với những quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
- Xây dựng cơ chế cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp cận nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà trợ trên cơ sở quy định của Chính phủ tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013. Trước mắt nghiên cứu cơ chế thí điểm cho khu vực tiếp nhận tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Thế giới thông qua Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố Hà Nội.
- Xây dựng cơ chế về thẩm định khả năng trả nợ vốn vay và bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA của thành phố Hà Nội để đảm bảo cân đối chung trong ngân sách hàng năm của Thành phố đảm bảo sử dụng vốn đầu tư có hiệu.
- Xây dựng tiêu chí lựa chọn ưu tiên các dự án của thành phố Hà Nội để vận động nguồn vốn ODA, để có thể lựa chọn được các dự án thực sự cần thiết cho Thành phố.
- Nghiên cứu bổ sung sửa đổi các quy định về giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với các dự án ODA theo hướng tiếp cận với các chính sách giải phóng mặt và tái định cư của các nhà tài trợ để việc triển khai dự án ODA không bị kéo dài góp phần tiết kiệm chi phí thực hiện dự án.
- Hoàn thiện quy chế về phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Thành phố trong công tác quản lý nguồn vốn ODA để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân dự án ODA, tránh lãng phí do kéo dài thời gian thực hiện.
II. TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ODA
1. Tăng cường năng lực và cơ chế phối hợp giữa các Cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý vốn ODA
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch trung hạn về tăng cường năng lực thiết kế nội dung các chương trình và dự án tài trợ, công tác thẩm định và quản lý thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho các sở, ngành của thành phố Hà Nội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1851/VPCP-QHQT ngày 13/9/2013 và UBND thành phố Hà Nội tại văn bản số 9150/UBND-KT ngày 04/12/2013.
- Thành phố thống nhất chỉ đạo, các sở, ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện dự án (từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc dự án); đóng góp ý kiến nhanh, chính xác về các nội dung liên quan đến dự án; hướng dẫn thủ tục và phối hợp với các BQLDA để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.
- Thành lập tổ chuyên gia của UBND Thành phố gồm những người có năng lực và kinh nghiệm trong việc quản lý và thực hiện các dự án ODA. Các thành viên của tổ chuyên gia này được tuyển chọn từ các sở, ban, ngành và hoạt động dưới hình thức kiêm nhiệm, có nhiệm vụ hỗ trợ các BQLDA trong việc tuyển chọn các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, tư vấn trong việc mua sắm hàng hóa, thiết bị và tham mưu cho Thành phố để giải quyết những vấn đề phát sinh.
- UBND Thành phố cần định kỳ (tháng, quý) họp kiểm điểm, giao ban để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các quận, huyện và chủ đầu tư trong lĩnh vực GPMB, TĐC.
2. Tăng cường năng lực của các BQLDA ODA
- Rà soát, kiện toàn, có thể sát nhập các BQLDA thực hiện kém hiệu quả để tạo thành một số BQLDA có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu và có tính chuyên nghiệp trong quản lý các dự án ODA của Thành phố. Ủy quyền cho BQLDA chịu trách nhiệm về một số hạng mục công việc của dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
- Nâng cao chất lượng, năng lực và trình độ cán bộ của các BQLDA ODA ở các cấp (kể cả cán bộ lãnh đạo).
- Củng cố và kiện toàn cơ cấu tổ chức và bộ máy của BQLDA để đáp ứng các yêu cầu công việc trong các giai đoạn của dự án. Thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về các nghiệp vụ quản lý dự án.
- Cải tiến cơ chế tiền lương cho các BQLĐA: Thực hiện cơ chế khoán lương, khoán chi phí ở các BQLDA ODA.
3. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá
- Tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá thông qua việc hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và dữ liệu về tình hình thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ở các cấp quản lý và các BQLDA theo quy định.
- Nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng và áp dụng các chế tài nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật về theo dõi, giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
- Tăng cường công tác theo dõi và giám sát cộng đồng thông qua việc hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, góp phần vào việc đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, phòng chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
Phần IV.
ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VỐN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ
I. BỐI CẢNH CHUNG
Trong những năm tới Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, theo đó chính sách, quy mô và điều kiện cung cấp ODA cho Việt Nam của các nhà nhà tài trợ sẽ thay đổi, theo đó nguồn vốn ODA ưu đãi giảm dần, đồng thời vốn vay ODA kém ưu đãi sẽ tăng hơn. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho phát triển KTXH của thành phố Hà Nội bị thiếu hụt trầm trọng. Do vậy, Hà nội đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế với xu hướng mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế quốc tế, trong đó một trong những phương thức huy động vốn quan trọng là thu hút ODA cho phát triển kinh tế.
I. Những thay đổi trong quan hệ hợp tác phát triển
Thay đổi về chính sách viện trợ:
Theo tập quán viện trợ phát triển quốc tế, viện trợ với những điều kiện ưu đãi dành cho các nước nghèo, chậm phát triển thu nhập thấp. Tính chất ưu đãi của ODA thể hiện ở viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi. Trước kia khi Việt Nam là nước thu nhập thấp, chúng ta đã được hưởng những ưu đãi của ODA trong thời kỳ 1993 - 2010. Do vậy, sự thay đổi đầu tiên của chính sách viện trợ của các nhà tài trợ đối với Việt Nam dễ nhận thấy là quy mô vốn ODA ưu đãi, bao gồm viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi giảm dần.
Thay đổi về cơ cấu nguồn viện trợ:
Một số nhà tài trợ điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ODA cung cấp cho Việt Nam theo hướng giảm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và các khoản vốn vay ưu đãi, mở các kênh tín dụng mới có các điều kiện cho vay kém ưu đãi hơn với lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ ngắn hơn.
Thay đổi về phương thức hợp tác phát triển:
Một số nhà tài trợ song phương chuyển đổi hình thức quan hệ hợp tác phát triển chính thức với Chính phủ Việt Nam sang hỗ trợ trực tiếp để phát triển quan hệ hợp tác giữa các đối tác của hai bên (ví dụ: Quan hệ giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội,...). Một số nhà tài trợ có thể chấm dứt chương trình cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam.
2. Những thách thức trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới
- Xu thế nguồn vốn ODA giảm dần và vốn vay ưu đãi tăng lên là thay đổi chính trong chính sách viện trợ. Tuy nhiên, sự gia tăng quy mô vốn vay kém ưu đãi tùy thuộc vào năng lực hấp thụ nguồn vốn này của phía Việt Nam. Đây là một thách thức đòi hỏi các cơ quan thụ hưởng Việt Nam phải tăng cường năng lực và cải tiến mạnh mẽ tình hình thực hiện dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
- ODA viện trợ không hoàn lại giảm dần. Để bù đắp cho sự sụt giảm viện trợ không hoàn lại cần thiết phải có chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư theo hướng xã hội hóa, nhất là có chính sách thỏa đáng thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, huy động sự tham gia và đóng góp của các tổ chức xã hội nhân dân và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cho sự phát triển y tế, giáo dục và đào tạo.
- Theo các điều kiện của vốn vay kém ưu đãi thì đây là nguồn vốn vay đắt và khó sử dụng so với vốn vay ưu đãi. Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này đòi hỏi người thụ hưởng phải có trình độ và chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn này.
3. Một số nét về kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng khá. GRDP bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 8,9%, tuy chưa đạt so với kế hoạch (12 - 13%) nhưng cao gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng bình quân của cả nước. Trong đó, dịch vụ tăng cao nhất đạt 9,8%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 8,7%/năm, nông nghiệp tăng 2,6%/năm. Quy mô GRDP năm 2013 đạt 94.958 tỷ đồng (giá cố định 1994) tăng gấp 1,3 lần so với năm 2010; thu nhập tính theo GRDP theo đó tăng lên, bình quân đầu người năm 2013 đạt 2.260 USD/người, gấp 1,22 lần so năm 2010 (năm 2010 đạt 2.060 USD/người).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2013, cơ cấu các ngành tương ứng là: 52,7%; 41,8% và 5,5% trong khi cơ cấu các ngành năm 2010 tương ứng là: 52,3%; 41,9%; 5,8%.
Bước vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 trong điều kiện nền kinh tế tiếp tục có nhiều khó khăn hơn so với dự báo: Sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; thu ngân sách Nhà nước đạt thấp so với dự toán ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách; đời sống nhân dân còn gặp khó khăn; nhu cầu an sinh, phúc lợi xã hội ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn hẹp;... Trong khó khăn chung, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp, nhân dân, tình hình KT- XH của Thành phố đã có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng. Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, thu ngân sách đạt thấp hơn so với dự toán, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, đồng thời tiết kiệm chi. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 138.373,29 tỷ đồng, bằng 85,7% dự toán. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 56.217 tỷ đồng.
Năm 2014, kinh tế Thế giới dự báo sẽ có sự phục hồi, tuy nhiên vẫn còn yếu tố rủi ro, chưa nhanh và vững chắc. Năm 2014 được xác định là “Năm kỷ cương trật tự và văn minh đô thị”. Hà Nội có những cơ hội, đó là: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/BCT về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020; Chính phủ thông qua Chiến lược, các Quy hoạch phát triển của Thành phố; Luật Thủ đô và các cơ chế, chính sách cụ thể hóa Luật đã có hiệu lực, tạo điều kiện cho Thành phố huy động các nguồn lực đẩy mạnh sự phát triển, trong đó có nguồn vốn ODA.
II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO TRONG CÁC CHIẾN LƯỢC, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA TP HÀ NỘI VÀ ĐỊNH HƯỚNG ƯU TIÊN THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ CÁC KHOẢN VAY ƯU ĐÃI KHÁC CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ Ở CẤP QUỐC GIA
1. Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
a) Quan điểm phát triển
- Quy hoạch phát triển KTXH thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phải phù hợp với Chiến lược phát triển KTXH của cả nước, quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực; xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước.
- Phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển KTXH nhanh và bền vững, trong đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô là nhân tố quyết định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xây dựng, quản lý đô thị với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục - đào tạo; y tế, văn hóa, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế là nhiệm vụ nền tảng và liên tục xây dựng và quản lý đô thị là nhiệm vụ trọng tâm và phát triển xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cho phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững.
- Ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển (kết cấu hạ tầng then chốt, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực); đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực mà Thành phố có lợi thế cạnh tranh như du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao... để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nên kinh tế.
- Thực hiện phát triển bền vững, gắn kết giữa phát triển KTXH với sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KTXH với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
b) Mục tiêu phát triển
Xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước đảm bảo thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ giao thương và kinh tế lớn của cả nước. Bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam-thiết lập các cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao. Có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, môi trường .bền vững. Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị quốc phòng trật tự an toàn xã hội; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Thủ đô trong khu vực và quốc tế được nâng cao.
c) Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực
- Dịch vụ;
- Công nghiệp - xây dựng;
- Nông, lâm thủy sản và phát triển nông thôn;
- Các lĩnh vực xã hội (lao động việc làm, văn hóa, giáo dục và đào tạo y tế và dân số, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ);
- Quốc phòng, an ninh;
- Phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, hệ thống cấp điện, thông tin và truyền thông cấp nước, thủy lợi, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang).
2. Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển KTXH thành phố Hà Nội đến năm 20305 tầm nhìn đến 2050
Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực:
- Xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, có khả năng hội nhập cao, năng động và thích ứng với phát triển nên kinh tế trí thức. Cải tiến cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn, có ý nghĩa thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển kinh tế tri thức, các ngành phân phối, dịch vụ chất lượng cao. Cụ thể:
+ Phát triển mạnh các ngành dịch vụ trình độ và chất lượng cao
+ Phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và thân thiện môi trường.
+ Phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hiệu quả bền vững
- Hoàn thành về cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại.
- Hình thành không gian đô thị hợp lý.
- Phát triển và phát huy các giá trị văn hóa.
- Phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Về y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
- Phát triển thể dục, thể thao.
- Phát triển khoa học và công nghệ tạo tiền đề phát triển nhanh và chất lượng.
- Đảm bảo việc làm và an sinh xã hội.
- Cải thiện môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
- Đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng.
- Phát triển hợp tác liên kết vùng và quan hệ đối ngoại.
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ được ưu tiên sử dụng trên cơ sở các nguyên tắc sau:
- Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011 - 2015, tập trung ưu tiên thực hiện 3 đột phá lớn được xác định trong Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2011 - 2020; hỗ trợ thực hiện Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011- 2020; hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia giai đoạn 2012 - 2015.
- Ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.
- Sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi như nguồn vốn bổ trợ nhằm khuyến, khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình và phương thức khác nhau trong đó có hợp tác công - tư (PPP).
- Một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy thương mại, góp phần tạo công ăn việc làm và tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng, các địa phương.
Nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, bố trí vốn và tổng hợp, giao kế hoạch đầu tư từ ngân sách Nhà nước gồm:
- Việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ phải bám sát mục tiêu và định hướng Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011 - 2015 của cả nước và của các ngành, các địa phương.
- Tăng cường các biện pháp huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng KTXH có khả năng thu hồi vốn.
- Ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án.
III. CHÍNH SÁCH CUNG CẤP VỐN ODA CỦA MỘT SỐ NHÀ TÀI TRỢ LỚN DÀNH CHO VIỆT NAM
Hiện nay, ở Việt Nam có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương hoạt động, cung cấp nguồn ODA và vốn vay ưu đãi cho hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội chỉ tiếp nhận vốn ODA của một số nhà tài trợ chính, như: Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Pháp, ... Các lĩnh vực sử dụng vốn ODA cũng rất đa dạng, nhưng phần lớn tập trung và một số lĩnh vực chính như phát triển hạ tầng đô thị, cấp thoát nước môi trường, y tế,... Việc nắm bắt chính sách cung cấp ODA của các các nhà tài trợ sẽ giúp nước nhận tài trợ xây dựng được định hướng thu hút nguồn vốn ODA một cách có hiệu quả và chủ động trong công tác vận động xúc tiến nguồn vốn này.
Nguồn vốn ODA được cung cấp dưới hình thức ODA viện trợ không hoàn lại và ODA vay ưu đãi (lãi suất trong khoảng từ dưới 1% đến tối đa 2%/năm; thời gian ân hạn trả nợ 30 - 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn) hoặc hỗn hợp giữa các nguồn vốn này. Trong thời gian gần đây khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, một số nhà tài trợ mở các kênh tín dụng mới với các điều kiện cho vay ngặt nghèo và kém ưu đãi hơn như các khoản vay IBRD của WB, OCR của ADB ... (chi tiết các điều kiện vay của một số nhà tài trợ lớn được nêu trong Phụ lục 1).
Đa phần các nhà tài trợ song phương đều xây dựng các chương trình hợp tác phát triển ngắn hạn hoặc trung hạn (3 năm) với Việt Nam. Một số nhà tài trợ đa phương và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhóm các tổ chức Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu (EU)... xây dựng các chiến lược đối tác quốc gia song hành với Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm của Việt Nam. Các chương trình này được xây dựng trên cơ sở chính sách viện trợ của nhà tài trợ, định hướng vào lĩnh vực phát triển ưu tiên của Việt Nam dựa trên Đề án thu hút, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Việt Nam qua các thời kỳ, cũng như các Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Dưới đây là tổng hợp chiến lược và chính sách tài trợ của một số Nhà tài trợ chính đối với thành phố Hà Nội.
1. Nhật Bản
Nhật Bản, thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện đang là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam cũng như Hà Nội trong giai đoạn 1993 - 2012 (khoảng 19,81 tỷ USD cho Việt Nam và 2,38 tỷ USD cho Hà Nội), đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức sống của nhân dân Việt Nam. Định hướng cung cấp ODA của Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực sau đây:
(1). Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng
- Tăng năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp
- Cải cách doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tài chính
(2). Tăng cường quản trị Nhà nước
- Cải cách pháp luật và Hệ thống tư pháp
- Cải cách dịch vụ công và phát triển nguồn nhân lực
- Tăng cường chức năng lập pháp
(3). Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương
- Xóa đói giảm nghèo - Thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn
- Bảo vệ môi trường
- Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
2. Ngân hàng Thế giới (WB)
WB là một tổ chức quốc tế gồm có 5 cơ quan hoạt động tương đối độc lập với nhau gồm: (i) Hiệp hội Phát triển Quốc Tế (IDA); (ii) Ngân hàng Quốc tế về Tái Thiết và Phát triển (IBRD); (iii) Công ty Tài chính Quốc Tế (IFC); (iv) Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA); và (v) Trung tâm Quốc tế về xử lý tranh chấp Đầu tư (ICSID). Tuy nhiên, nói đến nguồn vay của WB dành cho Hà Nội hiện nay là hai tổ chức IBRD và IDA. Mỗi tổ chức đều có vai trò riêng biệt trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân các nước đang phát triển. Trong chiến lược hợp tác quốc gia của WB đối với Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016 dự kiến phân bổ các nguồn vốn như sau:
- Hiệp hội Phát triển Quốc Tế (IDA) 16 dự kiến phân bổ khoảng 2,8 tỷ SDR (quyền rút vốn đặc biệt), tương đương 4,2 tỷ USD, cho Việt Nam để hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội trong giai đoạn tài chính 2012 - 2014.
- Dự kiến tổng giá trị cam kết của IBRD cho các tài khóa 2012 - 2014 là 770 triệu USD, trong đó khoảng 280 triệu USD được dự kiến cấp cho hai DPO (các hoạt động chính sách phát triển).
- Cơ sở hạ tầng có khả năng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nguồn vốn cho vay của Ngân hàng (nhất là vốn IBRD), do Việt Nam vẫn có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng nhanh.
- Tiếp nối những thành tựu mạnh mẽ của Việt Nam trong tăng trưởng và giảm nghèo, Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ hợp tác để hỗ trợ Việt Nam đạt được thành công với vị thế một quốc gia có thu nhập trung bình.
Chiến lược hỗ trợ quốc gia của WB sẽ trực tiếp hỗ trợ Chiến lược Phát triển KTXH 10 năm 2011 - 2020 Kế hoạch Phát triển KTXH 5 năm 2011 - 2015. Theo những nội dung trong kế hoạch phát triển KTXH 5 năm của Chính phủ, WB sẽ hỗ trợ các đầu tư và chính sách nhằm mục tiêu (i) tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, (ii) tăng tính bền vững của quá trình phát triển và (iii) mở rộng điều kiện tiếp cận các cơ hội kinh tế và xã hội.
Chiến lược đối tác quốc gia của ADB dành cho Việt Nam tập trung vào những mục tiêu chính sau đây:
(1). Trọng tâm của chiến lược đối tác quốc gia. ADB sẽ hỗ trợ Viêt Nam về mục tiêu tiến tới quốc gia có thu nhập trung bình ở mức cao qua ba trụ cột: Tăng trưởng toàn diện, nâng cao hiệu quả kinh tế và bền vững về môi trường.
(2). Tăng trưởng toàn diện. Hỗ trợ của ADB sẽ giúp lồng ghép người nghèo các nhóm và thành phần dễ bị tổn thương khác trong xã hội vào tiến trình phát triển bằng cách nâng cao khả năng tiếp cận tới các cơ hội do cải thiện về cơ sở hạ tầng tài chính vi mô, phát triển nông thôn, và các dịch vụ xã hội đem lại.
(3). Nâng cao hiệu suất kinh tế. ADB sẽ hỗ trợ cải cách cơ cấu và chính sách bao gồm cả điều hành và tài chính công nhằm đẩy mạnh môi trường tạo điều kiện kinh doanh và qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.
(4). Bền vững về môi trường. Việc phản hồi kịp thời và được hoạch định tốt với những thách thức về biến đổi khí hậu và về môi trường ở cấp quốc gia và tiểu vùng quản lý môi trường thích hợp, cũng như việc áp dụng công nghệ sạch trong phát triển cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phát triển bền vững đồng thời bảo vệ được người nghèo.
(5). Lựa chọn ngành. ADB sẽ ưu tiên cho sáu ngành: (i) nông nghiệp và tài nguyên, (li) giáo dục, (iii) năng lượng, (iv) tài chính, (v) giao thông, và (vi) cấp nước cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đô thị khác.
(6). Các vấn đề liên ngành. Chiến lược đối tác quốc gia sẽ coi các chủ đề về điều hành và phát triển năng lực, công bằng giới, phát triển khu vực tư nhân và hoạt động của khu vực tư nhân là những động lực thay đổi chính trong các hoạt động của ADB.
Trong giai đoạn từ 2013 đến 2015, các hoạt động của AFD được quy định trong Khung chiến lược Tài trợ Quốc gia. Các hoạt động tài trợ của AFD nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình tăng trưởng mới trong khuôn khổ Kế hoạch Phát triển KTXH 2011 - 2015 và chiến lược tăng trưởng xanh đã được Việt Nam đưa ra. Các hoạt động của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam phù hợp với các mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển của Pháp và được xem xét định kỳ cùng với Chính phủ Việt Nam, ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực sau đây:
(1). Hỗ trợ phát triển đô thị.
(2). Hỗ trợ quá trình hiện đại hóa khu vực sản xuất có tác động mạnh đến môi trường và xã hội.
(3). Hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
5. Liên minh châu Âu (EU)
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với EU được thể hiện toàn diện trong Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - EU với mục đích tăng cường quan hệ song phương, các bên sẽ tiến hành đối thoại toàn diện và tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực cùng quan tâm. Trong đó, chú trọng đến hợp tác phát triển KTXH và các vấn đề khác, bao gồm nhũng lĩnh vực cụ thể như hợp tác về di cư, giáo dục và đào tạo, y tế, môi trường và tài nguyên thiên nhiên, hợp tác khoa học và công nghệ giao thông vận tải, ...
Chương trình viện trợ của Úc tập trung vào những lĩnh vực được ưu tiên trong Chiến lược Phát triển KTXH giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ Việt Nam. Đây là những lĩnh vực cần thiết để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Những lĩnh vực cốt lõi của chương trình là:
(1) Phát triển nguồn nhân lực
(2) Hội nhập kinh tế (bao gồm cả cơ sở hạ tầng)
(3) Tính bền vững về môi trường (bao gồm cả biến đổi khí hậu, nước và vệ sinh môi trường).
Những lĩnh vực này cũng phản ánh năm mục tiêu cốt lõi của chương trình viện trợ của Chính phủ Úc, bao gồm:
(1) Bảo vệ cuộc sống - thông qua tăng cường sử dụng nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường.
(2) Úc đẩy cơ hội cho tất cả mọi người - thông qua cung cấp kiến thức và trình độ kỹ thuật cho người Việt Nam thông qua các chương trình học bổng.
(3) Phát triển kinh tế bền vững - thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và mở cửa thị trường cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu
(4) Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước - thông qua các chương trình trợ giúp Chính phủ Việt Nam hiện đại hóa thể chế (tăng cường thể chế là một vấn đề xuyên suốt cho tất cả các chương trình khu vực của Úc).
(5) Các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thảm họa - thông qua các hoạt động hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai.
1. Định hướng sử dụng theo nguồn vốn
Trong việc huy động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, cần tiếp cận linh hoạt theo hướng sử dụng tối đa các khoản vay ODA với các điều kiện ưu đãi, đặc biệt trong giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo, kết hợp giữa viện trợ không hoàn lại, vay ODA và vay ưu đãi để “Làm mềm” khoản vay. Cụ thể như sau:
Đối với vốn ODA không hoàn lại
Ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực xã hội như: Y tế, giáo dục, nông nghiệp nông thôn, làng nghề, phát triển thể chế và nguồn nhân lực, khoa học, kỹ thuật, chuyển giao kiến thức và công nghệ bao gồm cả tăng cường phát triển KTXH cho vùng đồng bào dân tộc của Hà Nội.
Đối với vốn vay ODA
- Tập trung nguồn vốn này cho cân đối ngân sách Nhà nước để đầu tư cho các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng (bao gồm cả phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới, ...), các công trình phúc lợi xã hội và các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và là đối tượng chi của ngân sách Nhà nước.
- Thực hiện cho vay lại từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình, dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn (như cấp nước, ....)
Đối với vốn vay ưu đãi
Tập trung nguồn vốn này để đầu tư cho các chương trình, dự án có nguồn thu và có khả năng trả nợ chắc chắn như: Các công trình điện, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao,...
2. Định hướng thu hút và sử dụng theo Nhà tài trợ
Trên cơ sở tình hình thu hút và sử dụng ODA trong thời gian qua và căn cứ trên chiến lược cung cấp ODA của các Nhà tài trợ, định hướng thu hút và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi theo Nhà tài trợ trong giai đoạn tới của thành phố Hà Nội như sau:
- Đối với nhóm 6 ngân hàng phát triển (WB, ADB, JICA, AFD, KfW, KEXIM: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế hiện đại, cơ sở hạ tầng tiên tiến có tác dụng thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư tạo tiền đề cho phát triển KTXH, góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Đối với các nhà tài trợ khác (các nước Bắc Âu, Úc, Canada, Bỉ, Hà Lan ...): để hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục môi trường, xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn còn khó khăn,...
3. Định hướng theo lĩnh vực ưu tiên
a) Các nguyên tắc xây dựng định hướng
- Trước mắt cần tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai theo đúng tiến độ Hiệp định cam kết về ODA đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng mục tiêu để đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông và cải thiện các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố Hà Nội theo hướng phát triển bền vững.
- Ưu tiên thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA để hỗ thợ thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển của Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011 - 2015 của thành phố Hà Nội, trong đó tập trung thực hiện các nội dung, mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020.
- Tranh thủ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi khác cho phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, bền vững, hiện đại đáp ứng các yêu cầu phát triển KTXH của Thủ đô. Trong đó ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các dự án đầu tư công có quy mô lớn quan trọng mà khó có khả năng thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân cũng như sử dụng các nguồn vốn vay thương mại khác.
- Sử dụng nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi khác như nguồn vốn bổ trợ để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật của Thành phố thông qua các mô hình và phương thức đầu tư khác nhau trong đó có mô hình hợp tác công - tư (PPP).
b) Định hướng các lĩnh vực ưu tiên
+ Tiếp tục ưu tiên sử dụng vốn ODA để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (kết hợp cả hệ thống BRT và xe buýt) theo giai đoạn để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh trên cơ sở Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (hiện đang triển khai đầu tư 04/08 tuyến theo quy hoạch). Kết hợp việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị với xây dựng các công trình dịch vụ, công cộng với xây dựng các nhà ga đường sắt đô thị.
+ Xây dựng và hoàn thiện các tuyến đường vành đai liên vùng như: Vành đai giao thông đối ngoại (VĐ IV) để kết nối các tuyến quốc lộ và cao tốc hướng tâm nối các khu công nghiệp, khu đô thị liền kề Thủ đô Hà Nội; vành đai liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội (VĐ V); hoàn thiện các đoạn còn lại của đường VĐ II, III....
+ Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm (QL 1A, QL6, QL 21B, QL32, QL2, QL3 và QL 5 thuộc địa phận Hà Nội để kết nối với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
+ Xây mới các cầu qua sông Hồng (Tứ Liên, Thượng Cát,...)
+ Xây dựng mới và nâng công suất các đầu mối cấp nước chính: Nâng công suất nhà máy nước mặt sông Đà đạt 1.200.000 m3/ngày đêm đến năm 2020; xây dựng mới các nhà máy nước mặt sông Hồng đạt 450.000 m3/ngày đêm đến năm 2030; sông Đuống đạt 600.000 m3/ngày đêm đến năm 2020 đồng thời với việc xây dựng đồng bộ mạng lưới truyền dẫn cấp nước sạch theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 499/2013/QĐ-TTG ngày 21/3/2013;
+ Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mưa, nước thải và xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công nghệ tiên tiến hiện đại theo Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013, cụ thể: Hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ; hệ thống thu gom và xử lý nước thải Tây sông Nhuệ khu vực Hà Đông, Sơn Tây, An Lạc (Long Biên), Hải Bối, Sơn Du, Cổ Loa; xây dựng các trung tâm tái chế bùn thải thoát nước,...
+ Xây dựng mới và mở rộng các khu xử lí chất thải rắn tập trung có quy mô lớn lựa chọn sử dụng công nghệ hiện đại đảm bảo tỷ lệ tái chế, đốt rác để sản xuất điện năng đạt 60 - 80%, chôn lấp hợp vệ sinh đạt 15 - 40 % (theo Quy hoạch đang trình phê duyệt và Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 25/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050).
+ Đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế như: Trung tâm đào tạo - khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia trong lĩnh vực y tế (phòng chống HIV/AIDS, cai nghiện ma túy, kế hoạch hóa gia đình,...).
+ Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho công tác dạy và học, đào tạo giáo viên và cán bộ quản chủ chốt để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
+ Các dự án nhằm hỗ trợ cải thiện đời sống và sinh kế của người dân địa phương hỗ trợ giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình phát triển đô thị hóa nhanh góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững,...
+ Ưu tiên các dự án cho phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, hài hòa và bền vững với môi trường, gắn phát triển nông nghiệp với ngành nghề khác (thủ công nghiệp, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề...);
+ Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, ...theo Quyết định số 2214/QĐ-TTG ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Hỗ trợ xây dựng các khu sản xuất làng nghề tập trung xa các khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
+ Ưu tiên để hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ thực hiện Chương trình nông thôn mới (giao thông nông thôn, điện nông thôn,...);
+ Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối và hệ thống kênh tiêu thoát
+ Đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp hệ thống đê điều của Thành phố để đảm bảo an toàn bảo vệ Thủ đô kết hợp phát triển hạ tầng giao thông, phát triển sản xuất và cảnh quan đô thị ...
+ Ưu tiên cho các dự án bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm thông qua việc ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường,...
+ Hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (như hình thành các hệ sinh thái ven sông, giảm nhẹ tác động lũ lụt, phòng ngừa sự cố, ...)
- Tăng cường năng lực và cải cách hành chính
+ Ưu tiên tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của Thành phố ở các cấp (sở, ngành, các BQLDA,...) để đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế;
+ Hỗ trợ cải cách hành chính (thể chế, tổ chức bộ máy và thủ tục hành chính,..)
+ Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đáp ứng nguồn kinh tế tri thức phát triển Thủ đô.
4. Đề xuất danh mục các dự án ưu tiên thu hút và sử dụng các nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ (Phụ lục 2).
Căn cứ trên cơ sở tổng hợp nhu cầu đầu tư bằng nguồn vốn ODA của các sở ngành của thành phố Hà Nội, căn cứ theo các Quy hoạch, Chương trình, Chiến lược tổng thể phát triển KTXH của thành phố Hà Nội và Định hướng thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội như đề xuất ở trên, một danh mục các dự án ưu tiên thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ được xây dựng. Danh mục dự án sẽ là cơ sở để xây dựng đề cương dự án, làm tài liệu kêu gọi các nhà tài trợ cung cấp vốn ODA.
PHẦN V.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đơn vị chủ trì thực hiện: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội là đầu mối trực tiếp thực hiện Đề án dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Nhà tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội để thực hiện các kế hoạch hành động nêu ra trong Đề án; trao đổi với các địa phương về kinh nghiệm về thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.
2. Đơn vị phối hợp
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính,
- Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, các BQLDA của thành phố Hà Nội.
- Các Nhà tài trợ.
3. Kế hoạch hành động (Phụ lục 3)
Phụ lục 1
ĐIỀU KIỆN VAY VỐN ODA CỦA MỘT SỐ NHÀ TÀI TRỢ CHỦ YẾU
STT | Tên nhà tài trợ | Lãi suất % | Thới gian trả nợ (năm) | Ân hạn (năm) | Phí dịch vụ (%) |
1. | Nhật bản | | | | |
| - Vay thông thường | 1,2 | 30 | 10 | |
| - Vay ưu đãi | 0,55 | 40 | 10 | |
| - STEP | 0,2 | 40 | 10 | |
| - Môi trường | 0,25 | 40 | | |
| - STEP môi trường | 0,1 | 40 | 10 | |
2. | Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) | | | | |
| - ADF (ưu đãi) | 0 | 32 | 8 | |
| - OCR (thông thường) | 0,4 | 15-25 | 3-5 (tương ứng với thời gian trả nợ) | 0,5% (phí đầu vào) và (0,75% (phí cam kết) |
3. | Ngân hàng thế giới (WB) | | | | |
| IDA (ưu đãi) | 0 | 40 | 10 | 0,75% |
| IBRD (thông thường) | (LIBOR + 0,2) | 30 | 5 | 0,25 (phí thu xếp 1 lần) |
4. | Pháp | | | | |
| - Vay chính phủ | 0,9-1,5 | 15-20 | 5-8 | |
| - AFD | Elibor-1 (PS2), Elibor - 2%(PS1), Elibor (PS3) | | | |
5. | Hàn Quốc | 0,05-0,1 | 35-40 | 10 | |
6. | Đức | | | | |
| - Vay ưu đãi | 0,75 | 40 | 10 | |
| - Vay phát triển | 2,5-3 | 12-15 | 3 | |
7. | Bỉ | 0 | 10-13 | 1-3 | |
8. | Đan Mạch | 0 | 10-15 | Thời gian xây lắp | |
9. | Na Uy | 0 | 10 | Thời gian xây lắp | |
10. | Áo | 0,75-3 | 15-18 | 3-5 | |
11. | Hungari | 0 | 15 | 3-5 | |
12. | Tây Ban Nha | 1 | 15 | 5 | |
13. | Thụy Sĩ | | 10 | Vay thương mại (50% tổng giá trị hợp đồng) | |