Quy chuẩn QCVN 04:2009/BTC Dự trữ Nhà nước đối với bè cứu sinh nhẹ
Quy chuẩn Việt Nam QCVN 04:2009/BTC
Số hiệu: | QCVN 04:2009/BTC |
Loại văn bản: | Quy chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Ngày ban hành: | 26/03/2009 |
Hiệu lực: | |
Người ký: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
tải Quy chuẩn Việt Nam QCVN 04:2009/BTC
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
QCVN 04:2009/BTC
VỀ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI BÈ CỨU SINH NHẸ
(National technical regulation on national reserve of raft-type life-saving apparatus)
Lời nói đầu
QCVN 04: 2009/BTC do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với bè cứu sinh nhẹ biên soạn, Cục Dự trữ quốc gia trình duyệt và được ban hành kèm theo Thông tư số 59/2009/TT-BTC ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng liên quan đến an toàn và phương pháp thử tương ứng; thủ tục giao nhận, vận chuyển, bảo quản và yêu cầu quản lý chất lượng đối với bè cứu sinh nhẹ nhập kho dự trữ nhà nước.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý; giao nhận và bảo quản bè cứu sinh nhẹ dự trữ nhà nước.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Bè cứu sinh nhẹ
Bè cứu sinh nhẹ là loại bè chế tạo bằng thép, nhựa có các ngăn kín nước hoặc được chế tạo bằng các vật liệu có tính nổi, có dây bám và sàn, dùng để giữ được một số người nổi trên mặt nước và một số trẻ em/ người quá yếu trên sàn (sau đây viết tắt là bè nhẹ).
1.3.2. Lô bè cứu sinh nhẹ
Số lượng quy định bè nhẹ có cùng ký hiệu, cùng kích thước, được sản xuất từ cùng nguyên liệu, theo cùng một phương pháp công nghệ, trong khoảng thời gian nhất định, được giao nhận cùng một lúc.
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Yêu cầu kỹ thuật đối với bè nhẹ nhập kho dự trữ nhà nước
2.1.1. Vật liệu
2.1.1.1. Vỏ bè nhẹ làm bằng Composite hoặc nhựa Polyetylen tỷ trọng cao (HDPE); dầy từ 1,5 mm đến 3,2 mm, có màu da cam.
2.1.1.2. Cốt bè nhẹ làm bằng Polyurethanne – Foam hoặc Styrofoam.
2.1.1.3. Lưới đan trong lòng bè nhẹ là dây Polyeste đường kính không nhỏ hơn 6 mm.
2.1.1.4. Dây bám ngoài bè nhẹ là dây Polyeste đường kính từ 10 mm đến 12 mm.
2.1.1.5. Tay bám làm từ gỗ nhóm 3, cao su hoặc nhựa; đường kính từ 25 mm đến 38 mm; dài từ 150 mm đến 200 mm. Số lượng tay bám không nhỏ hơn số lượng người quy định sử dụng.
2.1.1.6. Mái chèo làm từ nhựa Polyetylen (PE) hoặc gỗ nổi được; số lượng 2 chiếc.
2.1.2. Thể tích nổi
- Bè nhẹ loại thứ 1: Thể tích nổi, dm3, không nhỏ hơn: 190
- Bè nhẹ loại thứ 2: Thể tích nổi, dm3, không nhỏ hơn: 300
2.1.3. Sức nổi
- Bè nhẹ loại thứ 1: Sức nổi, kg, không nhỏ hơn: 170
- Bè nhẹ loại thứ 2: Sức nổi, kg, không nhỏ hơn: 260
2.1.4. Khối lượng
- Bè nhẹ loại thứ 1: Khối lượng, kg, không nhỏ hơn: 20
- Bè nhẹ loại thứ 2: Khối lượng, kg, không nhỏ hơn: 40
2.1.5. Kích thước chính
- Chiều dài x chiều rộng:
Bè nhẹ loại thứ 1: (1500 mm x 980 mm) ± 20 mm
Bè nhẹ loại thứ 2: (2000 mm x 1100 mm) ± 20 mm
- Đường kính thân:
Bè nhẹ loại thứ 1: 260 mm ± 5 mm
Bè nhẹ loại thứ 2: 300 mm ± 5 mm
2.1.6. Độ bền màu vỏ bè nhẹ
Có thể có hiện tượng chuyển màu sau ít nhất 200 giờ chiếu sáng với cường độ ánh sáng bình thường.
2.1.7. Độ bền cơ học
Bè nhẹ có kết cấu sao cho không bị hư hỏng (nứt, lõm, thay đổi hình dạng...) sau khi thử theo quy định tại 3.2.2.
2.1.8. Độ nổi
Bè nhẹ nổi trong nước ngọt một thời gian không nhỏ hơn là 24 giờ sau khi thử theo quy định tại 3.2.3.
2.1.9. Sức chở của bè nhẹ
- Bè nhẹ loại thứ 1: 10 người bám vào các vị trí dây bám và một người có khối lượng tối thiểu 60 kg đặt lên trên lưới trong lòng bè nhẹ.
- Bè nhẹ loại thứ 2: 14 người bám vào các vị trí dây bám và số người có khối lượng tối thiểu 115 kg lên trên lưới trong lòng bè nhẹ.
2.1.10. Tính ổn định
Bè nhẹ không bị lật và mép trên bè nhẹ không ngập nước khi thử theo quy định tại 3.2.4.
2.1.11. Các yêu cầu kỹ thuật của bè nhẹ nhập kho dự trữ nhà nước
Phải thoả mãn những quy định trong TCVN 6278: 2003 Quy phạm trang bị an toàn tàu biển, ISO 4001:1977 Đóng tàu - Tàu thủy nội địa - Dụng cụ nổi cứu sinh dạng bè, TCVN 5801: 2005 Quy phạm phân cấp và đóng tàu sông - Phần 10: Trang bị an toàn.
2.2. Yêu cầu về nhà kho
- Phải là loại kho kín, có tường bao, mái che chống nắng mưa gió bão, trần chống nóng.
- Nền kho phẳng, cứng, chịu được tải trọng tối thiểu 3,0 tấn/m2.
- Kho được trang bị đủ quạt thông gió để bảo đảm trong kho luôn được khô ráo, thoáng mát; có dụng cụ đo nhiệt độ, độ ẩm không khí.
- Phải có hệ thống chống chim, chuột, phòng trừ mối và sinh vật gây hại khác, có hệ thống điện chiếu sáng phục vụ công tác bảo quản, bảo vệ.
- Phải xa các nguồn hóa chất, nơi dễ cháy nổ, đường điện cao thế, hạn chế tối đa bụi bẩn, bức xạ nhiệt. Có nội quy, phương tiện và phương án phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt.
3. PHƯƠNG PHÁP THỬ
3.1. Lấy mẫu
Mẫu được lấy ngẫu nhiên trong quá trình giao nhận và bảo quản để kiểm tra chất lượng bè cứu sinh nhẹ không nhỏ hơn 2 % nhưng không ít hơn 2 chiếc của lô hàng.
3.2. Phương pháp thử
3.2.1. Độ bền màu
Theo TCVN 5466: 2002 Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu - Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu.
3.2.2. Độ bền cơ học
Bè nhẹ có kết cấu đảm bảo để khi thả từ độ cao 10 m xuống nước không bị hư hỏng (nứt, lõm, thay đổi hình dạng...).
3.2.3. Độ nổi
Bè nhẹ phải nổi trong nước ngọt một thời gian không nhỏ hơn là 24 giờ khi có treo các cục thép, mỗi cục nặng 14,5 kg vào dây vịn tại vị trí tay nắm của mỗi người; số lượng cục thép tương đương số lượng người bám vào bè và đặt một khối lượng không nhỏ hơn khối lượng tối thiểu quy định theo loại bè lên trên lưới của bè nhẹ mà mép trên của bè nhẹ không bị ngập nước.
3.2.4. Tính ổn định
Treo các cục thép, mỗi cục nặng 7 kg vào dây vịn dọc theo một cạnh dài với khoảng cách mỗi cục thép là 0,3m; bè nhẹ không bị lật và mép trên bè nhẹ ở phía treo tải không bị ngập nước.
4. THỦ TỤC GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN BÈ CỨU SINH NHẸ
4.1. Vận chuyển
Phương tiện vận chuyển phải sạch sẽ, có mui che mưa nắng.
Trước khi xếp bè nhẹ lên xe hoặc đưa xuống xếp vào kho, phải chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ vận chuyển, không được lôi kéo làm xây sát bè. Khi xếp lên xe theo chiều bề mặt làm việc hoặc phương nằm nghiêng (theo chiều rộng) và chằng buộc cẩn thận, không vận chuyển chung với hoá chất và các chất dễ gây bẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng bè nhẹ.
4.2. Quy trình kiểm tra khi giao nhận nhập kho
4.2.1. Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật
4.2.1.1. Đối với bè nhẹ do cơ sở trong nước sản xuất, cần kiểm tra
- Giấy chứng nhận cơ sở chế tạo phương tiện cứu sinh.
- Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm.
4.2.1.2. Đối với bè nhẹ sản xuất tại nước ngoài được nhập khẩu vào Việt Nam, cần kiểm tra Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm.
4.2.1.3. Đối với lô bè nhẹ sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu cần kiểm tra
- Biên bản kiểm tra;
- Giấy chứng nhận;
Nội dung biên bản kiểm tra, Giấy chứng nhận nêu rõ: Loại sản phẩm (ký mã hiệu nếu có), nơi (cơ sở) chế tạo, công dụng, nơi sử dụng (phạm vi sử dụng), ngày sản xuất và các đặc tính kỹ thuật đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này.
4.2.1.4. Các Giấy chứng nhận và biên bản nêu trên đều do Đăng Kiểm Việt Nam cấp theo quy định.
4.2.2. Kiểm tra sản phẩm khi giao nhận
4.2.2.1. Kiểm tra số lượng
Số lượng bè nhẹ trong mỗi lô hàng phải phù hợp với số lượng bè nhẹ ghi trong biên bản kiểm tra và Giấy chứng nhận do Đăng kiểm Việt Nam cấp. Tổng số bè nhẹ giao nhận đúng với số lượng trong hợp đồng đã ký.
4.2.2.2. Kiểm tra bề mặt bè nhẹ
Bề mặt bè nhẹ phải nhẵn mịn, màu không bị phai. Mỗi bè nhẹ phải được gắn nhãn hiệu theo quy định của Đăng kiểm Việt Nam.
4.2.2.3. Kiểm tra bao gói
Bao bì mỗi bè nhẹ được bao bọc bằng màng nhựa Polypropylen (PP), bao mới nguyên, sạch, không bị xơ - thủng - nứt, miệng bao khâu chắc chắn, kín, đảm bảo ở trong không bị xộc xệch và mỹ thuật. Ngoài bao ghi: Kiểu sản phẩm, tên cơ sở sản xuất, ngày sản xuất.
4.2.2.4. Các chi tiết kèm theo: Dây bám, mái chèo, tay nắm phải có đủ và đúng quy cách với kiểu sản phẩm đã được duyệt.
4.2.2.5. Trong mỗi lô bè nhẹ lấy bất kỳ 1 bè nhẹ để kiểm tra vật liệu làm bè nhẹ và kiểm tra độ bền màu của vỏ bè nhẹ tại một trong các phòng thử nghiệm được Đăng kiểm Việt Nam công nhận (nếu Giấy chứng nhận do Đăng kiểm Việt Nam cấp chưa nêu vật liệu để sản xuất vỏ, ruột và độ bền màu của vỏ bè nhẹ).
Nếu một trong số các sản phẩm kiểm tra theo điểm 4.2.2 không đạt yêu cầu thì phải tiến hành kiểm tra với số lượng gấp đôi và tất cả các bè nhẹ được kiểm tra đều phải đạt yêu cầu thì lô bè nhẹ đó được chấp nhận.
4.3. Bảo quản
4.3.1. Quy hoạch, kê xếp bè nhẹ trong kho
Bè nhẹ được quy hoạch theo lô được xếp trên giá kê, để riêng từng chủng loại, từng thời gian nhập và xếp theo các quy định sau:
Tầng dưới cùng của giá cách mặt nền kho không nhỏ hơn 0,3 m.
Mặt trên cùng của lô bè nhẹ cách trần kho không nhỏ hơn 2 m.
Giá đỡ có từ 2 tầng đến 3 tầng làm bằng kim loại hoặc vật liệu tổng hợp đảm bảo chắc chắn và thuận tiện trong bảo quản.
Các tầng của giá cách nhau tối thiểu 1100 mm để được một bè nhẹ theo phương nằm nghiêng hoặc có thể xếp chồng lên nhau theo chiều bề mặt làm việc nhưng không quá 4 lớp bè nhẹ.
Giá để cách tường, cột nhà kho không nhỏ hơn 0,5 m. Giữa hai hàng giá hoặc các lô phải cách nhau không nhỏ hơn 1,5 m tạo lối đi hợp lý trong kho.
Đánh ký hiệu các tầng bè nhẹ để thuận lợi cho công việc bảo quản.
Bè nhẹ được sắp xếp ngay ngắn, chắc chắn, dễ quan sát, dễ kiểm đếm.
Có sơ đồ vị trí hàng hoá đang bảo quản trong kho để thuận tiện quan sát, theo dõi và kiểm tra hàng.
4.3.2. Thẻ lô hàng
Mỗi lô hàng xếp trong kho có đính một nhãn và tối thiểu phải có các nội dung sau:
- Ký hiệu sản phẩm;
- Quy cách;
- Tên cơ sở sản xuất, địa chỉ;
- Ngày, tháng, năm sản xuất;
- Số lượng;
- Ngày, tháng, năm nhập kho.
4.3.3. Bảo quản định kỳ
Hằng ngày kiểm tra kho, nhiệt độ và độ ẩm, nếu thấy có biến động (bè nhẹ bị đổ, có chuột, kho bị dột... ) thì tìm hiểu nguyên nhân và chủ động có biện pháp xử lý kịp thời, nếu vượt quá khả năng và quyền hạn thì báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý để có biện pháp giải quyết.
Mỗi tuần tối thiểu hai lần dùng chổi mềm hoặc máy hút bụi tiến hành làm sạch bụi bẩn, mạng nhện phía ngoài bao bì bè nhẹ, giá kê, nền, trần kho và tường kho.
Ba tháng một lần tiến hành đảo bè nhẹ theo tuần tự " trên xuống, dưới lên " giữa các bè nhẹ trong cùng một tầng và giữa các tầng.
Mỗi năm một lần dỡ bè nhẹ bảo quản trong kho và nhẹ nhàng bỏ bao bì ra, dùng giẻ mềm, sạch, khô hoặc máy hút bụi làm sạch cẩn thận từng chiếc. Kiểm tra dây bám, dây lưới của sàn, tay bám của bè nhẹ, nếu có đột biến phải báo cáo lên cấp trên. Làm sạch trong, ngoài bao bì, nhẹ nhàng cho bè nhẹ vào để bảo quản như ban đầu, đồng thời tiến hành tổng vệ sinh kho tàng, sửa chữa cửa và các thiết bị trong kho (nếu cần thiết).
Định kỳ kiểm tra: Sau thời gian 4 năm bảo quản thì lấy bất kỳ một mẫu bè nhẹ đi kiểm tra theo các chỉ tiêu mà Cục Đăng kiểm đã quy định. Từ những năm tiếp theo thì cứ 2 năm lấy mẫu một lần kiểm tra. Việc kiểm tra do Dự trữ quốc gia khu vực tổ chức thực hiện và báo kết quả về Cục Dự trữ quốc gia. Nếu kết quả chất lượng bè nhẹ có gì đột biến, phải báo cáo ngay với Cục Dự trữ quốc gia để kịp thời xử lý.
4.4. Xuất hàng
4.4.1. Khi có lệnh xuất hàng, thủ kho phải chuẩn bị đủ sổ sách, giấy tờ có liên quan và nhân lực bốc xếp.
4.4.2. Kiểm tra chất lượng, số lượng hàng dự kiến xuất .
4.4.3. Xuất hàng theo nguyên tắc: Hàng trong thời gian bảo quản, đảm bảo sử dụng được; hàng nhập trước xuất trước, hàng nhập sau xuất sau, xuất gọn từng lô hàng.
4.4.4. Xuất đúng số lượng, đúng chủng loại.
4.4.5. Khi xuất hàng xong phải hoàn chỉnh các thủ tục, chứng từ giao nhận theo đúng quy định.
4.5. Chế độ ghi chép sổ sách theo dõi hàng hóa
4.5.1. Lập thẻ kho
Các kho bảo quản bè nhẹ được lập một thẻ kho ghi rõ đầy đủ các nội dung: Tên hàng hóa, kiểu loại, nơi sản xuất (đơn vị chế tạo), số lượng, chất lượng, ngày tháng nhập kho... và đủ chữ ký, con dấu đáp ứng thủ tục hành chính và chế độ kế toán quy định hiện hành.
Thẻ kho được để trong hộp tài liệu, trong kho hàng.
4.5.2. Sổ bảo quản
Dùng ghi chép hàng ngày hoặc đột xuất về tình hình công tác bảo quản hàng hóa, diễn biến về số lượng, chất lượng. Theo dõi và ghi chép nhiệt độ, độ ẩm trong kho hàng ngày. Sổ phải đóng dấu giáp lai, ghi đủ các nội dung theo mẫu, có đủ các thành phần ký tên và đóng dấu đơn vị.
5. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
5.1. Bè nhẹ sản xuất trong nước
Đối với bè nhẹ sản xuất trong nước phải được chứng nhận hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này theo phương thức thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.
5.2. Bè nhẹ nhập khẩu
Bè nhẹ nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này. Việc chứng nhận hợp quy bè nhẹ nhập khẩu do một trong các tổ chức sau đây tiến hành:
5.2.1. Tổ chức chứng nhận hợp quy trong và ngoài nước được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định hoặc thừa nhận thực hiện tại nước ngoài.
5.2.2. Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định tiến hành tại Việt Nam theo phương thức thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.
5.3. Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp
5.3.1. Bè nhẹ để dự trữ nhà nước phải được gắn dấu hợp quy.
5.3.2. Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại khoản 5.1 hoặc khoản 5.2 mục này thực hiện theo Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
5.4. Thời gian từ khi sản xuất bè nhẹ đến khi nhập kho dự trữ nhà nước
Không lớn hơn 6 tháng (kể cả thời gian vận chuyển).
5.5. Thời gian lưu kho
Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm bình thường (nhiệt độ Tmax ≤ 35 oC, độ ẩm Rmax ≤ 85 %), thời gian bảo quản bè nhẹ nhập kho dự trữ nhà nước không lớn hơn 8 năm.
6. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
6.1. Tổ chức, cá nhân sản xuất bè nhẹ trong nước để dự trữ nhà nước phải công bố chất lượng đảm bảo yêu cầu quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này trên cơ sở kết quả chứng nhận hợp quy phù hợp với quy định tại khoản 5.1 của Quy chuẩn này.
6.2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu bè nhẹ để dự trữ nhà nước phải chịu sự kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này và có chứng nhận hợp quy phù hợp với quy định tại khoản 5.2 của Quy chuẩn này.
6.3. Cơ quan chức năng kiểm tra theo các quy định hiện hành đối với việc tuân thủ Quy chuẩn này.
7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
7.1. Cục Dự trữ quốc gia có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Quy chuẩn này.
7.2. Trong trường hợp các tiêu chuẩn, hướng dẫn quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây