Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 09/2023/TT-NHNN về Luật Phòng chống rửa tiền
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Ngân hàng Nhà nước | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày tháng năm 2025 |
DỰ THẢO 1
THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 15 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 26/2025/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền
1. Bổ sung khoản 6 Điều 3 như sau:
“6. Đối tượng báo cáo phải báo cáo kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo theo Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 3 và bổ sung khoản 6 Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Căn cứ kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này, đối tượng báo cáo xây dựng và ban hành quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền phải được người quản lý doanh nghiệp phê duyệt và thể hiện theo từng bước phù hợp với quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của đối tượng báo cáo để quản lý rủi ro về rửa tiền. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền bao gồm các nội dung tối thiểu sau:
a) Xác định phạm vi, mục tiêu của hoạt động quản lý rủi ro về rửa tiền;
b) Xác định, đánh giá mức độ ảnh hưởng của rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo;
c) Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, trung bình, cao dựa vào các yếu tố sau: khách hàng; sản phẩm, dịch vụ khách hàng đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng; vị trí địa lý nơi khách hàng cư trú hoặc có trụ sở chính và yếu tố khác do đối tượng báo cáo tự xác định, phân loại phù hợp với thực tế phát sinh và được quy định trong quy trình quản lý rủi ro;
d) Quy trình nhận biết khách hàng gồm các nội dung sau:
(i) Các trường hợp phải nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền bao gồm trường hợp giao dịch được thực hiện đơn lẻ hay một chuỗi giao dịch đến từ một hoặc nhiều tổ chức tài chính; Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử, đối tượng báo cáo phải lập số tham chiếu cho phép truy xuất nguồn gốc của giao dịch;
(ii) Việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại các Điều 12, 13, 14 Luật Phòng, chống rửa tiền;
(iii) Việc nhận biết khách hàng khi khách hàng tham gia thỏa thuận pháp lý;
(iv) Việc nhận biết chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân bằng phương thức khác;
(v) Việc thực hiện quy trình quản lý rủi ro phải được áp dụng trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng bao gồm: Xác định rõ các yêu cầu cụ thể với khách hàng trong trường hợp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng trước khi hoàn tất việc xác minh thông tin/ Xây dựng quy trình quản lý rủi ro liên quan đến các điều kiện mà theo đó khách hàng có thể tận dụng mối quan hệ kinh doanh trước khi diễn ra việc xác minh;
(vi) Việc nhận biết khách hàng.
đ) Quy trình để nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới; sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới;
e) Quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, không đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.
g) Các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng, bao gồm nội dung cập nhật toàn bộ thông tin nhận biết khách hàng, tần suất cập nhật thường xuyên toàn bộ thông tin nhận biết khách hàng, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, mức độ giám sát giao dịch của khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền, các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ và biện pháp tăng cường quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều này”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“Đối tượng báo cáo không được áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ trong trường hợp nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc trùng với kịch bản rủi ro cao do đối tượng báo cáo xác định”.
c) Bổ sung khoản 6 như sau:
“Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ngay sau khi người thụ hưởng được xác định và phải xác minh thông tin về người thụ hưởng vào thời điểm chi trả. Thông tin người thụ hưởng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một trong các yếu tố rà soát, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền”.
3. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 3, 9, các điểm b, c, d, đ khoản 10 và bổ sung khoản 12 Điều 5 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“Nội dung quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền của đối tượng báo cáo tại các điểm b, c, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 24 Luật Phòng, chống rửa tiền như sau:
1. Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng bao gồm việc thu thập, cập nhật, xác minh thông tin theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, bao gồm: Quy định về các trường hợp nhận biết khách hàng, bao gồm cả trường hợp nhận biết đối với khách hàng có tài khoản hoặc không có tài khoản nhưng không giao dịch trong thời gian 06 tháng liên tục trước đó thực hiện một giao dịch hoặc một chuỗi giao dịch đến từ một hoặc nhiều tổ chức tài chính để nộp, rút hoặc chuyển khoản có tổng giá trị từ 400.000.000 đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương trở lên trong một ngày; Quy định về trường hợp nhận biết đối với người đại diện của khách hàng cá nhân, người đại diện theo pháp luật của khách hàng tổ chức; Quy định về nhận biết thông tin khách hàng là thỏa thuận pháp lý, thông tin nhận biết bao gồm: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt (đối với quỹ ủy thác) hoặc tên người ủy thác (đối với cá nhân ủy thác); địa chỉ trụ sở chính đối với quỹ ủy thác, địa chỉ quốc tịch đối với cá nhân ủy thác; thông tin đăng ký/cấp phép do cơ quan thẩm quyền nước ngoài cấp (nếu có); lĩnh vực hoạt động; bên nhận ủy thác, người thụ hưởng, các bên liên quan (nếu có), cá nhân có quyền kiểm soát cuối cùng đối với ủy thác; Quy định về xác minh thông tin nhận biết khách hàng bao gồm cả xác minh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của khách hàng từ các nguồn thông tin đáng tin cậy; Quy định về phân cấp trách nhiệm nhận biết khách hàng theo mức độ rủi ro và theo quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của đối tượng báo cáo”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 38, Điều 40 Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó bao gồm trách nhiệm lưu trữ các thông tin, hồ sơ, tài liệu, kết quả phân tích, đánh giá của đối tượng báo cáo và cung cấp kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền các giao dịch dưới mức giao dịch phải báo cáo phục vụ rà soát, đối chiếu giao dịch khi có yêu cầu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày kết thúc giao dịch hoặc ngày đóng tài khoản”.
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 9 như sau:
“9. Nội dung trách nhiệm của cá nhân, bộ phận có liên quan trong việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm:
a) Phân công một người quản lý của đối tượng báo cáo hoặc được người quản lý cấp cao ủy quyền chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền (sau đây gọi là người chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền);
b) Tùy theo quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động, đối tượng báo cáo phải thành lập bộ phận chuyên trách (tổ, phòng, ban) hoặc chỉ định một bộ phận hoặc chỉ định một người phụ trách về phòng, chống rửa tiền tại trụ sở chính; phân công một hoặc một số người hoặc bộ phận phụ trách về phòng, chống rửa tiền tại chi nhánh, công ty con của đối tượng báo cáo có liên quan đến nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền trong trường hợp không có hội sở chính tại Việt Nam (nếu có)”.
d) Sửa đổi, bổ sung điểm b, c, d, đ khoản 10 như sau:
“b) Hằng năm, rà soát, cập nhật các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chính sách, quy trình quản lý rủi ro phù hợp với kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo và tình hình thực tế thực hiện để đánh giá quy định nội bộ và xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền gửi quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền cho Cục Phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực đối với các đối tượng báo cáo khác;
c) Hằng năm, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, trừ các đối tượng báo cáo không phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật, gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại đối tượng báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực đối với các đối tượng báo cáo khác;
d) Đăng ký thông tin về họ tên, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để liên lạc khi cần thiết của người chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều này và người chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền hoặc người đầu mối thuộc bộ phận theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều này; địa chỉ thư điện tử của bộ phận theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều này (nếu có) cho Cục Phòng, chống rửa tiền và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo;
đ) Thông báo bằng văn bản cho Cục Phòng, chống rửa tiền và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo khi thông tin quy định tại điểm d khoản 10 Điều này có thay đổi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thay đổi thông tin”.
e) Bổ sung khoản 12 như sau:
“12. Đối tượng báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, dữ liệu báo cáo gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền cho Cục Phòng, chống rửa tiền bằng dữ liệu điện tử theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này hoặc báo cáo bằng văn bản giấy theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này khi chưa kết nối được với hệ thống báo cáo bằng dữ liệu điện tử của Cục Phòng, chống rửa tiền. Trong trường hợp, đối tượng báo cáo trực tiếp cung cấp dịch vụ phát sinh các giao dịch tiền mặt tại quầy hoặc qua ATM phải thực hiện lưu trữ để đảm bảo báo cáo các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
2. Trường hợp khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt có giá trị lớn để mua đồng Việt Nam hoặc nộp tiền mặt bằng đồng Việt Nam có giá trị lớn để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp tiền mặt”.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2, 3 Điều 7 như sau:
“1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo khi phát hiện giao dịch đáng ngờ về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng, chống rửa tiền. Báo cáo bằng dữ liệu điện tử theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này hoặc báo cáo bằng văn bản giấy theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp không kết nối được với hệ thống báo cáo bằng dữ liệu điện tử của Cục Phòng, chống rửa tiền. Đối tượng báo không sử dụng mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ để báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Phòng, chống rửa tiền.
2. Đối tượng báo cáo phải rà soát các dấu hiệu đáng ngờ quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền và các dấu hiệu khác liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do đối tượng báo cáo tự xác định.
Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng, chống rửa tiền không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa. Đối tượng báo cáo xem xét thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ khi không thể hoàn tất thủ tục nhận biết khách hàng và có nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
3. Cục Phòng, chống rửa tiền có trách nhiệm xác nhận việc đã nhận được báo cáo giao dịch đáng ngờ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu theo quy định; trao đổi với đối tượng báo cáo những vấn đề phát sinh (nếu có).”
6. Bổ sung khoản 5, khoản 6 Điều 8 như sau:
“5. Các tổ chức tài chính tham gia vào chuỗi giao dịch chuyển tiền điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đảm bảo thông tin điện chuyển tiền duy trì trong toàn bộ chuỗi giao dịch, giao dịch theo lô bao gồm thông tin về người khởi tạo, người thụ hưởng, thông tin để xác định, phân biệt giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế, giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước cho tổ chức nhận điện chuyển tiền.
6. Các tổ chức tài chính tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử có trách nhiệm thẩm tra, xác minh giao dịch và thực hiện tăng cường thẩm tra, xác minh nếu nghi ngờ khách hàng thực hiện giao dịch có liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố với tất cả các giao dịch bao gồm cả giao dịch dưới mức phải báo cáo”.
7. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3, khoản 5 Điều 9 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 như sau:
“d) Thông tin về giao dịch: số tài khoản (nếu có); số tiền; loại tiền; số tiền được quy đổi sang đồng Việt Nam (nếu loại tiền giao dịch là ngoại tệ); lý do, mục đích giao dịch; mã giao dịch; ngày giao dịch; số tham chiếu duy nhất do tổ chức tài chính khởi tạo hoặc tổ chức tài chính trung gian gửi đến đảm bảo truy xuất nguồn gốc của giao dịch”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Các giao dịch chuyển tiền điện tử không phải báo cáo bao gồm:
a) Giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ;
b) Giao dịch chuyển tiền và thanh toán, điều chuyển vốn giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính”.
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 như sau:
“1. Hình thức báo cáo dữ liệu điện tử:
a) Đối tượng báo cáo đăng ký việc gửi báo cáo qua cổng thông tin điện tử của Cục Phòng, chống rửa tiền và thực hiện báo cáo dữ liệu điện tử qua hình thức kết nối mạng với Ngân hàng Nhà nước hoặc gửi trực tiếp trên cổng thông tin điện tử.
b) Báo cáo dữ liệu điện tử phải theo đúng định dạng dữ liệu, cấu trúc file theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống rửa tiền. Đối tượng báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, đầy đủ, chính xác đối với thông tin, dữ liệu báo cáo;
c) Đối tượng báo cáo được phép thực hiện chuyển tiền điện tử phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc báo cáo bằng dữ liệu điện tử và phải có hệ thống phần mềm để quét, lọc theo danh sách đen, danh sách cảnh báo, danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều 3 và khoản 1 Điều 17 Luật Phòng, chống rửa tiền, rà soát giao dịch để phát hiện, cảnh báo dấu hiệu đáng ngờ nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số cụm từ, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-NHNN
1. Bổ sung Phụ lục III - Mẫu Kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
2. Thay thế các mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-NHNN bằng các mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Thay thế cụm từ “Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” bằng cụm từ “Cục Phòng, chống rửa tiền” tại khoản 1 Điều 6, khoản 1, điểm d khoản 3 Điều 9, khoản 3, khoản 4 Điều 10, Điều 12, điểm h khoản 1 của các mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ tại Phụ lục II.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, đối tượng báo cáo là tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 4. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2025./.
Nơi nhận: | THỐNG ĐỐC |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!