Dự thảo Thông tư về thực hiện dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về việc xác định, duy trì và thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM Số: /2019/ TT-NHNN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------ |
DỰ THẢO | Hà Nội, ngày tháng năm 2018 |
THÔNG TƯ
Quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về việc xác định, duy trì và thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) thuộc đối tượng thực hiện Thông tư này là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các tổ chức tín dụng sau:
1. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sau khi có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này để thông báo việc không thực hiện dự trữ bắt buộc theo quy định khoản 3 Điều 146đ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14.
2. Tổ chức tín dụng chưa khai trương hoạt động.
3. Tổ chức tín dụng có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.
Điều 4. Dự trữ bắt buộc
1. Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước được xác định và duy trì theo quy định tại Thông tư này.
2. Tổ chức tín dụng duy trì dự trữ bắt buộc trên tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước như sau:
2.1. Đối với dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam, tổ chức tín dụng duy trì trên tài khoản thanh toán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2.2. Đối với dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, tổ chức tín dụng duy trì trên tài khoản thanh toán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Điều 5. Xác định dự trữ bắt buộc
1. Dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc được tính bằng cách lấy số dư các loại tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng bình quân trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc nhân với tỷ lệ dự trữ bắt buộc Ngân hàng Nhà nước quy định cho từng loại hình tổ chức tín dụng và cho từng loại tiền gửi tương ứng.
2. Số dư các loại tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc bình quân trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc được tính bằng cách cộng các số dư tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc cuối mỗi ngày tại toàn hệ thống tổ chức tín dụng (bao gồm trụ sở chính tổ chức tín dụng hoặc trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh và các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc) trong kỳ đem chia cho tổng số ngày trong kỳ.
3. Kỳ duy trì dự trữ bắt buộc là khoảng thời gian của tháng hiện hành kể từ ngày 01 đầu tháng đến hết ngày cuối cùng của tháng.
4. Kỳ xác định dự trữ bắt buộc là khoảng thời gian của tháng trước liền kề kể từ ngày 01 đầu tháng đến hết ngày cuối cùng của tháng.
Điều 6. Nguyên tắc duy trì dự trữ bắt buộc
Các tổ chức tín dụng duy trì đầy đủ dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc theo nguyên tắc sau:
1. Số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước bình quân trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc (sau đây gọi là dự trữ thực tế) không thấp hơn dự trữ bắt buộc trong kỳ đó.
2. Số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước hằng ngày trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc có thể thấp hơn hoặc cao hơn tiền dự trữ bắt buộc của kỳ đó.
Điều 7. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc
Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi tại tổ chức tín dụng theo mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia trong từng thời kỳ.
Điều 8. Tổ chức tín dụng được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tổ chức tín dụng hỗ trợ quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14 được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 7 Điều 148đ Luật này.
Điều 9. Đơn vị quản lý dự trữ bắt buộc
Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là đơn vị quản lý dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng: Thực hiện việc xác định dự trữ bắt buộc, thông báo dự trữ bắt buộc cho tổ chức tín dụng; xác định vượt, thiếu dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng; trả lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ cho tổ chức tín dụng.
Điều 10. Tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc
Cơ sở tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc là các loại tiền gửi bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng, gồm:
1. Tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận, trừ tiền gửi của tổ chức tín dụng khác thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
2. Tiền thu được từ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu.
Điều 11. Thực hiện dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ
1. Tiền gửi huy động bằng ngoại tệ làm cơ sở tính dự trữ bắt buộc là các loại ngoại tệ, được quy đổi thành USD để duy trì dự trữ bắt buộc bằng USD.
2. Trường hợp tổ chức tín dụng có số dư tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc bằng một trong các loại ngoại tệ EURO, JPY, GBP, CHF chiếm trên 50% tổng tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thì tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc ngoại tệ có thể được quy đổi và duy trì dự trữ bắt buộc bằng loại ngoại tệ này.
3. Tỷ giá quy đổi từ các loại ngoại tệ thành USD để thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này hoặc thành loại ngoại tệ quy định tại khoản 2 Điều này là tỷ giá niêm yết trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg tại ngày làm việc cuối cùng của kỳ xác định dự trữ bắt buộc hoặc hoặc niêm yết trên các phương tiện khác đối với những loại ngoại tệ không được hiển thị trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg tại thời điểm quy đổi.
Điều 12. Xác định vượt, thiếu dự trữ bắt buộc
1. Vượt dự trữ bắt buộc là phần vượt của dự trữ thực tế so với dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc.
2. Thiếu dự trữ bắt buộc là phần còn thiếu của dự trữ thực tế so với dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc.
Cách tính dự trữ bắt buộc, dự trữ thực tế, xác định vượt, thiếu dự trữ bắt buộc được hướng dẫn thêm tại Phụ lục đính kèm.
Điều 13. Xử lý tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc
Ngân hàng Nhà nước áp dụng các hình thức, biện pháp xử lý đối với tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc theo quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 14. Trách nhiệm của các tổ chức tín dụng
1. Trong vòng 3 ngày làm việc đầu tháng, trụ sở chính tổ chức tín dụng hoặc trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là trụ sở chính của tổ chức tín dụng) có trách nhiệm báo cáo cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước về số dư tiền gửi huy động phải dự trữ bắt buộc bình quân trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng theo Biểu 1 đính kèm Thông tư này làm cơ sở tính toán dự trữ bắt buộc của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc; tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp và hợp lệ số liệu báo cáo này.
2. Đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (trừ tổ chức tín dụng quy định tại khoản 3 Điều 21 Thông tư này), trường hợp không thực hiện dự trữ bắt buộc theo khoản 3 Điều 146đ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14, có văn bản thông báo không thực hiện dự trữ bắt buộc nêu rõ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc bắt đầu không thực hiện dự trữ bắt buộc, thời hạn không thực hiện dự trữ bắt buộc và gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính) trước kỳ duy trì dự trữ bắt buộc bắt đầu áp dụng ít nhất 15 ngày làm việc. Thời hạn tổ chức tín dụng không thực hiện dự trữ bắt buộc theo thời hạn tại văn bản thông báo của tổ chức tín dụng, tròn tháng và không kéo dài vượt quá 1 tháng so với thời điểm chấm dứt kiểm soát đặc biệt.
Điều 15. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Khai báo kịp thời tài khoản thanh toán tổ chức tín dụng mở tại đơn vị trên chương trình, hệ thống công nghệ thông tin quản lý dự trữ bắt buộc theo hướng dẫn của Cục Công nghệ thông tin.
2. Phối hợp Cục Công nghệ thông tin bảo đảm tính chính xác, kịp thời của dữ liệu số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng mở tại đơn vị trên chương trình, hệ thống công nghệ thông tin quản lý dự trữ bắt buộc.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước
1. Khai báo kịp thời tài khoản thanh toán tổ chức tín dụng mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước trên chương trình, hệ thống công nghệ thông tin quản lý dự trữ bắt buộc theo hướng dẫn của Cục Công nghệ thông tin.
2. Phối hợp Cục Công nghệ thông tin bảo đảm tính chính xác, kịp thời của dữ liệu số dư tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước trên chương trình, hệ thống công nghệ thông tin quản lý dự trữ bắt buộc.
3. Thực hiện trách nhiệm đơn vị quản lý dự trữ bắt buộc quy định tại Điều 9 Thông tư này như sau:
3.1. Trong thời hạn 5 ngày làm việc đầu tháng, trên cơ sở báo cáo số dư tiền gửi huy động phải dự trữ bắt buộc bình quân trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng gửi đến, thực hiện kiểm tra chỉ tiêu số dư bình quân tại báo cáo của tổ chức tín dụng, tính toán, thông báo số tiền phải dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc và tình hình thực hiện dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng trước cho tổ chức tín dụng theo Biểu 2 đính kèm Thông tư này.
3.2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc đầu tháng, xác định vượt, thiếu dự trữ bắt buộc, trả lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng trước cho tổ chức tín dụng.
4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu tháng, tổng hợp tình hình chấp hành dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng trước của tổ chức tín dụng để báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đồng thời gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Chính sách tiền tệ theo Biểu 3 đính kèm Thông tư này.
5. Căn cứ nội dung giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ tại phương án phục hồi đã được phê duyệt do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng gửi, xác định, thông báo số phải dự trữ bắt buộc và thực hiện các công việc khác của đơn vị quản lý dự trữ bắt buộc quy định tại Điều 9 Thông tư này đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ.
Điều 17. Trách nhiệm của Cục Công nghệ thông tin
Xây dựng, cài đặt và hướng dẫn vận hành chương trình, hệ thống công nghệ thông tin quản lý dự trữ bắt buộc để Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức tín dụng và các đơn vị có liên quan thực hiện báo cáo, tính toán dự trữ bắt buộc, xác định dự trữ thực tế, vượt dự trữ bắt buộc, thiếu dự trữ bắt buộc, trả lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc cho tổ chức tín dụng.
Điều 18. Trách nhiệm của Vụ Chính sách tiền tệ
Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định:
1. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi trong từng thời kỳ.
2. Mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi trong từng thời kỳ.
Điều 19. Trách nhiệm của Vụ Tài chính – Kế toán
Tham mưu, đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức tín dụng danh mục các tài khoản hạch toán kế toán tương ứng với các loại tiền gửi huy động phải dự trữ bắt buộc quy định tại Thông tư này.
Điều 20. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng
1. Căn cứ phương án phục hồi đã được phê duyệt, gửi nội dung giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ tại phương án được phê duyệt (trong đó cụ thể về kỳ duy trì dự trữ bắt buộc bắt đầu áp dụng và thời hạn áp dụng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính để triển khai.
2. Gửi Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước các văn bản, quyết định về kiểm soát đặc biệt, chấm dứt kiểm soát đặc biệt, khai trương hoạt động, thanh lý tài sản, giải thể, chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền đối với tổ chức tín dụng khi có các văn bản, quyết định này.
3. Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước về tình hình chấp hành dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc theo quy định hiện hành. Báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đồng gửi Vụ Chính sách tiền tệ và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước các quyết định xử lý tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc.
4. Thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng trong việc tuân thủ các quy định tại Thông tư này; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng vi phạm quy định hiện hành.
Điều 21. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày …..
2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành:
2.1. Quyết định số 581/2003/QĐ-NHNN ngày 09 tháng 6 năm 2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ban hành Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng;
2.2. Thông tư số 27/2011/TT-NHNN ngày 31 tháng 8 năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 581/2003/QĐ-NHNN ngày 09 tháng 6 năm 2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
2.3. Thông tư số 23/2015/TT-NHNN ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 581/2003/QĐ-NHNN ngày 09 tháng 6 năm 2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
3. Đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trước thời điểm Quyết định 581/2003/QĐ-NHNN ngày 09 tháng 6 năm 2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ban hành Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng có hiệu lực không thực hiện dự trữ bắt buộc mà không cần có văn bản thông báo về việc không thực hiện dự trữ bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này.
Điều 22. Tổ chức thực hiện
Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: - Như Điều 22; - Ban Lãnh đạo NHNN; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Tư pháp (để kiểm tra); - Công báo; - Lưu: VP, PC, CSTT (5). | THỐNG ĐỐC |