Dự thảo Quyết định sửa đổi về quy trình hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai
thuộc tính Quyết định
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Tài nguyên-Môi trường |
Loại dự thảo: | Quyết định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Tài chính |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Nội dung tóm lược
Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.Tải Quyết định
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: /2019/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------- |
DỰ THẢO | Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:
“2. Báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về thiệt hại do thiên tai gây ra thuộc trách nhiệm khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương (địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo); huy động nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai (dự phòng ngân sách địa phương; Quỹ phòng, chống thiên tai; Quỹ dự trữ tài chính; nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật); đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:
“Điều 3. Quy trình hỗ trợ:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Khi thiên tai xảy ra, các địa phương cần chủ động phòng, chống khắc phụ hậu quả do thiên tai gây ra. Cụ thể:
- Đối với hỗ trợ về dân sinh:
Căn cứ báo cáo thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để cứu trợ, hỗ trợ dân sinh (hỗ trợ về lương thực; người bị thương nặng; chi phí mai táng cho hộ gia đình có người chết, mất tích; làm nhà ở, sửa chữa nhà ở) theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép hỗ trợ thêm về dân sinh nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 2 lần mức quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP (phần hỗ trợ tăng thêm này do ngân sách địa phương đảm bảo, quỹ phòng chống thiên tai và huy động các nguồn vận động, đóng góp khác).
Kết thúc đợt thiên tai, các địa phương tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ theo quy định.
- Đối với công trình cơ sở hạ tầng:
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chỉ đạo các thành viên có chuyên môn tổ chức thành lập đoàn xác minh, thẩm định thiệt hại về cơ sở hạ tầng do thiên tai, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng ngay dự phòng ngân sách địa phương, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ dự trữ tài chính và các nguồn lực hợp pháp khác để khôi phục các công trình cơ sở hạ tầng hiện có như trước khi bị hư hỏng, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn hồ chứa, đê điều và tưới, tiêu nước đối với công trình thủy lợi, cơ sở khám chữa bệnh và dạy học, khôi phục khả năng hoạt động của công trình trong thời gian ngắn nhất.
Quy trình thực hiện công trình, dự án áp dụng theo công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Kết thúc đợt thiên tai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo (báo cáo phải trên cơ sở biên bản kiểm tra hiện trường, biên bản xác định các hạng mục cơ sở hạ tầng cần khôi phục cấp bách và nhu cầu kinh phí khôi phục có xác nhận của các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn liên quan, Quyết định của địa phương đã xử lý các công trình bị hư hỏng do thiên tai). Đồng thời trong Quyết định xử lý khắc phục công trình của địa phương phải nêu rõ nguồn vốn hỗ trợ; trường hợp đã hỗ trợ bằng nhiều nguồn vốn (Dự phòng ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ dự trữ tài chính, ...) phải chi tiết rõ từng nguồn vốn.
- Đối với hỗ trợ khôi phục sản xuất: thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và các văn bản khác có liên quan. Trường hợp các văn bản trên được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
- Đối với hỗ trợ phòng, chống khắc phục hậu quả thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng.
(1) Nguyên tắc hỗ trợ: Thực hiện Luật Thủy lợi, Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, cần triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả; ngân sách địa phương sau khi bố trí lại ngân sách, dự phòng, quỹ dự trữ tài chính vẫn không đủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của các địa phương, đề xuất phương án hỗ trợ gửi Bộ Tài chính. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và ngân sách trung ương, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương.
(2) Đối tượng được hưởng hỗ trợ: Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
(3) Phạm vi hỗ trợ: Chỉ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; kinh phí hỗ trợ để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm: bơm nước (điện, dầu); nạo vét cửa lấy nước, kênh chính; sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi hiện có và đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt, đắp bờ chống tràn.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“ Điều 4. Nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ kinh phí
1. Nguyên tắc hỗ trợ: Chỉ xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đối với những địa phương có mức thiệt hại lớn vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương.
2. Trên cơ sở căn cứ hỗ trợ quy định tại Điều 2 Quyết định này và đề nghị hỗ trợ của các địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ theo cơ chế như sau:
- Các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn và các tỉnh Tây Nguyên hỗ trợ tối đa 80% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
- Các tỉnh, thành phố nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 70% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
- Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
- Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện.”
4. Bãi bỏ Điều 5 - về hỗ trợ thiệt hại do nắng nóng, hạn hán.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm.
2. Các nội dung khác không điều chỉnh tại Quyết định này tiếp tục thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, KTTH (3b). | THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc |