Dự thảo Nghị định sửa đổi về cơ chế ngân sách đặc thù của Hà Nội
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Chính sách |
Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Tài chính |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Nội dung tóm lược
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 63/2017/NĐ-CP về một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội quy định dự toán chi ngân sách của thành phố Hà Nội được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương.Tải Nghị định
CHÍNH PHỦ Số: /2018/NĐ - CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------- |
DỰ THẢO | Hà Nội, ngày tháng năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Dự toán chi ngân sách Thủ đô Hà Nội
1. Dự toán chi ngân sách của thành phố Hà Nội được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương.
2. Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và căn cứ vào tình hình thực tế của Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.”
2. Sửa đổi khoản 4 Điều 5 như sau:
“4. Mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Thu ngân sách địa phương được xác định trên cơ sở dự toán thu ngân sách thành phố được Quốc hội quyết định của năm dự toán. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.”
3. Bổ sung khoản 5 Điều 5 như sau:
“5. Quỹ dự trữ tài chính của Thành phố là quỹ tài chính nhà nước được thành lập theo quy định tại điều 11 Luật ngân sách nhà nước.
a) Quỹ dự trữ tài chính được hình thành từ các nguồn: (i) Bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm; (ii) kết dư ngân sách theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật ngân sách nhà nước; (iii) tăng thu ngân sách theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước; (iv) lãi tiền gửi quỹ dự trữ tài chính; (v) các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Mức bố trí quy định tại tiết (i), (ii) và (iii) điểm này do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định phù hợp với nhu cầu dự trữ tài chính và khả năng cân đối thực tế của ngân sách thành phố.
b) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc đã được bố trí vốn nhưng cần bổ sung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.”
4. Sửa đổi, bổ sung tiêu đề Điều 6 và bổ sung khoản 4 Điều 6 như sau:
“Điều 6. Sử dụng nguồn cải cách tiền lương; thưởng và bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao
4. Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định:
a) Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại điểm d, điểm e khoản này;
b) Tỷ lệ trích nguồn thu được để lại theo quy định để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc các cơ quan, đơn vị này phải tự sắp xếp bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định, ngân sách nhà nước không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này;
c) Cho phép các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố Hà Nội quản lý sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức, đơn vị và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại điểm d, điểm e khoản này;
d) Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyền quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư, để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố Hà Nội quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định.
e) Việc thực hiện các quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.”
5. Bổ sung khoản 4 Điều 7 như sau:
“4. Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.Hà Nội.”
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2018.
2. Cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2018 đến hết năm ngân sách 2022. Riêng cơ chế tài chính ngân sách đặc thù quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2018.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Ủy ban thường vụ Quốc hội; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND thành phố Hà Nội; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, KTTH (5b). | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc |