Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Nội dung tóm lược
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng quy định tổ chức tài chính phải yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin và được quyền quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng. Trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ phù hợp để nhận biết và xác minh khách hàng.Tải Nghị định
CHÍNH PHỦ Số: /2019/NĐ-CP DỰ THẢO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ----------- Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP
ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật phòng, chống rửa tiền ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền
1. Sửa đổi khoản 2 Điều 2 như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền, bao gồm:
a) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch không hoạt động hoặc không sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có các giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này”.
2. Bổ sung khoản 3 Điều 2 như sau:
“3. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền”.
3. Sửa đổi Điều 5 như sau:
“1. Đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng của khách hàng và áp dụng các biện pháp để nhận biết và cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi thông qua các tiêu chí sau:
a) Cá nhân sở hữu thực tế đối với một tài khoản hoặc một giao dịch: Chủ tài khoản, đồng chủ tài khoản hoặc bất kỳ người nào chi phối hoạt động của tài khoản hoặc thụ hưởng từ giao dịch đó;
b) Cá nhân có thể có quyền chi phối pháp nhân: Cá nhân nắm trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân đó; chủ doanh nghiệp tư nhân; cá nhân khác thực tế chi phối, kiểm soát pháp nhân đó.
c) Cá nhân có thể có quyền chi phối một ủy thác đầu tư, thỏa thuận ủy quyền: Cá nhân ủy thác, ủy quyền; cá nhân có quyền chi phối cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức ủy thác, ủy quyền
2. Nhận dạng và xác minh thông tin nhận dạng chủ sở hữu hưởng lợi được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định này. Không cần xác minh thông tin nhận dạng đối với chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân đại diện vốn nhà nước trong các tổ chức”.
4. Bổ sung khoản 5 Điều 6 như sau:
“5. Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố tại đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo được áp dụng các biện pháp đơn giản hóa trong việc nhận biết khách hàng đối với những khách hàng được xác định có mức rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố thấp. Đối tượng báo cáo được quyền quyết định áp dụng một hoặc tất cả các biện pháp đơn giản hóa sau:
a) Không cần thu thập thông tin về mục đích, bản chất mối quan hệ kinh doanh nếu có cơ sở nhận biết được mục đích và bản chất từ các loại giao dịch hoặc mối quan hệ kinh doanh đã được thực hiện, thiết lập.
b) Xác thực nhận dạng khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi sau khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh.
c) Giảm tần suất cập nhật nhận dạng khách hàng.
d) Giảm mức độ theo dõi và kiểm soát giao dịch.
Đối tượng báo cáo không được áp dụng biện pháp đơn giản hóa trong trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố”.
5. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 8 như sau:
“a) Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 4 Nghị định này và được quyền quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng. Trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ phù hợp để nhận biết và xác minh khách hàng”.
6. Sửa đổi tên của Điều 17 như sau:
“Điều 17. Trách nhiệm báo cáo, cung cấp và chia sẻ thông tin”
7. Bổ sung khoản 5 Điều 17 như sau:
“5. Đối tượng báo cáo cáo được chia sẻ thông tin về khách hàng bị nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác liên quan đến rửa tiền cho hội sở, các chi nhánh của ngân hàng mẹ hoặc tập đoàn tài chính nhằm phòng, tránh rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Các thông tin được chia sẻ chỉ được phép sử dụng cho mục đích phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Bên được cung cấp, chia sẻ thông tin không được phép cung cấp hay chia sẻ cho bên thứ ba dưới bất kỳ hình thức nào”.
8. Sửa đổi khoản 2 Điều 18 như sau:
“2. Căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố khi phát hiện hành vi đó để:
a) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
b) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách những tổ chức, cá nhân khủng bố và tài trợ cho khủng bố do tổ chức quốc tế khác hoặc quốc gia khác trên thế giới lập ra và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảnh báo.
c) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân đã từng bị kết án về các tội khủng bố, tội tài trợ cho khủng bố tại Việt Nam.
d) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ khủng bố mà đối tượng báo cáo biết được từ các nguồn thông tin khác”.
9. Bổ sung điểm d khoản 1 Điều 21 như sau:
“d) Theo yêu cẩu của cơ quan thanh tra, thi hành án, thuế, hải quan”.
10. Sửa đổi khoản 4 Điều 22 như sau:
“4. Khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay bằng văn bản và thông báo ngay bằng điện thoại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
11. Sửa đổi Điều 23 như sau:
“Điều 23. Phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản
1. Đối tượng báo cáo thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản và chịu trách nhiệm về quyết định này.
3. Việc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản phải được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung tối thiểu sau: Tên đối tượng báo cáo phải thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; tên đầy đủ của chủ tài khoản hoặc cá nhân, tổ chức liên quan đến tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tài khoản bị phong tỏa hoặc danh mục tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu và kết thúc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; lý do yêu cầu thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản.
4. Đối tượng báo cáo phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng văn bản ngay sau khi thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Điều 2. Thay cụm từ “Cơ quan phòng, chống rửa tiền” bằng cụm từ “Cục Phòng, chống rửa tiền” tại: Khoản 2 Điều 17; Khoản 1, Khoản 2 Điều 19; Khoản 1, Khoản 2, Khoản 5 Điều 20; Khoản 2 Điều 21; Khoản 1 Điều 25; Khoản 3, Khoản 4 Điều 26.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày .... tháng .... năm 2019./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ
|