Công văn 757/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành tiền tệ, tín dụng
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 757/TTg-KTTH
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 757/TTg-KTTH |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 20/05/2008 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Chính sách |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 757/TTg-KTTH V/v điều hành tiền tệ, tín dụng | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2008 |
Kính gửi: | - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư; - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. |
Xét báo cáo và đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (văn bản số 218/BC-NHNN.m ngày 26 tháng 4 năm 2008, văn bản số 199/TTr-NHNN.m ngày 18 tháng 4 năm 2008 và số 252/NHNN-CSTT.m ngày 15 tháng 5 năm 2008 về tình hình tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tháng 4 và ước tháng 5 năm 2008) và kết quả cuộc họp giao ban ngày 26 tháng 4 năm 2008 và ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan về việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
1. Về điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước
a) Điều chỉnh hợp lý các loại lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho sát với thực tế thị trường; đồng thời, nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế xác định và điều hành mới về lãi suất cơ bản thay việc quy định trần lãi suất huy động, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng và kiềm chế lạm phát trong tình hình hiện nay.
b) Tạo thuận lợi cho các ngân hàng tham gia thị trường liên ngân hàng và tiếp cận các nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước, để các ngân hàng tự đáp ứng nhu cầu về vốn và đáp ứng khả năng thanh khoản; từng bước hình thành lãi suất liên ngân hàng ở mức ổn định và hợp lý, thông qua đó định hướng và ổn định lãi suất trên thị trường tiền tệ.
c) Có cơ chế tái cấp vốn đặc thù trong trường hợp cần thiết đối với tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản nhưng không có đủ phương tiện để vay tái cấp vốn, tái chiết khấu một cách bình thường, đi đôi với việc quy định điều kiện và giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, không để tiếp tục tăng trưởng tín dụng nóng và thiếu an toàn.
2. Về điều hành tỷ giá ngoại tệ
a) Trước mắt, tiếp tục thực hiện điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ giao dịch; việc kiểm soát mức tăng giá hoặc mất giá VND trong khoảng ± 2%; cần chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình để có sự điều chỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu, giảm dần mức nhập siêu của năm 2008.
b) Trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô về tăng trưởng và lạm phát năm 2008, chủ động xem xét lại kế hoạch tiền cung ứng năm 2008 đã được phê duyệt và dự báo khả năng mua, bán ngoại tệ trong những tháng còn lại của năm 2008 để kịp thời điều chỉnh kế hoạch tiền cung ứng cả năm cho phù hợp, nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế và yêu cầu can thiệp bán ngoại tệ phục vụ việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
c) Theo dõi chặt chẽ sự vận động của các luồng vốn vào, ra nền kinh tế; dự báo hàng tháng về tình hình thực hiện cán cân thanh toán tổng thể; phát hiện và xử lý kịp thời những mất cân đối về cung cầu ngoại tệ, tạo điều kiện ổn định và phát triển bền vững thị trường ngoại hối.
3. Về điều hành hoạt động tín dụng ngân hàng
a) Tăng cường kiểm tra, thanh tra, đánh giá chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại; cần có biện pháp quản lý cả cung và cầu tín dụng; xác định nhu cầu đầu tư tín dụng nào cần khuyến khích và không khuyến khích để có chính sách phù hợp. Đối với những lĩnh vực cần ưu tiên mở rộng tín dụng như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu... Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra chỉ tiêu định hướng hoặc có cơ chế để khuyến khích các ngân hàng thực hiện.
b) Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý để giảm nhập khẩu vàng; đồng thời, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các khoản vay ngoại tệ để tài trợ nhập khẩu, nhất là nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa phải thiết yếu hiện đang góp phần làm tăng nhập siêu.
c) Tăng cường kiểm soát tổng dư nợ tín dụng đầu tư cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng; có biện pháp khắc phục tình trạng một số ngân hàng thương mại đầu tư tín dụng quá mức vượt khả năng quản lý hoặc nằm ngoài sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, đang gây áp lực làm tăng tổng phương tiện thanh toán.
d) Xem xét để điều chỉnh giảm tỷ lệ cho vay dài hạn hiện nay xuống mức phù hợp với khả năng nguồn vốn để tránh gây rủi ro tín dụng do việc tổ chức tín dụng sử dụng quá mức nguồn vốn ngắn hạn sang cho vay dài hạn. Áp dụng các công cụ điều tiết vĩ mô phù hợp với kinh tế thị trường để góp phần cải thiện đáng kể chất lượng tín dụng và kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế vào khoảng 30% trong năm 2008.
đ) Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định hiện hành về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng là người cư trú; đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động này.
4. Kiểm soát rủi ro hệ thống
a) Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các tổ chức tín dụng theo các chuẩn mực an toàn hiện hành; cần xem xét điều chỉnh, nâng mức hoặc bổ sung thêm chuẩn mực an toàn mới cho phù hợp với yêu cầu công tác quản lý hiện nay. Đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm thì phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh.
b) Sớm thực hiện việc đánh giá thực trạng hoạt động của từng tổ chức tín dụng trên cơ sở các chuẩn mực an toàn, các quy chế, quy định hiện hành; tiến hành phân loại các tổ chức tín dụng theo mức độ an toàn để áp dụng các biện pháp hỗ trợ và giám sát phù hợp đối với từng nhóm và từng tổ chức tín dụng.
c) Tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản và việc chấp hành các tỷ lệ an toàn, việc thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; đồng thời, kiên quyết xử lý các sai phạm khi đã được phát hiện.
d) Trên cơ sở quy định về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng hiện hành, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm soát, bảo đảm lộ trình tăng vốn phù hợp với khả năng quản lý của từng ngân hàng thương mại.
đ) Tiếp tục xem xét cấp phép thành lập ngân hàng mới, mở chi nhánh của các ngân hàng đang hoạt động theo đúng tiêu chí và điều kiện đã ban hành. Giám sát chặt chẽ ngay từ những ngày đầu hoạt động của các ngân hàng mới thành lập; đồng thời, thực hiện việc rà soát lại các tiêu chí và điều kiện thành lập mới ngân hàng thương mại cổ phần, kể cả ngân hàng nước ngoài để kịp thời bổ sung hoặc điều chỉnh các tiêu chí và điều kiện cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới và các cam kết trong WTO.
5. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo và phối hợp thực hiện
a) Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam..., nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế, thiết lập hệ thống cung cấp thông tin, báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ về hoạt động tín dụng và tiền tệ; đồng thời, nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, báo cáo, cảnh báo, bảo đảm yêu cầu khách quan, chính xác và kịp thời.
b) Tổ chức tốt công tác phân tích, xử lý thông tin và dự báo tình hình cả ngắn hạn và dài hạn, phục vụ tốt yêu cầu công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung.
c) Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẩn trương ổn định công tác tổ chức, chủ động xây dựng và thiết lập hệ thống thu thập, xử lý thông tin về lĩnh vực hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm theo kênh độc lập, bảo đảm có đủ cơ sở cho việc dự báo, phân tích, cảnh báo phục vụ kịp thời yêu cầu chỉ đạo công tác ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm của Thủ tướng Chính phủ.
d) Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần chủ động thông qua nghiệp vụ ngân hàng, thường xuyên trao đổi thông tin với Ngân hàng Nhà nước và phối hợp trong quá trình hoàn chỉnh các nội dung chính sách liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, để việc thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có hiệu quả hơn.
Căn cứ những nội dung nêu trên, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện và định kỳ hàng tháng, quý báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; - Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Các thành viên HĐTVCSTCTTQG; - Đài Truyền hình Việt Nam; - Đài Tiếng nói Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc; - Lưu: Văn thư, KTTH (5b). 190 | THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây