VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 7193/VPCP-KTTH V/v: Sơ kết việc thực hiện QĐ số 2195/QĐ-TTg về Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2015 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |
Xét báo cáo và kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 101/TTr-NHNN ngày 04 tháng 8 năm 2015 về việc sơ kết thực hiện Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020, giai đoạn 2012-2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có ý kiến như sau:
Để đảm bảo mục tiêu và các giải pháp về xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định 2195/QĐ-TTg), yêu cầu các Bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
a) Chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam để xây dựng và triển khai các chương trình tuyên truyền về hoạt động tài chính vi mô theo quy định của Quyết định 2195/QĐ-TTg.
b) Chủ động đôn đốc các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tổ chức liên quan đảm bảo thực hiện đúng hạn các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định 2195/QĐ-TTg, đặc biệt là các nhiệm vụ của giai đoạn I (2011-2015).
c) Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành trước ngày 01 tháng 12 năm 2015 các văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành Luật các tổ chức tổ chức tín dụng về hoạt động tài chính vi mô, theo hướng khuyến khích phát triển để góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi, phù hợp với hoạt động thực tế trong thời gian qua, tạo điều kiện để phát triển ở các vùng khó khăn, phục vụ người nghèo, cận nghèo.
d) Nghiên cứu áp dụng cơ chế lãi suất phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô, đảm bảo đủ bù đắp chi phí, phát triển bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận để góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo. Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý bất cập về quy định lãi suất của Bộ Luật dân sự đối với hoạt động tài chính vi mô.
đ) Trước ngày 01 tháng 11 năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về nguồn vốn đối với các chương trình, dự án tài chính vi mô để cho vay người nghèo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3015/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
e) Triển khai nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn cho hoạt động tài chính vi mô theo hướng khuyến khích sự tham gia các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 11 năm 2015.
g) Hỗ trợ Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam trong việc thành lập Hiệp hội tài chính vi mô theo hướng kế thừa các hoạt động hiện tại của mạng lưới tài chính vi mô tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, theo nhiệm vụ đã được giao của giai đoạn I (2011-2015) tại Quyết định 2195/QĐ-TTg.
2. Bộ Tài chính:
a) Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách thuế, phí, cơ chế tài chính, chế độ hạch toán, kế toán phù hợp với hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2195/QĐ-TTg, phù hợp với quy định về chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư năm 2014.
b) Nghiên cứu, ban hành quy định phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm vi mô theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2195/QĐ-TTg.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Hỗ trợ các chương trình, dự án tài chính vi mô, tổ chức tài chính vi mô được cấp phép tiếp cận các nguồn vốn vay ODA hoặc vay trực tiếp từ nước ngoài, các nguồn vốn vay ưu đãi khác, được hưởng nguồn vốn dành cho xóa đói, giảm nghèo từ các quỹ quốc tế tài trợ.
4. Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các Bộ, ngành, tổ chức liên quan:
Chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 2195/QĐ-TTg, gửi đầy đủ, đúng thời gian quy định cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các báo cáo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
a) Thực hiện theo quy định của Quyết định 2195 về việc rà soát, cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động tài chính vi mô trên địa bàn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Tăng cường công tác tuyên truyền về tài chính vi mô để tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò của hoạt động tài chính vi mô đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi.
c) Tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các chương trình, dự án tài chính vi mô triển khai hoạt động trên địa bàn và mở rộng hoạt động ra các xã, huyện mới.
d) Phân bổ hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn khác cho hoạt động tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn.
đ) Tạo điều kiện về việc cơ sở vật chất (cấp đất xây dựng trụ sở, tiếp cận các chính sách ưu đãi của địa phương...) cho các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn.
e) Chủ động triển khai các nhiệm vụ khác được giao tại Quyết định 2195.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Các thành viên Ban công tác Tài chính vi mô; - Nhóm CTTCVMVN; - VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý của Thủ tướng, các Vụ: TH, V.III, KGVX, TGĐ Cổng TTĐT; - Lưu: VT, KTTH(3) M.Cường | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |