BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN ----------------- Số: 6428/TCHQ-TXNK V/v: chứng từ thanh toán qua ngân hàng | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ----------------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2010 |
Kính gửi: Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính)
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 13919/BTC-CST ngày 15/10/2010 của Bộ Tài chính đề nghị tham gia ý kiến dự thảo văn bản hướng dẫn xử lý vướng mắc chứng từ thanh toán qua ngân hàng khi hoàn thuế GTGT. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Đối với trường hợp bên nước ngoài mất khả năng thanh toán.
- Theo Tổng cục Hải quan “bên nước ngoài mất khả năng thanh toán” có nhiều trường hợp xảy ra: phá sản, bỏ trốn, giải thể …, cũng được hiểu là mất khả năng thanh toán. Như vậy quy định hồ sơ phải có “Bản sao tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã đăng ký với cơ quan hải quan tại nước nhập khẩu hàng hóa, có xác nhận sao y bản chính của cơ quan hải quan nước nhập khẩu hàng hóa hoặc của cơ quan công chứng có thẩm quyền của nước nhập khẩu” tại dự thảo chỉ phù hợp với trường hợp doanh nghiệp nước ngoài mất khả năng thanh toán nhưng vẫn còn hoạt động. Không áp dụng đối với trường hợp bên nước ngoài mất khả năng thanh toán do giải thể, phá sản, bỏ trốn … vì trường hợp này doanh nghiệp Việt Nam không thể tìm ra được doanh nghiệp nước ngoài để yêu cầu cung cấp bản sao tờ khai hải quan hoặc các thông số liên quan đến tờ khai hải quan. Do đó, đề nghị Vụ Chính sách thuế cần hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này để tránh hiểu lầm.
Trường hợp này có thể giải quyết theo quy định tại điểm 4.11 Phụ lục I Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính như sau: Các trường hợp người mua không thanh toán được tiền hàng do phá sản, bỏ trốn …nên người xuất khẩu không cung cấp được chứng từ thanh toán cho cơ quan hải quan thì người xuất khẩu có văn bản giải trình rõ lý do kèm theo văn bản chứng minh sự việc đã giải trình và phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về giải trình trên.
- “Đơn khởi kiện đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước nơi người mua cư trú kèm giấy thông báo hoặc giấy tờ có tính chất xác nhận của cơ quan này về việc thụ lý đơn khởi kiện; hoặc phán quyết thắng kiện của tòa án cho cơ sở kinh doanh (nếu có)”.
Trường hợp này tính khả thi không cao do việc khởi kiện hoặc theo đuổi kiện tụng chi phí ở nước ngoài rất tốn kém, doanh nghiệp Việt Nam lại không thông thạo Luật pháp cũng như ngôn ngữ của nước ngoài nên việc theo đuổi vụ kiện rất khó khăn, do vậy cần hướng dẫn bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không khởi kiện thì xử lý như thế nào?
2. “Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đảm bảo chất lượng phải tiêu hủy: Biên bản tiêu hủy (hoặc giấy tờ xác nhận việc tiêu hủy) hàng hóa ở nước ngoài …”. Trường hợp này, Tổng cục Hải quan thống nhất với quan điểm xử lý của Vụ Chính sách thuế.
3. Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất
Đề nghị bổ sung như sau: Chứng từ thanh toán qua ngân hàng về tiền bồi thường hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất ngoài biên giới Việt Nam (đối với trường hợp đã nhận được đầy đủ tiền thanh toán của nước ngoài). Trường hợp chưa thanh toán tiền hàng thì có thỏa thuận giảm tiền cho phía nước ngoài do tổn thất hàng của Việt Nam với nước ngoài.
4. Theo quy định tại Điều 116, 117, 118, 119, 120 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính, thì: hồ sơ để hoàn thuế nhập khẩu bao gồm có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Do đó, để hoàn thuế nhập khẩu và thuế GTGT đều phải sử dụng chung một chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Vì vậy, đề nghị Vụ Chính sách thuế trình Bộ thống nhất áp dụng chung về chứng từ, giấy tờ có xác nhận của bên thứ ba để thay thế chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho cả hoàn thuế nhập khẩu và GTGT đối với các trường hợp nêu trên.
Kính chuyển Vụ Chính sách thuế tổng hợp./.
Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, TXNK (3). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Hoàng Việt Cường |