Dự thảo Nghị định về chế độ tài chính của tổ chức tín dụng yếu kém
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Tài chính |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về một số nội dung đặc thù về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng yếu kém trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Tải Nghị định
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
DỰ THẢO | Hà Nội, ngày tháng năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
Về một số nội dung đặc thù về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng
yếu kém trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Chính phủ ban hành Nghị định về một số nội dung đặc thù về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng yếu kém trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về một số nội dung đặc thù về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng yếu kém trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
2. Đối với các nội dung về chế độ tài chính không được quy định tại Nghị định này, tổ chức tín dụng yếu kém thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức tín dụng yếu kém trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu là tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chương II
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN
Điều 3. Sử dụng vốn, tài sản
1. Tổ chức tín dụng yếu kém sử dụng vốn, tài sản theo phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
2. Mua, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin theo quy định tại Điều 148b Luật các tổ chức tín dụng (được sửa đổi tại khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng).
Chương III
DOANH THU, CHI PHÍ
Điều 4. Doanh thu
Các khoản thu và việc ghi nhận doanh thu của tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện theo quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 5. Chi phí
1. Các khoản chi phí của tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện theo quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một số khoản chi của tổ chức tín dụng yếu kém thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
a. Chi trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động: Tổ chức tín dụng yếu kém thực hiện chi trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Điều 146đ Luật các tổ chức tín dụng (được sửa đổi tại khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng).
b. Chi khen thưởng cho người quản lý, người lao động tối đa bằng 0,5 tháng tiền lương bình quân thực tế thực hiện trong năm trong trường hợp tổ chức tín dụng yếu kém hoàn thành được các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại và hiệu quả hoạt động của năm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao hoặc phê duyệt. Tổ chức tín dụng yếu kém phải xây dựng và công bố công khai quy chế khen thưởng.
2. Việc xác định chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG YẾU KÉM
VÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ
Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng yếu kém
1. Triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu được cấp có thầm quyền phê duyệt, trong đó có các giải pháp về tài chính.
2. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện và khó khăn, vướng mắc về tài chính để triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
3. Thực hiện công bố công khai báo cáo tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Nghiên cứu để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này trong trường hợp cần thiết.
Điều 8. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Giao hoặc phê duyệt chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém và hiệu quả hoạt động hàng năm cho các tổ chức tín dụng yếu kém.
2. Quy định về các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng yếu kém.
3. Quy định về việc công bố công khai báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém.
4. Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát toàn diện hoạt động của tổ chức tín dụng yếu kém; định kỳ hàng quý, năm thông báo cho Bộ Tài chính tình hình tài chính của tổ chức tín dụng yếu kém.
5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính vượt thẩm quyền.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm và áp dụng kể từ năm tài chính trở đi.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức tín dụng yếu kém và các tổ chức, cá nhận có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ
Nguyễn Xuân Phúc |