Từ ngày 01/7/2024, đã có quy định mới về mức lãi suất cấp tín dụng mà Ngân hàng có thể áp dụng cho khách hàng tại Thông tư 21/2024/TT-NHNN. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung dưới đây.
1. Lãi suất do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận
Mức lãi suất áp dụng đối với nghiệp vụ hoàn trả, thương lượng thanh toán thư tín dụng được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Tuy nhiên, sự thỏa thuận về lãi suất phải tuân thủ mức giới hạn theo quy định pháp luật đối với từng loại lãi suất, cụ thể các loại lãi suất được quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 12 Thông tư 21/2024/TT-NHNN được nêu dưới đây.
2. Lãi suất với dư nợ gốc quá hạn
Lãi suất được áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn trong trường hợp khách hàng không thanh toán đúng hạn theo thỏa thuận, lãi suất áp dụng cho phần dư nợ này không được vượt quá 150% lãi suất cấp tín dụng trong hạn tại thời điểm khoản nợ chuyển thành nợ quá hạn, theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 21/2024/TT-NHNN.
Có thể thấy rằng quy định nêu trên phù hợp điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 về lãi suất chậm trả, cụ thể: "Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác".
Cơ chế này hạn chế các ngân hàng áp đặt lãi suất quá cao cho các khoản nợ xấu, đồng thời khuyến khích khách hàng thanh toán đúng hạn, tránh phát sinh thêm chi phí tài chính.
Quy định này cũng đồng thời bảo vệ khách hàng khỏi những mức lãi suất quá mức khi xảy ra tình trạng nợ quá hạn, trong khi vẫn bảo đảm quyền lợi của ngân hàng đối với rủi ro tín dụng.
3. Lãi suất với số tiền ngân hàng trả thay
Trong trường hợp ngân hàng trả thay cho khách hàng theo yêu cầu của thư tín dụng trong nghiệp vụ phát hành, xác nhận, hoàn trả thư tín dụng, quy định pháp luật yêu cầu mức lãi suất áp dụng không được vượt quá lãi suất quá hạn cao nhất mà ngân hàng đang áp dụng cho các khoản vay quá hạn, theo khoản 3 Điều 12 Thông tư 21/2024/TT-NHNN.
Có thể thấy rằng, việc quy định nêu trên được đưa ra đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế, nơi ngân hàng thường phải thay mặt khách hàng thanh toán các nghĩa vụ tài chính, và khoản nợ này cần được quản lý một cách hợp lý để tránh gây ra áp lực tài chính lớn cho khách hàng.
4. Lãi suất với lãi chậm trả
Trường hợp khách hàng không thanh toán lãi đúng hạn, lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Mức lãi suất này được quy định khá rõ ràng và hạn chế nhằm bảo vệ khách hàng, đồng thời tạo động lực cho việc thanh toán lãi đúng hạn.
5. Lãi suất khi thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng bằng ngoại tệ
Trường hợp các nghiệp vụ thư tín dụng được thực hiện bằng ngoại tệ, các bên có thể thỏa thuận mức lãi suất bằng ngoại tệ hoặc quy đổi sang đồng Việt Nam hoặc đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.
Quy định này đáp ứng nhu cầu giao dịch quốc tế ngày càng tăng và đảm bảo tính linh hoạt cho các doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu.
Trên đây là nội dung thông tin về Mức lãi suất cấp tín dụng của ngân hàng theo quy định mới nhất.