Báo cáo 243/BC-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Báo cáo 243/BC-UBTVQH12

Báo cáo 243/BC-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Cơ quan ban hành: Ủy ban Thường vụ Quốc hộiSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:243/BC-UBTVQH12Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Báo cáoNgười ký:Uông Chu Lưu
Ngày ban hành:16/06/2009Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Sở hữu trí tuệ
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

-------------------

Số: 243/BC-UBTVQH12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2009

 

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

 

 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Ngày 25 tháng 5 năm 2009, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Ngay sau khi thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ như sau:

I. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN

1. Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả (Điều 27)

Qua thảo luận, có ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật tăng thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên 75 năm. Có ý kiến đề nghị giữ thời hạn bảo hộ quyền liên quan như quy định hiện hành. Ý kiến khác cũng tán thành với quy định của dự thảo Luật  về thời hạn bảo hộ, nhưng đề nghị rà soát kỹ quy định của các công ước về quyền tác giả, quyền liên quan vì cho rằng một số quy định về thời hạn bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành và dự thảo Luật vượt quá hoặc chưa phù hợp với quy định của Hiệp định về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs), Công ước về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (Công ước Berne) và Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA).

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát các cam kết quốc tế đa phương và song phương về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Qua nghiên cứu, có hai vấn đề nổi lên, đó là thời hạn bảo hộ, cách tính thời hạn bảo hộ và tác phẩm nào được hưởng quyền bảo hộ và được bảo hộ thế nào. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội như sau:

- Theo cam kết tại Điều 4 Chương II của Hiệp định BTA “Trường hợp thời hạn bảo hộ của một tác phẩm được tính không căn cứ theo đời người, thì thời hạn đó không ít hơn 75 năm kể từ khi kết thúc năm lịch mà tác phẩm được công bố hợp pháp lần đầu tiên, hoặc nếu tác phẩm không được công bố hợp pháp trong vòng 25 năm kể từ khi tác phẩm được tạo ra, thì thời hạn đó không ít hơn 100 năm kể từ khi kết thúc năm lịch mà tác phẩm được tạo ra”.  Như đã báo cáo Quốc hội, do Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ và là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nên theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc thì các quốc gia thành viên phải đương nhiên dành cho nhau những quyền mà nước đó đã giành cho nước khác. Vì vậy, về nguyên tắc, tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau, có trường hợp tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không công bố tác phẩm trong thời hạn 25 năm tính từ khi tác phẩm được định hình. Trong trường hợp này, việc quy định thời hạn được bảo hộ tối đa là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình là nhằm khuyến khích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm sớm công bố và cũng đã tránh trường hợp lợi dụng để kéo dài thời hạn được bảo hộ. Ví dụ, nếu tác phẩm điện ảnh được công bố trong vòng 25 năm kể từ khi tác phẩm đó được định hình thì thời hạn bảo hộ là 75 năm; nếu đến năm thứ 30 kể từ khi tác phẩm được định hình mới công bố thì thời hạn bảo hộ chỉ còn là 70 năm. Như vậy, trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm định hình, mà tác phẩm được công bố thì thời hạn được bảo hộ cao nhất là 75 năm và nếu càng công bố muộn thì thời hạn được bảo hộ càng ít đi.

- Về tác phẩm sân khấu, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo Công ước Berne, Hiệp định TRIPs và phù hợp với BTA thì tác phẩm sân khấu có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết. Do đó, xin được chuyển loại hình tác phẩm sân khấu sang bảo hộ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27.

Với trình bày trên đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin được chỉnh lý Điều 27 của dự thảo Luật như sau:

“Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.

2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.”

2. Về thời hạn bảo hộ quyền liên quan (Điều 34)

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 34 dự thảo Luật trình Quốc hội đã nâng thời hạn bảo hộ từ 50 năm lên 75 năm là không phù hợp. Bởi vì, theo Công ước Berne và Hiệp định TRIPs thì thời hạn bảo hộ quyền liên quan là 50 năm, còn đối với Hiệp định BTA thì không có cam kết thời hạn bảo hộ quyền này. Như vậy, quy định tại Điều 34 của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành đã phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Do đó, xin Quốc hội cho giữ quy định về bảo hộ quyền liên quan của Luật hiện hành là 50 năm và không sửa đổi, bổ sung Điều 34 Luật hiện hành.

3. Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (Điều 154)

Có ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật là chỉ các doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp lý độc lập mới được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Có ý kiến đề nghị giữ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp như hiện hành; có ý kiến đề nghị bổ sung hợp tác xã cũng được kinh doanh đại diện sở hữu công nghiệp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành việc sửa đổi cần góp phần thúc đẩy sự phát triển dịch vụ kinh doanh đại diện quyền sở hữu trí tuệ trong nước, phù hợp với thực tiễn của hoạt động này ở nước ta; đồng thời cũng phải phù hợp với  thông lệ và cam kết quốc tế của Việt Nam về sở hữu trí tuệ. Về vấn đề này, tại Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO đã quy định “tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh, công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Toà án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam. Theo hệ thống phân loại CPC của Liên Hiệp Quốc thuộc nhóm 87 phiên bản 1, phiên bản 2 thuộc phân lớp 82130 thì dịch vụ giấy tờ pháp lý bao gồm: soạn thảo và chứng thực tài liệu, các dịch vụ pháp lý liên quan về quyền tác giả và các quyền sở hữu trí tuệ khác; soạn thảo và chứng thực tài liệu, giấy tờ và các dịch vụ pháp lý liên quan khác như di chúc, hôn nhân, hợp đồng thương mại, điều lệ doanh nghiệp (CPC Ver2. code 82130). Như vậy, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO; đồng thời nhằm bảo đảm công khai minh bạch, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 1 Điều 154 của dự thảo Luật như sau:

“Điều 154. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

Tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp:

1.  Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;”.

4. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Điều 2 dự thảo Luật đề nghị thay cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch” tại khoản 2, 3, 5 Điều 11, điểm a khoản 2 Điều 50 và khoản 4 Điều 51 của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thu gọn đầu mối các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, quy định cụ thể sự phân công, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với chính quyền địa phương, giữa cơ quan chuyên môn với các cơ quan thực thi...nhằm tránh chồng chéo về thẩm quyền. Có ý kiến đề nghị phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, liên quan đến Bộ nào thì giao Bộ đó quản lý; có ý kiến đề nghị giao Bộ Thông tin và truyền thông quản lý nhà nước về phát sóng, internet, thông tin, truyền thông, tín hiệu vệ tinh, môi trường kỹ thuật số còn Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch quản lý nhà nước về văn hoá.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đã được quy định tại Điều 11 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, theo đó, Bộ Khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm của Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về thẩm quyền quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, tuy các giá trị sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thuộc nhiều loại hình, ngành, lĩnh vực khác nhau nhưng xuất phát từ đặc thù của việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là bảo hộ hình thức thể hiện mà không phải bảo hộ nội dung. Nếu phân chia trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan theo loại hình tác phẩm được bảo hộ, hoặc theo phương tiện truyền tải tác phẩm thì sẽ dẫn đến tình trạng có rất nhiều cơ quan có thể tham gia quản lý quyền tác giả. Chẳng bạn Bộ Thông tin và truyền thông quản lý nhà nước về bản quyền chương trình máy tính, tác phẩm báo chí; Bộ Xây dựng quản lý bản quyền tác phẩm kiến trúc; Bộ Khoa học và công nghệ quản lý bản quyền tác phẩm khoa học; Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý bản quyền sách giáo khoa, giáo trình... Như vậy sẽ dẫn tới chồng chéo, gây khó khăn trong bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luât cũng phù hợp với cách quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về cơ quan quản lý nhà nước theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và thay cụm từ “Bộ Văn hoá - Thông tin” bằng “Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch”.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ KHÁC

1. Về đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (Điều 3) và giải thích từ ngữ (Điều 4)

Có ý kiến cho rằng, không nên liệt kê hạt giống, mô, tế bào, thân, rễ, cành ghép, mắt ghép, cây ghép, củ, quả, chồi, hoa v.v...như quy định tại điểm a, khoản 3 vì có thể sẽ không đầy đủ; ý kiến khác đề nghị chuyển điểm a, điểm b khoản 3 về Điều 4.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin được chỉnh lý và chuyển nội dung này thành 2 khoản quy định tại Điều 4 về giải thích từ ngữ như sau:

“26. Vật liệu nhân giống là cây hoặc bộ phận của cây có khả năng phát triển thành một cây mới dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng.”

“27. Vật liệu thu hoạch là cây hoặc bộ phận của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống.”

2. Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ (Điều 8)

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn trong Luật chính sách đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ; ý kiến khác đề nghị cần có quy định thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ trong nhân dân.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, dự thảo Luật bổ sung quy định “huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư” cho công tác này. Đối với chính sách đầu tư, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã quy định Nhà nước ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng có liên quan làm công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một trong những nội dung quản lý nhà nước, do đó xin Quốc hội cho không bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật.

3. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính (Điều 22)

Có ý kiến cho rằng, việc quy định bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm, ký tự máy tính như đối với tác phẩm văn học là không khả thi; có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định chỉ công nhận bản quyền phần mềm đối với pháp nhân, không công nhận bản quyền phần mềm đối với từng cá nhân tham gia tạo ra phần mềm đó; ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu cho phù hợp với đặc thù của quyền tác giả đối với phần mềm máy tính.

Như đã báo cáo Quốc hội tại phần trên, việc bảo hộ quyền tác giả trong đó có tác phẩm văn học, chương trình máy tính là bảo hộ về hình thức mà không phải là nội dung. Bởi vì, đối với bảo hộ chương trình máy tính là bảo hộ hình thức thể hiện của các lệnh, mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác mà máy tính có thể đọc được và tương tự như bảo hộ tác phẩm văn học là bảo hộ hình thức thể hiện của chữ viết. Điểm khác biệt ở đây là tác phẩm văn học được thể hiện bằng chữ viết thì mắt thường có thể đọc được, còn chương trình máy tính thể hiện bằng các ký tự, các cú pháp là các lệnh được đọc bằng máy. Quy định này cũng phù hợp với luật pháp quốc tế được quy định tại Điều 4 Hiệp ước quyền tác giả WIPO (WCT), Điều 10 Hiệp định TRIPs, Điều 4 Hiệp định BTA. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như Luật hiện hành.

4. Về các trường hợp sử dụng tác phẩm, quyền liên quan đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 26 và Điều 33)

- Có ý đề nghị cần phân biệt sử dụng tác phẩm, quyền liên quan đã công bố vì mục đích thương mại và không vì mục đích thương mại.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý Điều 26 và Điều 33 của dự thảo Luật theo hướng có sự phân biệt việc trả tiền nhuận bút, thù lao giữa trường hợp sử dụng để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào và việc sử dụng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất cứ hình thức nào. Quy định như vậy cũng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam là trong nhiều năm qua, phần lớn tác phẩm văn học nghệ thuật, ca nhạc, phim ảnh... kể cả nguồn nhân lực sáng tạo ra những tác phẩm này đều được hình thành bởi sự đầu tư, bao cấp của Nhà nước và xã hội. Do đó, cũng cần phải tính đến lợi ích của Nhà nước và cộng đồng xã hội. Đồng thời, cũng phù hợp với khoản 2 Điều 11bis Công ước Berne cho phép quốc gia thành viên được quy định điều kiện áp dụng quyền tác giả, bảo đảm không vi phạm quyền tinh thần cũng như quyền được nhận thù lao hợp lý của tác giả. Quy định như vậy cũng không mâu thuẫn với Nghị quyết số 71/2006/QH11 của Quốc hội.

- Có ý kiến tán thành với nguyên tắc thoả thuận nhưng đề nghị cần quy định  trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quyền sở hữu trí tuệ là một quyền dân sự đã được quy định trong Bộ luật dân sự và Luật sở hữu trí tuệ. Vì vậy trước hết cần thực hiện theo nguyên tắc thoả thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được cũng cần giao cho Chính phủ quy định về mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán để thực hiện; đồng thời làm căn cứ để Toà án giải quyết khi đương sự khởi kiện tại Toà án. Do đó, tiếp thu ý kiến trên đây, xin được bổ sung vào khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 trường hợp các bên không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án.

5. Về chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước (Điều 42)

Một số ý kiến đề nghị sửa lại Điều này để tránh mâu thuẫn vì tên Điều là chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước, nhưng nội dung Điều luật lại không phù hợp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung vào khoản 2 Điều 41 quyền của tổ chức, cá nhân đang quản lý tác phẩm khuyết danh và chỉnh lý điểm a khoản 1 Điều 42 như dự thảo Luật. Quy định như vậy bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với Công ước Berne và Bộ luật dân sự. (Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Công ước Berne thì “Đối với những tác phẩm khuyết danh... Nhà xuất bản có tên ghi trên tác phẩm được thừa nhận là đại diện của tác giả mà không cần bằng chứng gì khác. Với tư cách này, Nhà xuất bản được hưởng quyền bảo hộ và thực thi quyền tác giả. Quy định của khoản này sẽ hết hiệu lực khi tác giả tiết lộ danh tính và chứng minh được mình là tác giả”).

6. Về thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (Điều 119)

Có ý kiến tán thành kéo dài thời hạn thẩm định nội dung đơn như quy định của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị giữ thời hạn thẩm định như quy định của Luật hiện hành; ý kiến khác đề nghị nên có sự phân loại, đối với những vấn đề phức tạp có thể kéo dài thời hạn thẩm định; có ý kiến đề nghị đối với kiểu dáng công nghiệp giữ như hiện hành, chỉ tăng thời hạn thẩm định nội dung đơn đối với sáng chế.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp là xác lập quyền của chủ sở hữu về mặt pháp lý. Để bảo đảm quyền lợi của người được cấp văn bằng bảo hộ cần thận trọng, hạn chế đến mức tối đa việc cấp sai, cấp không đúng đối tượng dẫn đến văn bằng bị huỷ bỏ hiệu lực do khi cấp chưa có đủ thông tin về đơn ưu tiên hoặc tra cứu, thẩm định không chính xác do không đủ thời gian. Trường hợp phải huỷ văn bằng bảo hộ sẽ không chỉ gây tốn kém do đã đầu tư mà còn dẫn đến việc khiếu kiện, tranh chấp rất phức tạp. Do đó, để bảo đảm việc cấp văn bằng được chính xác, bảo vệ quyền của chủ sở hữu, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý thời hạn thẩm định nội dung đơn đối với từng loại đối tượng sở hữu công nghiệp như quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 119 của dự thảo Luật.

- Có ý kiến đề nghị nghiên cứu phân cấp thẩm quyền xử lý đơn đăng ký cho các địa phương đối với trường hợp đăng ký đơn giản.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, chưa nên phân cấp xử lý đơn cho các địa phương, vì như vậy sẽ làm cho việc xử lý đơn phân tán, không bảo đảm tính thống nhất. Bên cạnh đó, đây là công việc mang tính quốc tế, các địa phương chưa có điều kiện để tiếp cận đầy đủ thông tin về vấn đề này. Qua nghiên cứu, tham khảo pháp luật, kinh nghiệm của các nước thấy nhiều quốc gia trên thế giới đều chỉ có duy nhất một cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia, thậm chí hình thành cơ quan khu vực thay cho các cơ quan quốc gia, chẳng hạn Cơ quan Patent châu Âu.

Từ những lý do nêu trên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho  giữ quy định về thẩm quyền xử lý đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp như Luật hiện hành.

7. Về tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng (Điều 157) và tính khác biệt của giống cây trồng (Điều 160)

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bảo hộ đối với giống vi sinh vật và quy định về tính khác biệt của giống vi sinh vật.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định tại Điều 157 và Điều 160 là phù hợp với Công ước UPOV năm 1991 mà Việt Nam là thành viên. Theo đó chỉ bảo hộ về giống cây trồng và tính khác biệt của giống cây trồng, không bao gồm vi sinh vật. Trường hợp giống (chủng) vi sinh vật mới là một sáng chế thì sẽ được bảo hộ  theo quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế của Luật sở hữu trí tuệ 2005. Do đó, để phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, đề nghị Quốc hội cho không bổ sung nội dung này vào hai điều nói trên của dự thảo Luật.

8. Đăng ký quyền đối với giống cây trồng (Điều 165)

Có ý kiến tán thành với quy định tổ chức, cá nhân được trực tiếp hoặc thông qua đại diện nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng, nhưng đề nghị quy định rõ điều kiện của tổ chức, cá nhân được làm dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng trong Luật.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định cụ thể về điều kiện để tổ chức, cá nhân được làm dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng tại Điều 165 của dự thảo Luật.

9. Về vai trò của cơ quan Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ (Điều 201)

Nhiều ý kiến đề nghị nên thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện nhiệm vụ giám định sở hữu trí tuệ; cần xã hội hóa hoạt động giám định sở hữu trí tuệ; bổ sung quy định về điều kiện để tổ chức, cá nhân được thực hiện giám định sở hữu trí tuệ.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu các ý kiến nói trên và đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể các điều kiện để các tổ chức, cá nhân được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ.

10. Về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính (Điều 211)

Có ý kiến đề nghị quy định mọi hành vi xâm hại quyền sở hữu trí tuệ đều bị xử lý; ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định chỉ những hành vi cố ý giả mạo nhãn hiệu hàng hóa và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với quy mô thương mại ở mức độ nào đó mới bị coi là vi phạm.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý lại khoản 1 Điều 211 như trong dự thảo Luật.

11. Về các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 214)

Có ý kiến tán thành quy định tại khoản 4 Điều 214 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội; có ý kiến cho rằng các hình thức xử phạt còn chưa đủ nghiêm khắc; ý kiến khác lại cho rằng, quy định như vậy là không thống nhất với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì mức phạt tiền tối đa là 500 triệu đồng trong một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Theo quy định của dự thảo Luật thì hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền; đồng thời còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, đình chỉ hoạt động kinh doanh, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Người vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể còn phải bị bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, với các hình thức xử phạt hành chính như vậy là đủ sức răn đe và xử lý người vi phạm (trường hợp phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khoản 4 Điều 214 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định mức phạt, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài những vấn đề nêu trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý cả về nội dung, kỹ thuật văn bản và thể hiện cụ thể trong nhiều điều khoản khác của dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tại 30 điều, trong đó sửa 02 điều không có trong dự thảo Luật trình Quốc hội, đó là Điều 4 (Giải thích từ ngữ) và Điều 41 (Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền); không sửa 4 Điều, đó là Điều 34 (Thời hạn bảo hộ quyền liên quan), Điều 178 (Thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ), Điều 188 (Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng) và Điều 216 (Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ).

*

*        *

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

 

 

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH

(đã ký)

 

 

 

 

 

Uông Chu Lưu

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Thông báo 48/2023/TB-LPQT của Bộ Ngoại giao về điều ước quốc tế có hiệu lực: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Xinh-ga-po liên quan đến Điều 18.47 (Bảo hộ dữ liệu thí nghiệm hoặc dữ liệu bí mật khác đối với nông hóa phẩm) tại Chương 18 (Sở hữu trí tuệ) của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Thông báo 48/2023/TB-LPQT của Bộ Ngoại giao về điều ước quốc tế có hiệu lực: "Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Xinh-ga-po liên quan đến Điều 18.47 (Bảo hộ dữ liệu thí nghiệm hoặc dữ liệu bí mật khác đối với nông hóa phẩm) tại Chương 18 (Sở hữu trí tuệ) của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương".

Ngoại giao, Sở hữu trí tuệ

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi