Có biện pháp bảo hộ sáng chế sẽ giúp công ty khai thác và bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn. Vậy đăng ký bảo hộ sáng chế trong công ty cổ phần được quy định thế nào?
1. Những điều cần biết về sáng chế
1.1 Sáng chế là gì?
Căn cứ Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, sáng chế là giải pháp kỹ thuật (sản phẩm hoặc quy trình) nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng cách ứng dụng các quy luật tự nhiên. Trong đó, giải pháp kỹ thuật ở đây được hiểu là là tập hợp những thông tin về cách thức và/hoặc phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ cụ thể.
1.2 Đăng ký sáng chế là gì?
Doanh nghiệp có quyền đăng ký sáng chế khi thực hiện đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc hoặc thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật.
Sáng chế là 1 trong những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và chủ sở hữu sáng chế sau khi đăng ký và được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký sẽ được pháp luật bảo vệ khi có bất kỳ hành vi xâm phạm quyền sáng chế nào khác của bên thứ 3.
Trường hợp doanh nghiệp cùng với tổ chức, cá nhân khác tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký sáng chế và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
1.3 Tại sao phải đăng ký sáng chế?
Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật (có thể dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình hoặc kết hợp cả hai), do con người tạo ra để phục vụ cho đời sống. Để tạo ra được 01 sáng chế, tác giả sẽ phải là người có trình độ chuyên môn, có sự đầu tư thời gian, chi phí để nghiên cứu.
Do đó, để đảm bảo mình được độc quyền sở hữu sáng chế, chủ sở hữu nên tiến hành thủ tục đăng ký sáng chế sau khi sáng tạo ra.
Ngoài ra, việc đăng ký sáng chế còn mang lại những lợi ích sau:
- Sử dụng sáng chế để áp dụng vào cuộc sống để mang lại lợi ích về vật chất cho chủ sở hữu;
- Có thể tiến hành biện pháp pháp lý hành chính hoặc hình sự để xử lý hành vi xâm phạm đối với sáng chế đã đăng ký bởi bên thứ ba;
- Chứng minh được rằng mình là chủ sở hữu duy nhất của sáng chế và sẽ được pháp luật bảo vệ khi có tránh chấp xảy ra với bên thứ 3;
- Được sử dụng độc quyền sáng chế trong thời gian 20 năm (Khoản 2 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ 2005), trong trường hợp không có nhu cầu phát triển sáng chế, chủ sở hữu sáng chế có thể chuyển nhượng sáng chế cho bên thứ 3 để thu chi phí chuyển nhượng. 20 năm là khoảng thời gian đủ dài để doanh nghiệp sở hữu bằng độc quyền sáng chế kiếm được lợi nhuận trước khi sáng chế đó trở nên đại trà.
1.4 Thời hạn bảo hộ sáng chế là bao lâu?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về hiệu lực của văn bằng bảo hộ, thời gian bảo hộ của văn bằng sáng chế là 20 năm tính từ ngày nộp đơn và không được gia hạn thêm thời gian bảo hộ bằng độc quyền sáng chế.
Như vậy, khác với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được gia hạn thời gian bảo hộ, thời gian bảo hộ văn bằng sáng chế chỉ được tối đa 20 năm và không được gia hạn.
1.5 Chủ đơn đăng ký sáng chế cần đáp ứng điều kiện gì?
Ngoài điều kiện bảo hộ sáng chế như trình bày ở trên, chủ đơn đăng ký muốn được bảo hộ còn phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Người tạo ra sáng chế (tác giả sáng chế) phải tạo ra sáng chế bằng chi phí và công sức của mình;
- Cá nhân, tổ chức đầu tư kinh phí, cơ sở, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc cho tác giả, thuê tác giả trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc thỏa thuận đó không trái quy định của pháp luật;
- Trường hợp có nhiều cá nhân, tổ chức cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì tổ chức, cá nhân đó được quyền đăng ký sáng chế sau khi được cá nhân, tổ chức còn lại đồng ý
- Trường hợp sáng chế được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phi từ ngân sách nhà nước:
- Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế;
- Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký sáng chế;
- Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế.
2. Điều kiện đăng ký sáng chế
Theo Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, dể có thể tiến hành đăng ký bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam thì doanh nghiệp cần chú ý đối tượng đăng ký phải đáp ứng đủ ba tiêu chuẩn sau:
Thứ nhất, có tính mới: tức là sáng chế chưa được bộc lộ công khai dưới dưới hình thức công bố, sử dụng hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên.
Thứ hai, có trình độ sáng tạo: các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai không thể tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Thứ ba, có khả năng áp dụng công nghiệp: nội dung sáng chế có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình và thu được kết quả ổn định.
Ngoài ra, doanh nghiệp muốn được bảo hộ sáng chế dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì đối tượng đăng ký phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có tính mới.
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
3. Thủ tục, hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế trong công ty cổ phần
3.1 Thành phần hồ sơ
Hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế hiện nay đang được điều chỉnh bởi Mục 1 và Mục 2 Chương I Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, cụ thể:(i) Đối với trường hợp sáng chế không thuộc sở hữu chung
Doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu sau đây:
- Tờ khai yêu cầu đăng ký sáng chế;
- Bản mô tả (bao gồm cả hình vẽ, nếu có);
- Bản tóm tắt;
- Yêu cầu bảo hộ;
- Giấy ủy quyền nộp hồ sơ, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ.
(ii) Đối với trường hợp sáng chế thuộc sở hữu chung
Trường hợp này thì văn bằng bảo hộ sẽ chỉ được cấp cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn chung. Các chủ sở hữu chung khác có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp phó bản văn bằng bảo hộ sáng chế với điều kiện phải nộp lệ phí cấp phó bản. (Phó bản văn bằng bảo hộ này có giá trị tương đương với văn bằng bảo hộ)
Để yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các tài liệu sau đây:
- Tờ khai cấp phó bản văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp;
- Giấy ủy quyền nộp hồ sơ, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
*Lưu ý: Nếu yêu cầu cấp phó bản đã được thể hiện trong tờ khai đăng ký bảo hộ sáng chế thì doanh nghiệp không phải nộp bộ hồ sơ như nêu trên.
3.2 Nơi nộp hồ sơ
Cơ quan duy nhất tại Việt nam tiếp nhận hồ sơ đăng ý sáng chế, xem xét hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam có địa chỉ tại 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Cục sở hữu trí tuệ còn có 02 văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Chủ sở hữu đăng ký sáng chế có thể lựa nộp đơn đăng ký sáng chế tại một trong các địa chỉ nêu trên bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
3.3 Quy trình giải quyết hồ sơ
- Thẩm định hình thức: Là việc kiểm tra sự tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Theo Khoản 3 Điều 1 Thông tư 05/2013/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung điểm 13.8 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, thời gian thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn. Sau đó, Cục SHTT sẽ 1 trong 02 thông báo sau:
+ Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hình thức;
+ Thông báo từ chối chấp nhận đơn hình thức (trường hợp này Cục SHTT sẽ nêu rõ lý do từ chối và yêu cầu chủ đơn phải khắc phục trong 1 thời gian nhất định);
- Công bố đơn hợp lệ: trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tuỳ theo ngày nào muộn hơn.
Nội dung công bố đơn đăng ký sáng chế là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, bản tóm tắt sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có);
- Thẩm định nội dung: Thẩm định nội dung đơn là dánh giá khả năng được bảo hộ của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn theo cá điều kiện bảo hộ sáng chế (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp) và đánh giá lần lượt từng điểm nêu trong phạm vi (yêu cầu bảo hộ).
Căn cứ Khoản 6 Điều 1 Thông tư 05/2013/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung Điểm điểm 15.8 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, thời hạn thẩm định nội dung đơn là Không quá 18 tháng kể từ ngày công bố Tờ khai yêu cầu thẩm định nội dung đăng ký sáng chế (nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn) hoặc ngày công bố (nếu yêu cầu đó được nộp trước ngày công bố đơn);
- Quyết định cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ chối cấp văn bằng: Sau khi thẩm định nội dung xong, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền sáng chế cho chủ đơn đăng ký. Trường hợp từ chối cấp, Cục cũng sẽ nêu rõ lý do từ chối để chủ đơn tham khảo và tiến hành khiếu nại (nếu có)
- Nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: Sau khi có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký, chủ đơn sẽ nộp phí cấp văn bằng tại Cục SHTT để nhận được giấy chứng nhận đăng ký độc quyền sáng chế
4. Phí, lệ phí đăng ký sáng chế
Căn cứ nội dung quy định về phí, lệ phí tại Thông tư 263/2016/TT-BTC, doanh nghiệp cần nộp:
Phí, lệ phí cần nộp | Mức thu |
Lệ phí nộp đơn | 150.000 đồng |
Lệ phí cấp văn bằng | 120.000 đồng |
Phí thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (trong đó, phí thẩm định hình thức bằng 20% mức thu, phí thẩm định nội dung bằng 80% mức thu) | 900.000 đồng |
Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (mỗi đơn/yêu cầu) | 600.000 đồng |
Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (cho mỗi nội dung sửa đổi của mỗi đơn) | 160.000 đồng |
Phí thẩm định yêu cầu chuyển nhượng đơn (mỗi đơn đăng ký) | 160.000 đồng |
Phí thẩm định hồ sơ đơn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp (mỗi văn bằng bảo hộ) | 230.000 đồng |
Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định, giải quyết khiếu nại và các công việc khác trong phạm vi trách nhiệm đối với sáng chế cho mỗi điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ | 600.000 đồng |
Phí công bố thông tin về sở hữu công nghiệp | 120.000 đồng |
Phí đăng bạ thông tin về sở hữu công nghiệp | 120.000 đồng |
Phí sử dụng Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích cho mỗi điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ cho mỗi năm | - Năm thứ 1, thứ 2: 300.000 đồng - Năm thứ 3- 4: 500.000 đồng - Năm thứ 5- 6: 800.000 đồng - Năm thứ 7- 8: 1.200.000 đồng - Năm thứ 9-10: 1.800.000 đồng - Năm thứ 11-13: 2.500.000 đồng - Năm thứ 14-16: 3.300.000 đồng - Năm thứ 17-20: 4.200.000 đồng |
Phí kiểm tra sơ bộ về mặt hình thức đơn sáng chế quốc tế để nộp cho văn phòng quốc tế và cơ quan tra cứu quốc tế | 300.000 đồng |
5. Lưu ý khi đăng ký sáng chế
- Trước khi soạn hồ sơ, doanh nghiệp phải tra cứu khả năng bảo hộ của sáng chế. Việc này khá phức tạp và tốn nhiều thời gian, hơn nữa tra cứu mới chỉ dừng lại ở mức sơ bộ. Do vậy, công ty có thể thuê dịch vụ từ các tổ chức uy tín để thực hiện công việc.
Doanh nghiệp có thể tra cứu sáng chế qua:
- Cơ sở dữ liệu sáng chế của Việt Nam (http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearchPAT.php);
- Google patent (https://patents.google.com/).
- Theo khoản 1 Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, khi có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương nhau, văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn hợp lệ, đáp ứng các điều kiện.
- Trường hợp đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác sáng chế (Hiệp ước PCT) có nguồn gốc Việt Nam, đơn được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ phải phải là tiếng Anh. Mỗi đơn được làm thành 03 bản. Nếu không đủ số bản quy định, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ sao thêm cho đủ số bản cần thiết và công ty cổ phần phải nộp phí sao đơn quốc tế.
Trên đây là nội dung hướng dẫn đăng ký bảo hộ sáng chế trong công ty cổ phần. Trên thực tế, khi tự thực hiện thủ tục có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề vượt ngoài khả năng xử lý, do vậy nếu có nhu cầu thuê dịch vụ soạn và nộp hồ sơ, quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với LuatVietnam để được hỗ trợ.