Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên lần 5

thuộc tính Luật

Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên lần 5
Lĩnh vực: Quốc phòng
Loại dự thảo:Luật
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Quốc phòng
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Dự kiến thông qua tại:Kì họp đang cập nhật - Khóa đang cập nhật

Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về xây dựng, huy động lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

QUỐC HỘI

------

Luật số:....../2019/QH14

DỰ THẢO 5

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------

 

 

LUẬT

DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Quốc hội ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về xây dựng, huy động lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lực lượng dự bị động viên là quân nhân dự bị đã đăng ký, quản lý để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân, bao gồm:

a) Sĩ quan dự bị gồm sĩ quan Quân đội nhân dân thôi phục vụ tại ngũ được chuyển sang ngạch dự bị; hạ sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức, những người tốt nghiệp đại học trở lên đã được đào tạo, phong quân hàm sĩ quan dự bị.

b) Quân nhân chuyên nghiệp dự bị gồm quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân; công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa qua phục vụ tại ngũ, tốt nghiệp đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân đã được đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị.

c) Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một gồm hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã phục vụ tại ngũ đủ 06 tháng trở lên; hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã qua chiến đấu; công dân nam thôi phục vụ trong Công an nhân dân, đã có thời gian phục vụ từ 12 tháng trở lên; công dân nam là công nhân, viên chức quốc phòng được chuyển chế độ từ hạ sĩ quan, binh sĩ đã thôi việc; dân quân tự vệ thường trực đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; công dân là binh sĩ dự bị hạng hai đã qua huấn luyện tập trung đủ 06 tháng trở lên.

d) Binh sĩ dự bị hạng hai gồm công dân nam là binh sĩ xuất ngũ, đã qua phục vụ tại ngũ dưới 06 tháng; công nhân, viên chức quốc phòng không thuộc đối tượng đăng ký hạ sĩ quan, binh sĩ hạng một đã thôi việc; công dân nam thôi phục vụ trong Công an nhân dân đã có thời gian phục vụ dưới 12 tháng; công dân nam hết độ tuổi gọi nhập ngũ chưa phục vụ tại ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; công dân nữ đã đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự.

2. Phương tiện kỹ thuật dự bị động viên là phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân đã đăng ký, quản lý để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân, bao gồm phương tiện vận tải đường bộ, phương tiện đường thủy, phương tiện đường không dân dụng, phương tiện xây dựng cầu đường, phương tiện xây dựng công trình, phương tiện xếp dỡ hàng hóa, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị vật tư y tế và một số loại phương tiện khác theo yêu cầu biên chế của Quân đội nhân dân theo quy định của Chính phủ.

3. Đơn vị dự bị động viên là tổ chức quân sự gồm phần lớn hoặc toàn bộ là quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

4. Đơn vị chuyên môn dự bị là loại hình đơn vị dự bị động viên, được tổ chức, biên chế hoàn toàn là quân nhân dự bị có chuyên môn, nghiệp vụ và phương tiện, trang bị phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn.

5. Chuyên nghiệp quân sự là nghề nghiệp chuyên môn tương ứng với chức danh trong biên chế Quân đội nhân dân.

6. Huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên là việc tập trung quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, vận chuyển và bàn giao cho đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ.

3. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

5. Xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên bảo đảm đủ quân số, phương tiện kỹ thuật; đúng tiêu chuẩn, thời gian, bảo đảm bí mật, an toàn và theo kế hoạch được phê duyệt.

6. Thực hiện bình đẳng giới đối với quân nhân dự bị trong xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

7. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trốn tránh, chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

2. Điều động, huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên khi chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên được phê duyệt.

3. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động lực lượng và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

 

Chương II

XÂY DỰNG, HUY ĐỘNG VÀ TIẾP NHẬN

LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

 

Mục 1

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG, HUY ĐỘNG VÀ TIẾP NHẬN

LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

 

Điều 5. Thẩm quyền lập kế hoạch

1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập Kế hoạch nhà nước về xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên, Kế hoạch nhà nước về huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch xây dựng, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền lập kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên của các đơn vị Quân đội nhân dân.

Điều 6. Nội dung kế hoạch

1.  Nội dung kế hoạch xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

a) Tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên;

b) Quản lý đơn vị dự bị động viên;

c) Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên;

d) Đào tạo sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan dự bị;

đ) Công tác đảng, công tác chính trị;

e) Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính.

2.  Nội dung kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

a) Thông báo quyết định huy động, lệnh huy động;

b) Tập trung, vận chuyển, giao nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên;

c) Công tác đảng, công tác chính trị;

d) Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính;

đ) Bảo vệ trong quá trình tập trung, vận chuyển, giao nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

3. Nội dung kế hoạch tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

a) Quyết định của người chỉ huy về việc thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên;

b) Tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên;

c) Công tác đảng, công tác chính trị;

d) Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc soạn thảo kế hoạch xây dựng,  huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

Điều 7. Thẩm định và phê duyệt kế hoạch

1. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch nhà nước về xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên, Kế hoạch nhà nước về huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

2. Bộ Quốc phòng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ động viên.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên đơn vị đối với đơn vị thuộc quyền.

4. Cơ quan Bộ Quốc phòng thẩm định, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt: kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên của quân khu; kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

5. Cơ quan quân khu thẩm định, Tư lệnh Quân khu phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

7. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

8. Cơ quan cấp trên trực tiếp thẩm định, Thủ trưởng cấp trên trực tiếp phê duyệt kế hoạch tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên của các đơn vị thuộc quyền trong Quân đội nhân dân. 

Điều 8. Điều chỉnh kế hoạch

1. Hằng năm, cơ quan, đơn vị được giao lập kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên phải rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch.

2. Cơ quan, đơn vị phải lập kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự, phương tiện kỹ thuật bị động viên mới, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 8 Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi chỉ tiêu về quân nhân dự bị hoặc phương tiện kỹ thuật dự bị từ 30% trở lên;

b) Thay đổi địa phương giao nguồn quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên;

c) Thay đổi nhiệm vụ xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

 

Mục 2

XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

 

Điều 9. Nội dung xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

1. Đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị.

2. Tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên.

3. Sắp xếp quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật  dự bị vào đơn vị dự bị động viên.

4. Tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị.

5. Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên.

6. Thực hiện công tác đảng, công tác chính trị.

7. Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính.

Điều 10. Đăng ký, quản lý quân nhân dự bị

1. Đăng ký quân nhân dự bị

a) Đối tượng đăng ký quân nhân dự bị được thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Dân quân tự vệ.

b) Cơ quan quân sự cấp huyện thực hiện việc đăng ký quân nhân dự bị.

c) Chính phủ quy định trình tự, thủ thục đăng ký quân nhân dự bị.

 2. Quản lý quân nhân dự bị

Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý quân nhân dự bị cư trú tại địa phương; với cơ quan, tổ chức quản lý quân nhân dự bị làm việc tại cơ quan, tổ chức này.

Điều 11. Đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu tài sản có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

3. Việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức thực hiện theo chế độ thống kê, báo cáo.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 12. Giao chỉ tiêu xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

1. Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên cho bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Căn cứ chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao:

a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định quy mô, loại hình tổ chức và số lượng đơn vị dự bị động viên cho bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định chỉ tiêu tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên và quy định động viên trong từng trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị của Quân đội nhân dân;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giao chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền;  

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị thuộc quyền;

3. Căn cứ quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 13. Tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên

1. Quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên.

2. Đơn vị dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng 10% đến 15%; dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp.

Điều 14. Sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên

1. Sắp xếp quân nhân dự bị đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, có chuyên nghiệp quân sự đúng với chức danh biên chế gắn địa bàn tuyển quân với địa bàn động viên. Trường hợp thiếu thì sắp xếp quân nhân dự bị có chuyên nghiệp quân sự gần đúng với chức danh biên chế.

2. Sắp xếp quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được thực hiện theo thứ tự sắp xếp quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một trước; trường hợp thiếu thì sắp xếp binh sĩ dự bị hạng hai.

3. Sắp xếp quân nhân, phương tiện kỹ thuật dự bị vào đơn vị dự bị động viên thuộc đơn vị bộ đội chủ lực trước, đơn vị bộ đội địa phương sau.

Điều 15. Độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình

1. Sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Sắp xếp quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị vào các đơn vị dự bị động viên

a) Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào các đơn vị chiến đấu thuộc bộ đội chủ lực;

b) Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đến 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị ở các vị trí phù hợp không quá 35 tuổi được sắp xếp vào các đơn vị bảo đảm chiến đấu thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương;

c) Nam quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị trên 45 tuổi, nữ quân nhân dự bị trên 40 tuổi có đủ sức khỏe, chuyên môn cần cho đơn vị dự bị động viên, tình nguyện phục vụ trong ngạch dự bị được sắp xếp vào vị trí phù hợp của đơn vị dự bị động viên nhưng không quá độ tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 16. Sắp xếp phương tiện kỹ thuật dự bị vào đơn vị dự bị động viên

Phương tiện kỹ thuật dự bị được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên có tính năng đúng yêu cầu sử dụng trong biên chế của từng đơn vị Quân đội nhân dân. Trường hợp không có phương tiện kỹ thuật dự bị theo quy định tại khoản 1 Điều này thì sắp xếp phương tiện kỹ thuật dự bị có tính năng tương ứng.

Điều 17. Trách nhiệm sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật vào đơn vị dự bị động viên

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp các đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân có chỉ tiêu tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên thực hiện việc sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị vào đơn vị dự bị động viên.

Điều 18. Nghĩa vụ của quân nhân dự bị, chủ phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên

1. Nghĩa vụ của quân nhân dự bị 

a) Kiểm tra sức khỏe;

b) Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm sẵn sàng chiến đấu;

c) Thực hiện chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên và nhiệm vụ do người chỉ huy đơn vị dự bị động viên giao;

d) Thực hiện lệnh huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực hoặc làm nhiêm vụ khẩn cấp.

2. Nghĩa vụ của quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy trong đơn vị dự bị động viên

Quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy trong đơn vị dự bị động viên thực hiện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này và các nội dung sau:

a) Nắm tình hình số lượng, chất lượng đơn vị; duy trì đơn vị sinh hoạt theo chế độ và thực hiện chế độ báo cáo;

b) Quản lý, chỉ huy đơn vị khi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu;

c) Quản lý, chỉ huy đơn vị để bổ sung cho lực lượng thường trực hoặc làm nhiêm vụ khẩn cấp.

3. Nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị

a) Thực hiện quyết định điều động phương tiện kỹ thuật dự bị phục vụ  huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu;

b) Thực hiện quyết định huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực hoặc làm nhiêm vụ khẩn cấp.

Điều 19. Bổ nhiệm chức vụ; phong, thăng quân hàm; miễn nhiệm chức vụ; giáng chức, cách chức; giáng, tước quân hàm; giải ngạch quân nhân dự bị 

1. Việc bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm; miễn nhiệm chức vụ; giáng chức, cách chức; giáng, tước quân hàm và giải ngạch sĩ quan dự bị thực hiện theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Việc phong, thăng quân hàm và giải ngạch quân nhân chuyên nghiệp dự bị thực hiện theo quy định của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

3. Việc phong, thăng, giáng, tước cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức và giải ngạch hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự.

Điều 20. Tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ tiêu đào tạo sĩ quan dự bị hằng năm.

2. Căn cứ vào chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định giao số lượng cụ thể từng nhóm ngành sĩ quan dự bị cần đào tạo cho bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Chính phủ quy định đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị.

Điều 21. Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên,kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên hằng năm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị thuộc quyền; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm sẵn sàng chiến đấu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Việc gọi quân nhân dự bị huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu thực hiện theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự.

Trường hợp thời gian huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của quân nhân dự bị trùng với thời gian thi nâng bậc thợ, nâng ngạch công chức, thi kết thúc học kỳ, thi kết thúc khóa học có giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị làm việc, học tập hoặc ốm đau, thai sản có giấy chứng nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quân nhân dự bị cư trú, cơ quan, tổ chức nơi công tác thì được hoãn tập trung huấn luyện.

3. Việc điều động có thời hạn phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm sẵn sàng chiến đấu do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều động số lượng, thời hạn phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm sẵn sàng chiến đấu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định điều động từng phương tiện kỹ thuật dự bị theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Trường hợp cần thiết, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền quyết định huy động quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên,kiểm sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên theo kế hoạch đã được phê duyệt.

5. Đơn vị dự bị động viện thuộc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện việc huấn luyện quân nhân dự bị.

 Chính phủ quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh.

Điều 22. Chế độ sinh hoạt quân nhân dự bị; kiểm tra công tác xây dựng lực lượng, phương tiện dự bị động viên

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức sinh hoạt quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy từ tiểu đội trưởng và tương đương trở lên. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức sinh hoạt quân nhân dự bị không giữ chức vụ chỉ huy đã xếp vào đơn vị dự bị động viên.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng báo cáo Bộ Quốc phòng công tác xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết chế độ sinh hoạt quân nhân dự bị, biểu mẫu, báo cáo, quy chế phối hợp, kiểm tra công tác xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

 

Mục 3

HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

 

Điều 23. Nội dung huy động lực lượng, phương tiện dự bị động viên

1. Thông báo lệnh huy động lực lượng, phương tiện dự bị động viên.

2. Tập trung quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

3. Vận chuyển và giao nhận lực lượng, phương tiện dự bị động viên.

4. Thực hiện công tác đảng, công tác chính trị.

5. Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính.

Điều 24. Các trường hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

1. Khi có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

2. Khi thi hành lệnh thiết quân luật, lệnh giới nghiêm.

3. Khi có tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an tòa xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

4. Để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc giải quyết hậu quả chiến tranh.

Điều 25. Huy động quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên khi có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

1. Khi đất nước có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được huy động quân nhân dự bị đến độ tuổi cao nhất trong hạn tuổi phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và Luật nghĩa vụ quân sự.

2. Thẩm quyền và thủ tục huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh huy động các đơn vị dự bị động viên ở từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và từng tỉnh.

b) Người có thẩm quyền theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự quyết định huy động quân nhân dự bị nhập ngũ.

c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định huy động phương tiện kỹ thuật trong đơn vị dự bị động viên do cơ quan mình xây dựng.

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định huy động số lượng phương tiện kỹ thuật trong đơn vị dự bị động viên do cơ quan mình xây dựng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định huy động từng phương tiện kỹ thuật.

Điều 26. Huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời bình hoặc khi chưa ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

1. Các trường hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời bình hoặc chưa ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là những trường hợp quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 24 Luật này.

2. Thẩm quyền và thủ tục huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền quyết định huy động số lượng lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

b) Thẩm quyền và thủ tục huy động quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị thực hiện theo quy định tại điểm b và d khoản 2 Điều 25 Luật này.

Điều 27. Thông báo quyết định, lệnh huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

1. Quyết định, lệnh huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên phải thông báo đúng thời hạn, chính xác và bí mật. Việc thông báo được tiến hành đồng thời theo hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở và từ Bộ Quốc phòng đến cơ quan quân sự các cấp, các đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân.

2. Trách nhiệm thông báo quyết định, lệnh huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

a) Bộ Quốc phòng thông báo lệnh huy động đơn vị dự bị động viên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị cấp dưới trực tiếp và chỉ đạo việc thông báo lệnh huy động đến cơ quan quân sự địa phương, đơn vị cơ sở của Quân đội nhân dân.

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thông báo quyết định huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đến đơn bị cấp dưới trực tiếp và chỉ đạo việc thông báo quyết định huy động đến đơn vị cơ sở.

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo quyết định huy động lực lượng dự bị động viên của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đến Ủy ban nhân dân huyện và  cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cơ quan quân sự cấp tỉnh thông báo lệnh huy động đơn vị dự bị động viên của Chỉ huy trưởng quân sự cấp tỉnh và lệnh gọi sĩ quan dự bị nhập ngũ của cấp trên đến cơ quan quân sự cấp huyện.

d) Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo quyết định huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đến Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cơ quan quân sự cấp huyện thông báo quyết định huy động phương tiện kỹ thuật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, lệnh gọi sĩ quan dự bị nhập ngũ của cấp trên và thông báo lệnh gọi quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị nhập ngũ của Chỉ huy trưởng quân sự cấp huyện đến Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức có liên quan.

đ) Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có chuyển lệnh gọi nhập ngũ của cấp trên đến từng quân nhân dự bị, quyết định huy động phương tiện kỹ thuật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đến từng chủ phương tiện kỹ thuật.

e) Cơ quan quân sự địa phương và đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân có nhiệm vụ giao nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên phải thông báo cho nhau.

3. Thời hạn hoàn thành thông báo quyết định huy động và lệnh huy động lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên được xác định trong kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên ở từng cấp đã được phê duyệt.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc thông báo, chuyển quyết định, lệnh huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

Điều 28. Tập trung, vận chuyển, giao nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị

1. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc tập trung, vận chuyển, bàn giao quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị cho đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân; tổ chức tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị do đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân bàn giao lại sau khi thực hiện xong nhiệm vụ huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

2. Đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị được bổ sung; bàn giao lại cho ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức sau khi thực hiện xong nhiệm vụ huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

3. Địa điểm tập trung quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị do Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định; địa điểm tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị do đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân xác định.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc tập trung, vận chuyển, giao nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị.

 

Chương III

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH, KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO XÂY DỰNG, HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT  DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

 

Mục 1

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN DỰ BỊ, CHỦ PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT DỰ BỊ VÀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN HOẶC VẬN CHUYỂN PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT DỰ BỊ

 

Điều 29. Phụ cấp đối với quân nhân dự bị được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên

1. Quân nhân dự bị được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp.

2. Quân nhân dự bị được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ tiểu đội trưởng hoặc tương đương trở lên được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 30. Chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu

1. Chế độ tiền lương và phụ cấp

a) Quân nhân dự bị là cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, tổ chức nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe. Trường hợp mức lương, phụ cấp thấp hơn mức lương, phụ cấp áp dụng trong Quân đội nhân dân thì đơn vị quân đội bảo đảm phần chênh lệch.

b) Quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng quy định tại điểm a khoản này được đơn vị Quân đội nhân dân cấp: một khoản phụ cấp tương ứng với cấp bậc quân hàm, chức vụ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ hoặc bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.

2. Được cấp hoặc mượn quân trang, một số đồ dùng sinh hoạt và bảo đảm tiền ăn theo chế độ hiện hành đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

3. Quân nhân dự bị đang công tác ở các cơ quan, tổ chức trong trường hợp đang nghỉ phép năm mà được gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu thì những ngày phép còn lại được nghỉ tiếp sau khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu hoặc được nghỉ bù vào thời gian thích hợp.

4. Chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị ốm đau, bị tai nạn lao động hoặc bị chết

a) Quân nhân dự bị đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động mà bị ốm đau, bị tai nạn được xác định là tai nạn lao động hoặc bị chết thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động.

b) Quân nhân dự bị chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động mà bị ốm đau, bị tai nạn được xác định là tai nạn lao động hoặc bị chết thì được nhà nước bảo đảm.

5. Quân nhân dự bị khi thực hiện nhiệm vụ bị thương hoặc hy sinh được xét công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành.

6. Quân nhân dự bị khi thực hiện nhiệm vụ ở nơi có yếu tố độc hại, nguy hiểm được trang bị các phương tiện bảo hộ và được hưởng chế độ độc hại nguy hiểm như đối với người hoạt động cùng môi trường.

7. Chính phủ quy định chi tiết điểm b khoản 1, điểm b khoản 4, khoản 6 Điều này.

Điều 31. Chế độ trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu

Gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu do Chính phủ quy định.

Điều 32. Chế độ chính sách đối với chủ phương tiện, người điều khiển hoặc vận chuyển phương tiện kỹ thuật dự bị đi phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu

1. Chủ phương tiện có phương tiện kỹ thuật dự bị được điều động phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên được Nhà nước thanh toán chi phí:

a) Phần giá trị sinh lợi do phương tiện kỹ thuất làm ra trong thời gian phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu;

b) Sửa chữa trong trường hợp phương tiện kỹ thuật bị hư hỏng.

c) Bồi thường giá trị tài sản trong trường hợp phương tiện kỹ thuật bị mất, bị tiêu hủy.

2. Người điều khiển hoặc vận chuyển phương tiện kỹ thuật dự bị phục vụ  huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên được bảo đảm tiền ăn tương đương với chiến sỹ bộ binh.  

Người đang hưởng lương từ nhân sách nhà được cơ quan, tổ chức nơi làm việc trả nguyên lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe.  

Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được đơn vị Quân đội nhân dân bảo đảm chi trả tiền công lao động tính theo ngày làm việc, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe; trường hợp làm việc vào ban đêm, ngày nghỉ được hưởng chế độ làm đêm, làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Người điều khiển hoặc vận chuyển phương tiện kỹ thuật dự bị phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu bị ốm đau, bị tai nạn lao động hoặc bị chết được hưởng chế độ quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật này. Trường hợp bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng chế độ quy định tại  khoản 5 Điều 33 Luật này.

Nếu thực hiện nhiệm vụ tại nơi có yếu tố độc hại, nguy hiểm được trang bị các phương tiện bảo hộ và được hưởng chế độ độc hại nguy hiểm như đối với quân nhân dự bị quy định tại khoản 5 Điều 30 Luật này.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 

Mục 2

KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO XÂY DỰNG VÀ HUY ĐỘNG

LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

 

Điều 33. Nguồn kinh phí

1. Ngân sách nhà nước chi thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện dự bị động viên được bố trí trong dự toán chi hằng năm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 34. Nội dung chi cho xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện ký thuật dự bị động viên

1. Tổ chức, quản lý đơn vị dự bị động viên.

2. Đào tạo sỹ quan dự bị.

3. Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên.

4. Thực hiện chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị, gia đình quân nhân dự bị, chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người điều khiển hoặc vận chuyển phương tiện kỹ thuật dự bị phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên.

5. Huy động, tiếp nhân quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

6. Dự trữ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng dự bị động viên.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 

Chương IV

 NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRONG XÂY DỰNG VÀ HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

 

Điều 35. Nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan.

2. Nội dung quản lý nhà nước về xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên gồm:

a) Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật về xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên;

b) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự, phương tiện kỹ thuật bị động viên;

c) Quy định và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách về xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên;

d) Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên;

đ) Tuyên truyền, giáo dục, động viên Nhân dân tham gia xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên;

e) Sơ kết, tổng kết công tác xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

Điều 36. Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Quốc phòng

Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chủ trì phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên; kiểm tra việc xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

3. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị.

Điều 37. Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ, ngành trung ương

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng dự, phương tiện kỹ thuật bị động viên và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương thực hiện việc xây dựng và thực hiện kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị thuộc quyền xây dựng đơn vị chuyên môn dự bị bảo đảm đủ số lượng và chất l

Điều 38. Nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban nhân dân

 1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền trong việc xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên ở địa phương.

2. Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện công tác xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

3. Phối hợp với đơn vị Quân đội nhân dân thực hiện xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

Điều 39. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng và cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên theo quy định của pháp luật.

2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân, thành viên mặt trận về pháp luật về  dự bị động viên.

3. Giám sát cơ quan quản lý nhà nước thực hiện pháp luật về dự bị động viên.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 40. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

2. Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm 1996 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 41. Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (có cần không?)

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong trong Luật này./.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ.......thông qua ngày.......tháng.....năm 20....

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

 





Nguyễn Thị Kim Ngân

                       

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY