Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là phương án tiềm năng để những thương nhân nhỏ, lẻ mở rộng và kiếm lời nhiều hơn. Vậy hồ sơ, quy trình thực hiện thủ tục đang được quy định thế nào?
1. Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chuẩn hiện nay
Theo Khoản 2 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (Bản chính);
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế (Bản sao);
- Giấy tờ cần thiết để thành lập loại hình doanh nghiệp mà hộ kinh doanh lựa chọn, cụ thể:
- Hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần;
- Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên;
- Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu;
- Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu;
- Hồ sơ đăng ký thành lập công ty hợp danh;
- Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.
- Văn bản ủy quyền và bản sao một trong các loại giấy tờ chứng thực cá nhân (CCCD/CMND/Hộ chiếu) trong trường hợp người nộp hồ sơ không phải người đại diện theo pháp luật hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp.
*Lưu ý: Khi chuyển đổi thành công từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp thì cần lưu ý, điều kiện để chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệpchính là phải thực hiện hết nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh cá thể trước khi chuyển đổi loại hình.
2. Quy trình nộp hồ sơ và phí, lệ phí
2.1 Nộp hồ sơ
*Cơ quan giải quyết thủ tục: Phòng Đăng ký kinh doanh (Phòng ĐKKD) – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty dự kiến đặt trụ sở.
*Cách thức nộp:
Theo Khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, người làm thủ tục có thể lựa chọn nộp hồ sơ giấy trực tiếp hoặc gửi bưu điện tới cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở; nếu làm thủ tục online thì phải tiến hành qua Cổng dịch vụ công quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương yêu cầu công dân thực hiện 100% thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng thay vì nộp hồ sơ giấy (Ví dụ: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…), do vậy quý khách hàng cần tìm hiểu để có thông tin chính xác trước khi làm thủ tục.
*Quy trình xử lý hồ sơ:
- Bước 1. Nộp hồ sơ tại Phòng ĐKKD;
- Bước 2. Phòng ĐKKD tiếp nhận, xem xét và xử lý yêu cầu trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
- Bước 3. Trả kết quả
- Nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng ĐKKD cấp Giấy chứng nhận mới cho doanh nghiệp;
- Nếu hồ sơ còn sai/thiếu thì doanh nghiệp sẽ nhận được văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
2.2 Nộp phí, lệ phí
*Mức phí, lệ phí
Khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, cần chuẩn bị phí và lệ phí theo hướng dẫn tại Biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 47/2019/TT-BTC, cụ thể:
Tên phí, lệ phí | Mức phí, lệ phí | Ghi chú |
Lệ phí đăng ký thành lập | 50.000 đồng/lần | Miễn phí trong trường hợp làm thủ tục online hoặc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp nhỏ và vừa (Căn cứ: Khoản 3, 5 Điều 5 Thông tư 47/2019/TT-BTC) |
Phí công bố thành lập | 100.000 đồng/lần |
|
*Cách nộp phí, lệ phí
Sau khi hồ sơ hợp lệ, người thực hiện thủ tục có thể nộp phí, lệ phí cho cơ quan đăng ký kinh doanh qua hình thức trực tiếp tại Bộ phận một cửa của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc chuyển khoản tùy theo hướng dẫn của từng địa phương.
3. Kết quả sau khi chuyển đổi
- Về tư cách pháp lý: Sau khi công ty được thành lập, hộ kinh doanh bị chấm dứt tư cách hoạt động. Theo Khoản 3 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trong vòng 2 ngày làm làm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng ĐKKD gửi bản sao tài liệu này cùng bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Phòng Tài chính – Kế hoạch trực thuộc UBND quận/huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động.
- Về mã số thuế: Doanh nghiệp sau khi chuyển đổi thành công sẽ được cấp mã số thuế mới theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là hướng dẫn về thủ tục, quy trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp, xin mời quý khách hàng liên hệ với LuatVietnam để trao đổi thêm thông tin và hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.