Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Thành lập công đoàn trong doanh nghiệp tư nhân

Các doanh nghiệp có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam và có tư cách pháp nhân có quyền thành lập công đoàn cơ sở.

 

I. Quyền, trách nhiệm của công đoàn và đoàn viên công đoàn

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho những người lao động của doanh nghiệp, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Quyền và trách nhiệm của công đoàn

- Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

- Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội;

- Trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật;

- Tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị;

- Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

- Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động;

- Phát triển đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở;

Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu.

 

2. Quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn

- Quyền của đoàn viên công đoàn

+ Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.

+ Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.

+ Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.

+ Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.

+ Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.

+ Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.

+ Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

- Trách nhiệm của đoàn viên công đoàn

+ Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết của Công đoàn; tham gia các hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

+ Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

+ Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn.

 

II. Trình tự thành lập công đoàn

Bước 1: Tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở

Người lao động của doanh nghiệp có quyền yêu cầu công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì người lao động tự tập hợp, bầu trưởng ban vận động để tổ chức vận động thành lập công đoàn cơ sở.

Trường hợp có một người lao động là đoàn viên công đoàn thì đoàn viên công đoàn có quyền tập hợp người lao động và làm trưởng ban vận động, nếu số đoàn viên công đoàn nhiều hơn (dưới 5 đoàn viên) thì bầu trưởng ban vận động trong số đoàn viên công đoàn.

Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở chấm dứt nhiệm vụ sau khi bầu được ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Trường hợp thành lập công đoàn cơ sở ghép nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì mỗi đơn vị phải có ít nhất ba người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam và có ít nhất một đại diện trong ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

Xem thêm: Mẫu đơn xin gia nhập công đoàn.

 

Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở

Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

Nội dung hội nghị thành lập công đoàn cơ sở gồm:

- Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.

- Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

- Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.

- Bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở.

- Thông qua chương trình hoạt động của công đoàn cơ sở.

Việc bầu cử ban chấp hành công đoàn tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá một phần hai (1/2) so với số phiếu thu về.

Phiếu bầu cử tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Xem thêm: Mẫu phiếu bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở.

 

Bước 3: Nộp hồ sơ đề nghị công nhận công đoàn

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi kết thúc Hội nghị thành lập công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn có trách nhiệm lập và nộp hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ra quyết định công nhận đoàn viên và Công đoàn tại doanh nghiệp.


Bước 4: Chờ xét duyệt hồ sơ

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, công đoàn cấp trên trực tiếp sẽ tiến hành quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên và Công đoàn tại doanh nghiệp. Các tiêu chí để xét duyệt, thẩm định bao gồm:

- Thẩm định quá trình tổ chức ban vận động, tập hợp người lao động, đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; quá trình tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở và bầu ban chấp hành theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đảm bảo tính đại diện đối với tập thể người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

- Trường hợp đủ điều kiện công nhận thì ra các quyết định công nhận, bao gồm:

+ Quyết định công nhận đoàn viên, theo danh sách đoàn viên.

+ Quyết định công nhận công đoàn cơ sở.

+ Quyết định công nhận ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành. Thời gian hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở do hội nghị thành lập công đoàn cơ sở bầu ra không quá 12 tháng.

- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thông báo không công nhận đoàn viên hoặc công đoàn cơ sở, ban chấp hành công đoàn cơ sở. Đồng thời cử cán bộ công đoàn trực tiếp tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn; quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chỉ định ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Xem thêm: Mẫu văn bản đề nghị thành lập công đoàn cơ sở.

 

III. Thành phần hồ sơ

1.  Công văn đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn;

2. Danh sách đoàn viên gia nhập công đoàn trong doanh nghiệp tư nhân;

3. Đơn xin gia nhập công đoàn trong doanh nghiệp tư nhân;

4.  Biên bản hội nghị thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân;

5. Biên bản kiểm phiếu bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân, kèm theo lý lịch trích ngang của các thành viên Ban chấp hành.

Lưu ý:

- Trình tự thành lập công đoàn ở mỗi địa phương có thể sẽ có sự khác nhau (trong hồ sơ phải nộp); vậy nên, doanh nghiệp và người lao động rất cần phải liên hệ với Công đoàn cấp trên trực tiếp của mình để được hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập Công đoàn.

- "Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở" bao gồm:

+ Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Liên đoàn Lao động cấp huyện) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở;

+ Hoặc, Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (gọi chung là Công đoàn các khu công nghiệp) nếu doanh nghiệp thuộc các khu vực này.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

hoạt động cùng chuyên mục

Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi