I. Đối tượng tham gia
Những đối tượng sau đây phải tham gia công tác huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy:
- Người có chức danh chỉ huy chữa cháy là người đứng đầu doanh nghiệp, người đứng đầu cơ sở hoặc đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
- Đội viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
- Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;
- Người chỉ huy tàu thủy, tàu hỏa, tàu bay, người làm việc và phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên, trên phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;
- Người làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
- Các cá nhân khác có yêu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy (Ảnh minh họa)
II. Trách nhiệm huấn luyện, bồi dưỡng
Trách nhiệm tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thuộc về những người sau đây:
- Người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của mình.
- Trường hợp cơ sở không tự tổ chức được lớp huấn luyện hoặc cá nhân có nhu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì phải có Đơn đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức lớp huấn luyện phòng cháy và chữa cháy.
III. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng
- Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu là từ 16 đến 24 giờ.
- Thời gian huấn luyện lại để được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy sau khi giấy này hết thời hạn sử dụng: tối thiểu là 16 giờ.
Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do: Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh cấp và có thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, doanh nghiệp phải huấn luyện lại để được cấp giấy chứng nhận mới.
IV. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng
Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy phải bao gồm những nội dung sau đây:
- Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng.
- Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy.
- Biện pháp phòng cháy.
- Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy.
- Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
- Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
V. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
1. Xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Thành phần hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở tự tổ chức lớp huấn luyện bao gồm:
- Đơn đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện;
- Kế hoạch, chương trình nội dung huấn luyện;
- Danh sách trích ngang lý lịch của người đã dự lớp huấn luyện.
Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Đối với cơ sở không tự tổ chức lớp huấn luyện thì phải lập và gửi cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy một bộ hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị tổ chức huấn luyện;
- Danh sách trích ngang lý lịch của người đăng ký dự lớp huấn luyện.
2. Thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
- Thủ tục xin cấp mới
Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì sẽ được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
- Thủ tục xin đổi, cấp lại
Trường hợp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị rách, cũ nát hoặc bị mất, hết thời hạn sử dụng thì doanh nghiệp gửi Đơn đề nghị xin đổi, cấp lại Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Thời gian cấp, đổi, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu hoặc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xin đổi, cấp lại.