Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Nguyên tắc khai hải quan trong công ty TNHH một thành viên

I. Tuân thủ hình thức

1. Xác định hàng hóa ưu đãi

Nguyên tắc khai hải quan đầu tiên mà doanh nghiệp cần phải tuân thủ đó là xác định rõ hàng hóa của mình có thuộc đối tượng không chịu thuế / miễn thuế / giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sau đây gọi chung là “Thuế”) theo các quy định pháp luật về Thuế, chứ không dựa trên Bảng mã miễn / giảm / không chịu Thuế của Hệ thống VNACCS để xác định.

Chỉ sau khi đã xác định được hàng hóa thuộc đối tượng không chịu Thuế / miễn Thuế / giảm Thuế thì doanh nghiệp mới áp dụng và nhập mã theo Bảng mã miễn / giảm / không chịu Thuế vào các chỉ tiêu liên quan trên Tờ khai.

Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng Đăng ký Danh mục hàng hoá nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu thì doanh nghiệp phải nhập đủ cả mã miễn Thuế, số danh mục miễn thuế nhập khẩu, số thứ tự dòng hàng trong danh mục miễn thuế nhập khẩu đã đăng ký trên Hệ thống VNACCS.

Nếu đã đăng ký danh mục miễn thuế nhập khẩu bằng hồ sơ giấy thì doanh nghiệp nhập mã miễn Thuế và số danh mục miễn thuế nhập khẩu vào phần Ghi chú.

 

2. Phân loại tờ khai

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo các loại hình khác nhau thì phải khai trên các Tờ khai khác nhau tương ứng với từng loại hình.

 

3. Khai đầy đủ, chính xác thông tin

Khai đầy đủ, chính xác thông tin vào các chỉ tiêu nhập thông tin trong Tờ khai hải quan điện tử (sau đây gọi tắt là “Tờ khai”) theo hướng dẫn tại Mẫu số 01 (đối với hàng hóa nhập khẩu); và, Mẫu số 02 (đối với hàng hóa xuất khẩu) thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Nhập thông tin về các chứng từ thuộc Hồ sơ hải quan tương ứng với nghiệp vụ xuất khẩu, nhập khẩu đang thực hiện theo hướng dẫn tại Mẫu số 03 thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công, để sản xuất xuất khẩu; và, xuất khẩu sản phẩm gia công, sản phẩm xuất khẩu, thì doanh nghiệp phải khai mã sản phẩm xuất khẩu; mã nguyên liệu, vật tư nhập khẩu phù hợp với thực tế quản trị, sản xuất của doanh nghiệp tại chỉ tiêu Mô tả hàng hóa trong Tờ khai.

Doanh nghiệp phải xem kỹ hướng dẫn khai báo các chỉ tiêu tại các Mẫu nêu trên và sử dụng các Bảng mã chuẩn của Hệ thống VNACCS do Tổng cục Hải quan công bố để đảm bảo việc khai báo được chuẩn xác nhất.

Nguyên tắc khai hải quan trong công ty TNHH một thành viên

Nguyên tắc khai hải quan (Ảnh minh họa)
 

4. Gửi kèm chứng từ

Tất cả những chứng từ thuộc Hồ sơ hải quan của lô hàng hóa đang làm thủ tục khai báo hải quan đều phải được gửi kèm theo Tờ khai thông qua hệ thống VNACSS đến cơ quan hải quan.

Các chứng từ tồn tại dưới dạng tập tin điện tử phải được doanh nghiệp ký số. Các chứng từ giấy phải được scan để tạo thành tập tin điện tử và doanh nghiệp cũng phải ký số vào các tập tin đó.

 

II. Tuân thủ nội dung

5. Cách điền tờ khai

Một nguyên tắc khai hải quan cần phải tuân thủ triệt để đó là mỗi tờ khai chỉ được khai báo cho lô hàng có một hóa đơn. Doanh nghiệp có quyền khai cho lô hàng có nhiều hóa đơn trên cùng một Tờ khai nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Hàng hóa nhập khẩu có nhiều hợp đồng hoặc đơn hàng, có một hoặc nhiều hóa đơn của một người bán hàng, cùng điều kiện giao hàng, cùng phương thức thanh toán, giao hàng một lần, có một vận đơn.

- Hàng hóa xuất khẩu có nhiều hợp đồng hoặc đơn hàng, cùng điều kiện giao hàng, cùng phương thức thanh toán, cùng bán cho một khách hàng và giao hàng một lần.

Tuy nhiên, khi khai trên cùng một Tờ khai như vậy, doanh nghiệp phải lập Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Mẫu số 02/BKHĐ/GSQL thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC) và gửi kèm Tờ khai đó.

 

6. Nguyên tắc khai gộp

Nguyên tắc khai hải quan về khai gộp có nghĩa là mỗi một Tờ khai được khai cho tối đa 50 mặt hàng, nếu quá 50 mặt hàng thì doanh nghiệp khai trên nhiều Tờ khai. Trường hợp một lô hàng có nhiều mặt hàng thuộc các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu để sản xuất, chế xuất, sản xuất xuất khẩu, gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài thì doanh nghiệp được khai gộp các mặt hàng có cùng mã số hàng hóa, cùng xuất xứ, cùng thuế suất.

Khi khai gộp mã HS trên Tờ khai, trị giá hóa đơn, trị giá tính thuế, số lượng của dòng hàng gộp mã HS là tổng trị giá hóa đơn, trị giá tính thuế, số lượng các dòng hàng đã gộp; không khai đơn giá hóa đơn của dòng hàng gộp mã HS.

 

7. Cách khai thông tin container

Khi đăng ký Tờ khai xuất khẩu, doanh nghiệp phải khai đầy đủ số hiệu container trên Tờ khai đối với hàng hóa xuất khẩu vận chuyển bằng container và số quản lý hàng hóa xuất khẩu.

Trường hợp hàng hóa thuộc nhiều Tờ khai của cùng một chủ hàng đóng chung container hoặc chung phương tiện chứa hàng, thì doanh nghiệp phải thông báo thông tin hàng hóa đóng chung container, chung phương tiện chứa hàng theo các chỉ tiêu được hướng dẫn tại Mẫu số 15 thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC thông qua Hệ thống VNACCS, trước khi thực hiện các thủ tục đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan.

 

8. Cách ghi tổng số tiền thuế

Trường hợp một mặt hàng có số tiền thuế vượt số ký tự của ô số tiền thuế trên Tờ khai thì doanh nghiệp được tách thành nhiều dòng hàng để khai; trường hợp không thể tách được thành nhiều dòng hàng thì thực hiện khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy.

Trường hợp tổng số tiền thuế của Tờ khai vượt số ký tự của ô tổng số tiền thuế trên Tờ khai thì doanh nghiệp được tách thành nhiều Tờ khai khác nhau.

 

9. Cách ghi số lượng hàng hóa

Nguyên tắc khai hải quan về ghi số lượng hàng hóa được trình bày như sau: Trường hợp số lượng thực tế của hàng hóa có số ký tự vượt quá 02 số sau dấu thập phân; trị giá hóa đơn có số ký tự vượt quá 04 số sau dấu thập phân; đơn giá hóa đơn có số ký tự vượt quá 06 số sau dấu thập phân, doanh nghiệp thực hiện làm tròn số theo quy định để thực hiện khai báo. Số lượng, trị giá hóa đơn và đơn giá hóa đơn thực tế khai báo tại tiêu chí “Mô tả hàng hóa”.

 

10. Tham chiếu

Khi đã tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc khai hải quan trân đây, doanh nghiệp có thể sử dụng kết quả giám định, phân tích của các tổ chức có chức năng theo quy định của pháp luật để khai các nội dung có liên quan đến tên hàng, mã số, chất lượng, chủng loại, số lượng và các thông tin khác liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Doanh nghiệp được sử dụng kết quả phân tích, phân loại của lô hàng đã được thông quan trước đó để khai tên hàng, mã số cho các lô hàng tiếp theo có cùng tên hàng, thành phần, tính chất lý hóa, tính năng, công dụng, nhập khẩu từ cùng một nhà sản xuất trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có kết quả phân tích, phân loại; trừ trường hợp quy định của pháp luật làm căn cứ ban hành thông báo kết quả phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

 

III. Xử lý sự cố

11. Lựa chọn phương thức khai

Trường hợp hệ thống khai hải quan điện tử của doanh nghiệp không thực hiện được thủ tục hải quan điện tử, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục hải quan theo Mẫu số 41/TB-HTSC/GSQL thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC; và, lựa chọn phương thức khai hải quan thông qua đại lý hải quan hoặc tại trụ sở cơ quan hải quan. Căn cứ vào phương thức khai hải quan do doanh nghiệp đăng ký tại Mẫu số 41/TB-HTSC/GSQL, Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan.

Trên đây là những nguyên tắc khai hải quan mà doanh nghiệp cần phải tuân thủ tuyệt đối trong quá trình thực hiện thủ tục khai báo hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. 

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

hoạt động cùng chuyên mục

Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi