Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Xây dựng và thông báo thỏa ước lao động tập thể trong công ty TNHH hai thành viên trở lên

Thỏa ước lao động tập thể là gì? Cách xây dựng và thời hạn của thỏa ước là bao lâu? Trình tự, thủ tục và thành phần hồ sơ thông báo thỏa ước lao động tập thể được quy định như thế nào?              

 

I. Thỏa ước lao động tập thể là gì?           

Thỏa ước lao động tập thể (Thỏa ước) là văn bản thoả thuận giữa tập thể người lao động và doanh nghiệp về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, bao gồm:

- Việc làm, bảo đảm việc làm cho người lao động;

- Tiền lương, thưởng và các khoản phụ cấp khác được trả cho người lao động;

- Thời gian làm việc;

- Bảo hiểm;

- Điều kiện lao động;

- Chế độ khen thưởng và kỷ luật…

Thỏa ước lao động tập thể chính là cơ sở pháp lý để hình thành các mối quan hệ lao động mang tính tập thể, tạo nên trách nhiệm của cả 2 bên đối với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh.

Thỏa ước lao động tập thể còn giúp tạo điều kiện cho người lao động, bằng sự thương lượng và mặc cả thông qua sức mạnh của cả tập thể đối với người sử dụng lao động.

Thỏa ước lao động tập thể nếu được khi được ký kết đúng đắn, bình đẳng, tự do thương lượng, hợp tác sẽ là nguồn quy phạm thích hợp tại chỗ bổ sung cho nội quy của doanh nghiệp.

 

II. Ký kết thỏa ước lao động tập thể

1. Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với doanh nghiệp hoặc đại diện doanh nghiệp nhưng phải có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

- Bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; 

- Bên doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp. 

Trường hợp người ký kết thỏa ước lao động tập thể nói trên không trực tiếp ký kết thỏa ước lao động tập thể thì ủy quyền hợp pháp bằng văn bản cho người khác ký kết thỏa ước lao động tập thể. Người được ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền cho người khác ký kết thỏa ước lao động tập thể.

2. Thỏa ước chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được.

Khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, doanh nghiệp phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.

Ngày có hiệu lực của thoả ước lao động tập thể được ghi trong thoả ước. Trường hợp thoả ước lao động tập thể không ghi ngày có hiệu lực thì có hiệu lực kể từ ngày các bên ký kết.

3. Thoả ước lao động tập thể phải làm thành 05 bản, trong đó:

+ Mỗi bên ký kết giữ 01 bản;

+ 01 bản dùng để thực hiện thủ tục thông báo nêu trên;

+ 01 bản gửi Công đoàn cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp: Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở; hoặc, Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp) nếu doanh nghiệp thuộc các khu vực này.

+ 01 bản gửi Tổ chức đại diện người sử dụng lao động mà doanh nghiệp là thành viên: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); hoặc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.

 

III. Thông báo thỏa ước lao động tập thể

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, doanh nghiệp phải gửi một bản thỏa ước lao động tập thể đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, bao gồm các giấy tờ sau:

1. Văn bản thông báo nội dung thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp;

2. Quyết định ban hành thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp;

3. Biên bản lấy ý kiến của tổ chức đại diện người lao động về thỏa ước lao động tập thể;

4. Mẫu thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp;

5. Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục nếu không phải là người đại diện theo pháp luật thực hiện công việc.

Lưu ý: Theo quy định của pháp luật thì cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận Thỏa ước là cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), nhưng do một số điều kiện, tình hình ở địa phương mà Phòng Lao động - Thương binh và xã Xội mới chính là nơi tiếp nhận. Vậy nên, doanh nghiệp cần liên hệ trước để được hướng dẫn cụ thể.

 

IV. Thời hạn của thỏa ước

Thỏa ước có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết thoả ước, thì có thể ký kết với thời hạn dưới 01 năm. Tuy nhiên, các bên vẫn có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung Thoả ước trong thời hạn sau đây:

- Sau 03 tháng thực hiện đối với Thoả ước có thời hạn dưới 01 năm;

- Sau 06 tháng thực hiện đối với Thoả ước có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.

Trong thời hạn 03 tháng trước ngày Thoả ước hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn hoặc ký kết Thoả ước mới. Sau khi hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì Thoả ước cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời gian không quá 60 ngày.

Ngoài ra, trong trường hợp quy định của pháp luật thay đổi mà dẫn đến Thỏa ước không còn phù hợp với quy định của pháp luật; thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Thỏa ước trong vòng 15 ngày, kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực. Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Thỏa ước thì quyền lợi của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

hoạt động cùng chuyên mục

Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi Tổng đài Tư vấn Pháp luật