Việc truy thu bảo hiểm xã hội (BHXH) không phải là hiếm gặp. Cùng tham khảo bài viết dưới đây về truy thu BHXH trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Truy thu BHXH là gì?
Truy thu BHXH là việc cơ quan BHXH thu khoản tiền phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) của trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (theo điểm 2.4 khoản 2 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017).
Như vậy, có thể hiểu đơn giản truy thu BHXH là việc cơ quan BHXH thu khoản tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN mà đáng lẽ tổ chức, cá nhân phải đóng trước đó nhưng không đóng.
2. Các trường hợp truy thu BHXH
Căn cứ theo Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 có các trường hợp truy thu BHXH đối với doanh nghiệp như sau:
- Truy thu do trốn đóng: Doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
- Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động.
- Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
3. Số tiền truy thu BHXH
Theo khoản 4 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020, số tiền truy thu BHXH bằng tổng số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN và tiền lãi.
Do đó, bên cạnh khoản tiền bảo hiểm bị truy thu (do không đóng/không đóng đủ) thì doanh nghiệp còn phải nộp thêm tiền lãi truy thu đối với các trường hợp trên.
Lãi suất truy thu được tính bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề của năm tính truy thu.
Riêng đối với trường hợp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thì phải áp dụng mức lãi suất như sau:
- Thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;
- Thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm tại thời điểm phát hiện trốn đóng.
4. Giấy tờ cần chuẩn bị để nộp truy thu BHXH
Doanh nghiệp thuộc đối tượng bị truy thu BHXH, BHYT, BHTN phải nộp cho cơ quan BHXH quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở các giấy tờ sau theo quy định tại Phụ lục 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017:
- Đối với lao động theo Hợp đồng lao động: HĐLĐ từ 03 tháng trở lên (Hợp đồng lao động xác định thời hạn, Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động theo mùa vụ) ;
Đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương, tiền công: Hợp đồng lao động (Hợp đồng lao động xác định thời hạn, Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động theo mùa vụ), Bảng lương đăng ký, Bảng thanh toán tiền lương;
- Bảng thanh toán tiền lương (hoặc bảng kê tiền lương, tiền công nếu trả qua ATM) tương ứng thời gian truy thu;
- Loại khác: Văn bản giải trình, thuyết minh ….., hoặc giấy tờ liên quan đến việc khoán sản phẩm, khoán công việc, ….. (nếu có);
- Trường hợp đơn vị đề nghị truy thu cộng nối thời gian dưới 6 tháng: Biên bản làm việc về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động hoặc kết luận kiểm tra.
Trường hợp đơn vị đề nghị truy thu cộng nối thời gian từ 06 tháng trở lên, cơ quan BHXH hoặc cơ quan thanh tra sẽ ra Kết luận thanh tra hoặc cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Trong vòng 10 ngày, cơ quan BHXH sẽ giải quyết truy thu đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
Trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì thời gian giải quyết không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Xem thêm:
- Mẫu hợp đồng lao động xác định thời hạn trong công ty TNHH hai thành viên;
- Mẫu hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Mẫu hợp đồng lao động thời vụ trong công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Biên bản làm việc về việc đóng bảo hiểm trong công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Bảng thanh toán tiền lương trong công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Mẫu hệ thống thang lương, bảng lương trong công ty TNHH hai thành viên trở lên.