Doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động và trích nộp tiền bảo hiểm để đóng cho cơ quan bảo hiểm. Cụ thể, việc trích nộp tiền bảo hiểm trong Công ty TNHH 2 thành viên được thực hiện như nào?
1. Trích nộp tiền bảo hiểm xã hội (BHXH)
Theo khoản 1 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH, hằng tháng (chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng), người sử dụng lao động có trách nhiệm trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Riêng các Công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức hằng tháng hoặc 03 tháng, 06 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, doanh nghiệp phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH (khoản 2 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 505/QĐ-BHXH).
Doanh nghiệp đặt trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh.
Chi nhánh của doanh nghiệp sẽ đóng tại cơ quan bảo hiểm nơi chi nhánh hoạt động hoặc đóng tại Công ty mẹ (điểm 3.2 khoản 3 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 888/QĐ-BHXH).
2. Trích nộp tiền bảo hiểm y tế (BHYT)
Theo khoản 1 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH, đối chiếu với quy định tại Điều 7 Quyết định này:
Đối với các Công ty TNHH 2 thành viên trở lên thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không trả lương theo tháng thì định kỳ 03 tháng hoặc 06 tháng một lần thì người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT. Thời hạn đóng chậm nhất trong trường hợp này là đến ngày cuối cùng của 03 tháng hoặc 06 tháng.
3. Trích nộp tiền bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)
Theo Điều 3, Điều 4 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, việc trích nộp tiền bảo hiểm thất nghiệp trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được thực hiện như sau:
- Trường hợp người lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng trước ngày 01/01/2015 và đang thực hiện hợp đồng lao động này thì người sử dụng lao động phải tham gia BHTN cho những người lao động này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng trở lên.
- Người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định mà mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHTN theo mức tiền lương bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2015 trở đi.
- Hằng tháng (chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng), người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định và trích tiền lương của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHTN của cơ quan bảo hiểm cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở (chi nhánh của doanh nghiệp sẽ đóng tại cơ quan bảo hiểm nơi chi nhánh hoạt động).
Lưu ý
- Doanh nghiệp có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chưa đóng;
- Trường hợp doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng;
- Hằng năm, cán bộ chuyên quản thu, cấp sổ - thẻ sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra hồ sơ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT tại đơn vị sử dụng lao động ít nhất đạt 50% số đơn vị trên địa bàn;
- Trường hợp phát hiện đơn vị có dấu hiệu hoặc cố tình vi phạm như trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; đóng không đúng tiền lương của người lao động, thu tiền của người lao động nhưng không đóng, đóng không kịp thời, đóng không đủ số tiền phải đóng; khai man, giả mạo hồ sơ thì báo đề xuất với lãnh đạo Phòng để tổ chức thanh tra chuyên ngành và xử lý theo quy định của pháp luật.