Chỉ dẫn địa lý là gì? Điều kiện đăng ký bảo hộ? Những đối tượng nào được bảo hộ? Quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ được quy định như thế nào? Chủ đơn đăng ký cần đặc biệt lưu ý những nội dung gì trong quá trình đăng ký bảo hộ?
I. Chỉ dẫn địa lý là gì?
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Nói cách khác, chỉ dẫn địa lý chính là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa như từ ngữ, dấu hiệu, hình ảnh để chỉ một quốc gia, một vùng lành thổ, một địa phương mà hàng hóa được sản xuất ra từ đó. Ví dụ: Nước mắm Phú Quốc; Cà phê nhân Buôn Ma Thuột...
Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.
Nếu chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hoá thì việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tên gọi xuất xứ hàng hoá.
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về nhà nước. Và chỉ có nhà nước mới là chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý. Cho nên, Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng và Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng không được chuyển giao.
II. Điều kiện bảo hộ
Chỉ dẫn địa lý muốn được bảo hộ thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Như vậy, để có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, thì cần phải tồn tại một địa danh và tại địa danh này một loại sản phẩm nào đó được sản xuất ra mà danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của sản phẩm được quyết định bởi những điều kiện địa lý của địa danh đó. Ví dụ: Bưởi Đoan Hùng; Vải thiều Thanh Hà; Gạo Tám Xoan; Chè san tuyết Mộc Châu … là một số chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của nước ta.
LƯU Ý: Đối tượng không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:
1. Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam như Whisky, Vodka (sản phẩm rượu) đều là địa danh của nước Anh và Nga nhưng đã nổi tiếng đến mức nhầm lẫn thành nhãn hiệu hàng hóa, mất khả năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý và không được coi là chỉ dẫn địa lý nữa.
2. Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;
4. Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
III. Ủy quyền đăng ký bảo hộ
1. Ủy quyền
Chủ đơn có thể tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn đại lý tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đại diện hợp pháp ở đây có thể là:
- Đối với tổ chức Việt Nam, tổ chức nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam:
+ Trường hợp chủ đơn là cá nhân: người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của chủ đơn, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo uỷ quyền của chủ đơn;
+ Trường hợp chủ đơn là tổ chức: người đại diện theo pháp luật của chủ đơn hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của chủ đơn uỷ quyền; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo uỷ quyền của chủ đơn); người đứng đầu văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam (nếu chủ đơn là tổ chức nước ngoài).
- Đối với tổ chức nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam: thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo ủy quyền của chủ đơn).
2. Tái uỷ quyền
Tái uỷ quyền là việc người nhận quyền uỷ quyền lại cho người thứ ba - bên nhận tái uỷ quyền; Việc tái uỷ quyền làm phát sinh quan hệ uỷ quyền thứ cấp giữa bên nhận uỷ quyền với bên nhận tái uỷ quyền, song song tồn tại với quan hệ uỷ quyền giữa chủ đơn với bên nhận uỷ quyền; Có thể tồn tại quan hệ uỷ quyền đa cấp nếu người nhận tái uỷ quyền tiếp tục tái uỷ quyền cho người khác.
Việc tái uỷ quyền có thể được thực hiện nhiều lần, với điều kiện người nhận uỷ quyền và người nhận tái uỷ quyền phải là tổ chức, cá nhân được phép đại diện nêu trên. Việc uỷ quyền cho các chủ thể không được phép đại diện bị coi là vô hiệu, kể cả trường hợp sau đó người được uỷ quyền tái uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân được phép đại diện.
3. Nội dung giấy ủy quyền
Việc uỷ quyền/tái ủy quyền phải được thể hiện thành văn bản (giấy uỷ quyền) và có nội dung chủ yếu sau:
+ Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;
+ Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên nhận thay thế uỷ quyền hoặc bên nhận tái uỷ quyền (nếu có);
+ Phạm vi uỷ quyền, khối lượng công việc được uỷ quyền;
+ Thời hạn uỷ quyền (giấy uỷ quyền không có thời hạn chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền);
+ Ngày ký giấy uỷ quyền;
+ Chữ ký (ghi rõ họ tên, chức vụ và con dấu, nếu có) của người đại diện hợp pháp của bên uỷ quyền (và của bên nhận thay thế uỷ quyền, bên nhận tái uỷ quyền, nếu có).
LƯU Ý: Giấy uỷ quyền được lập muộn hơn ngày nộp đơn vẫn được coi là hợp lệ, không ảnh hưởng tới ngày nộp đơn, với điều kiện phải được nộp bổ sung trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn; riêng đối với đơn khiếu nại thời hạn nêu trên là 10 ngày.
IV. Hướng dẫn đăng ký
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Cho nên, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được nhà nước cho phép mới có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý và doanh nghiệp này không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
Ngoài ra, Cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định pháp luật của nước xuất xứ cũng có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.
Doanh nghiệp có thể tự mình hoặc ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý. Việc nộp hồ sơ này có thể được nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 02 Văn phòng đại diện của Cục tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
1. Thành phần hồ sơ
Để đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, doanh nghiệp phải nộp tối thiểu các tài liệu sau đây:
- Tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý;
- Bản mô tả tính chất/chất lượng/danh tiếng của sản phẩm;
- Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Ngoài các tài liệu trên, thì trong một vài trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung các tài liệu khác như sau:
- Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ ở nước xuất xứ và Bản dịch tiếng Việt; (đối với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài);
- Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục (nếu nộp đơn thông qua đại diện).
2. Quy trình đăng ký
Để thực hiện đăng kí bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy trình được thực hiện qua 6 bước:
Bước 1: Tiếp nhận đơn.
Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội có địa chỉ tại 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Cục sở hữu trí tuệ còn có 02 văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn.
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
Nếu đơn còn có các thiếu sót sau đây, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho doanh nghiệp và trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo, doanh nghiệp phải sửa chữa thiếu sót đó:
- Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức quy định tại điểm 7.2 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (không đủ số lượng bản của một trong số các loại tài liệu bắt buộc phải có; đơn không thoả mãn tính thống nhất; đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức trình bày; thông tin về người nộp đơn tại các tài liệu không thống nhất với nhau hoặc bị tẩy xoá hoặc không được xác nhận theo đúng quy định...);
- Chưa nộp đủ lệ phí nộp đơn và lệ phí công bố đơn;
- Không có giấy uỷ quyền hoặc giấy uỷ quyền không hợp lệ (nếu đơn nộp thông qua đại diện).
Bước 3: Ra thông báo chấp nhận/từ chối chấp nhận đơn:
+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn.
Bước 4: Công bố đơn.
Đơn được coi là hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong vòng 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.
Bước 5: Thẩm định nội dung đơn.
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ. Thời hạn thẩm định nôi dung là 06 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Bước 6: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
- Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
- Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.