Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH hai thành viên trở lên

Trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Ai là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên?

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty TNHH có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Đồng thời, khoản 1, khoản 3 Điều 54 Luật này cũng quy định, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có:

  • Hội đồng thành viên;
  • Chủ tịch Hội đồng thành viên;
  • Giám đốc/Tổng giám đốc.

Công ty phải có ít nhất 01 người đại diện theo pháp luật và là người giữ một trong các chức danh: Chủ tịch Hội đồng thành viên/Giám đốc/Tổng giám đốc. Nếu Điều lệ không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Như vậy, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên có thể là:

  • Chủ tịch Hội đồng thành viên
  • Giám đốc/Tổng giám đốc

Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Và nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ phải quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật.

Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Lưu ý:

- Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.

- Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

thay doi nguoi dai dien theo phap luat cong ty tnhh 2 thanh vien
Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật Công ty TNH 2 thành viên trở lên (Ảnh minh họa)
 

Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH 2 thành viên

Trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được tiến hành như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên bao gồm:

1. Thông báo về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Lưu ý, người ký thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật là một trong các cá nhân sau đây:

- Chủ tịch Hội đồng thành viên, nếu Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật thì người ký thông báo là Chủ tịch Hội đồng thành viên mới được Hội đồng thành viên bầu;

- Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt hoặc không thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thì người ký thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật là người được Chủ tịch Hội đồng thành viên, ủy quyền.

Trường hợp không có thành viên được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì người ký thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật là người được bầu tạm thời làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

2. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người bổ sung, thay thế làm đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

3. Bản sao hợp lệ Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

4. Quyết định của Hội đồng thành viên về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

5. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp phải nộp kèm theo:

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế;

Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp.

6. Trường hợp không phải Chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp văn bản ủy quyền kèm theo bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ pháp lý của cá nhân:

- Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong ba phương thức:

- Nộp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT (Phòng ĐKKD) tỉnh/ thành phố nơi đặt trụ sở chính;

- Nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính;

- Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn);  và nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận giấy biên nhận giải quyết hồ sơ.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh hoàn tất kết quả giải quyết và trả kết quả nếu hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người nộp hồ sơ.

Bước 4: Nhận kết quả

Doanh nghiệp có thể nhận kết quả giải quyết hồ sơ thông qua một trong hai phương thức sau:

(1) Nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa phòng ĐKKD

Người nhận kết quả phải mang các giấy tờ sau:

- Giấy biên nhận giải quyết hồ sơ.

- Trường hợp không phải Chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nhận kết quả thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân sau đây:

+ Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

+ Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực kèm theo văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.

(2) Nhận kết quả giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ bưu chính

Hiện nay, gần như đa số các cơ quan đăng ký kinh doanh đều hỗ trợ việc nộp và trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính. Doanh nghiệp cần lên trang Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở để điền thông tin đăng ký nhận chuyển phát.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

hoạt động cùng chuyên mục

Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi