Khi nào cần đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi? Điều kiện thực hiện thủ tục này là gì? Thành phần hồ sơ và quy trình thẩm định được quy định như thế nào?
I. Khi nào cần đăng ký chuyển đổi?
Trường hợp đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Việt Nam của chủ sở hữu nhãn hiệu là người thuộc nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid bị mất hiệu lực theo quy định tại Điều 9quinquies của Nghị định thư Madrid, người đó có quyền nộp đơn đăng ký chuyển đổi cho Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký bảo hộ cho chính nhãn hiệu đó đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ đã được ghi nhận trong đăng ký quốc tế nhãn hiệu bị mất hiệu lực.
Người nộp đơn phải nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia (trừ đơn đăng ký chuyển đổi từ đăng ký quốc tế đã được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam).
Đơn đăng ký chuyển đổi được chấp nhận hợp lệ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Đơn được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đăng ký quốc tế tương ứng bị mất hiệu lực;
- Hàng hóa, dịch vụ mô tả trong đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi thuộc phạm vi danh mục hàng hóa, dịch vụ ghi trong đăng ký quốc tế tương ứng;
- Đơn được làm theo Mẫu 07-ĐKCĐ quy định tại Phụ lục C của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN (trong đó danh mục hàng hóa, dịch vụ bằng tiếng Việt phải đúng với danh mục hàng hóa, dịch vụ trong đăng ký quốc tế tương ứng);
- Đơn đáp ứng tất cả các yêu cầu khác về hình thức đối với đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Người nộp đơn nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định
II. Thành phần hồ sơ
1. Tờ khai đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi.
2. Mẫu nhãn hiệu.
3. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)
4. Bản sao Đăng ký quốc tế nhãn hiệu đã bị mất hiệu lực tại nước xuất xứ.
5. Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.
6. Các tài liệu khác (liệt kê cụ thể từng tài liệu, nếu có).
Đơn đăng ký chuyển đổi được ghi nhận ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng (nếu đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu được hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế), trừ trường hợp có căn cứ để bác bỏ.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam có địa chỉ tại 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Cục sở hữu trí tuệ còn có 02 văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
III. Thẩm định hình thức đơn
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định hình thức đơn đăng ký theo quy định về điều kiện chuyển đổi nêu tại mục I trên đây.
Đối với những yếu tố về hình thức đã được Văn phòng quốc tế chấp nhận trong đăng ký quốc tế tương ứng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không thẩm định lại, trừ trường hợp đơn có thiếu sót (ví dụ thiếu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, thiếu ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh nhãn hiệu ba chiều…).
Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn trong trường hợp đơn không đáp ứng các điều kiện quy định nêu tại mục I trên đây.
Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi từ đăng ký quốc tế đã được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ không tiến hành thẩm định lại nội dung.
Trường hợp đơn đáp ứng các điều kiện chuyển đổi (nêu trên) thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, công bố quyết định trên Công báo sở hữu công nghiệp;
Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi thuộc các trường hợp còn lại, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục chấp nhận đơn hợp lệ, công bố đơn, thẩm định nội dung và các thủ tục tiếp theo như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia.