Là một trong ba loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay, cùng tìm hiểu đặc điểm Công ty TNHH 2 thành viên trở lên qua bài viết dưới đây để có thể hiểu chính xác về loại hình doanh nghiệp này.
1. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là gì?
Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp:
- Có từ 02 - 50 thành viên là tổ chức hoặc cá nhân;
- Thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ sổ vốn đã cam kết;
- Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là loại hình doanh nghiệp có số lượng thành viên bị hạn chế (không vượt quá 50 thành viên), thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp.
2. Đặc điểm của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
2.1. Thành viên của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Thành viên của công ty có thể là tổ chức hoặc cá nhân;
Số lượng thành viên tối thiểu là 02 và tối đa là 50 thành viên.
Quy định về số lượng thành viên của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên khác với loại hình công ty cổ phần cổ đông trong công ty tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa.
2.2. Tư cách pháp nhân của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Tại khoản 2, Điều 46 Luật Doanh nghiệp năm 2020 ghi nhận Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Với tư cách pháp nhân này, bản thân Công ty TNHH hai thành viên trở lên là một thể nhân độc lập và kinh doanh với tư cách của riêng mình.
Nói cách khác, Công ty TNHH hai thành viên trở lên phải chịu trách nhiệm vô hạn cho các nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch trong quá trình hoạt động của công ty. Còn các thành viên của công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (khoản 1, Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020).
Điều này có nghĩa thành viên công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp đủ vào doanh nghiệp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty, ngoài ra, không phát sinh thêm bất cứ khoản tiền hoặc nghĩa vụ nào khác đối với các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty.
2.3. Cơ cấu tổ chức của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Cơ cấu quản lý của Công ty TNHH không phức tạp bằng Công ty cổ phần nhưng lại phức tạp hơn so với Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân.
- Theo Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Công ty TNHH hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Trong đó, Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của Công ty TNHH, bao gồm tất cả các thành viên góp vốn là cá nhân và (những) người đại diện theo ủy quyền của các thành viên góp vốn là tổ chức.
Mỗi thành viên trong Hội đồng thành viên có quyền biểu quyết tương ứng với phần vốn góp của mỗi thành viên góp vốn trong Công ty TNHH (trong trường hợp thành viên góp vốn là tổ chức ủy quyền hơn một người đại diện phần vốn góp của mình vào hội đồng thành viên, thì mỗi thành viên hội đồng thành viên được ủy quyền đó chỉ có quyền biểu quyết tương ứng với tỷ lệ phần vốn được ủy quyền mà thành viên đó đại diện).
Hội đồng thành viên quyết định những vấn đề quan trọng nhất trong hoạt động của Công ty, trong đó có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm (tổng) giám đốc và những người quản lý.
Chủ tịch hội đồng thành viên do Hội đồng thành viên bầu và có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty. Tuy nhiên, hiện nay còn khá ít doanh nghiệp tổ chức việc kiêm nhiệm chức vụ vì dễ xảy ra tình trạng chuyên quyền, lộng quyền nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Quyền và nghĩa vụ chủ yếu của Chủ tịch hội đồng thành viên là giúp việc cho Hội đồng thành viên và thay mặt Hội đồng thành viên ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
Giám đốc, Tổng Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chỉ chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
- Trường hợp Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc là công ty con của doanh nghiệp Nhà nước (do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) thì buộc phải có Ban kiểm soát trong cơ cấu tổ chức quản lý công ty.
- Công ty bắt buộc phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc (ghi nhận trong Điều lệ), trường hợp Điều lệ không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
2.4. Khả năng huy động vốn của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể huy động vốn bằng cách:
- Huy động vốn góp của các thành viên hiện hữu hoặc tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới;
- Huy động vốn vay từ các tổ chức, cá nhân;
Tuy nhiên, Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ công chúng.
Công ty TNHH được phép phát hành trái phiếu thường (không có đặc tính chuyển đổi thành vốn góp) nếu đáp ứng một số điều kiện theo luật định (đây là một đặc tính khác biệt cơ bản giữa Công ty TNHH so với Doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh).
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 không cấm Công ty TNHH huy động vốn dưới hình thức khác như vay tổ chức tín dụng.
2.5. Khả năng chuyển nhượng vốn của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Khả năng chuyển nhượng vốn góp của thành viên trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên tương đối linh hoạt. Tuy nhiên không thể tự do như Công ty cổ phần bởi:
Khi một thành viên của Công ty TNHH muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì thành viên đó phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại trước.
Các thành viên còn lại có quyền ưu tiên mua trong vòng 30 ngày kể từ ngày chào bán và sau đó nếu các thành viên còn lại không mua, thành viên đó mới có quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba (người khác) với cùng điều kiện và điều khoản đã chào bán cho các thành viên còn lại.
Lưu ý, việc chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên chỉ ảnh hưởng đến mô hình công ty khi việc chuyển nhượng hoặc thay đổi này dẫn đến chỉ còn một thành viên công ty.
Khi đó, công ty phải tổ chúc quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.