I. Nguyên tắc khai thay đổi là gì?
Việc khai báo hải quan do thay đổi mục đích sử dụng của hàng hóa hay chuyển tiêu thụ nội địa phải đảm bảo những nguyên tắc sau đây:
1. Chính sách thuế
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc các đối tượng sau đây thì phải khai tờ khai hải quan mới:
- Hàng hóa không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường;
- Hàng hóa miễn thuế;
- Hàng hóa áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế;
- Hàng hóa Áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan;
- Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa.
Đối với những hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu này sẽ áp dụng chính sách quản lý và chính sách thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới (trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu).
Lưu ý: Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.
2. Thời điểm
Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới;
3. Xin phép
Hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng phải được cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đồng ý bằng văn bản đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan, nếu cơ quan hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì sẽ bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ban đầu, nộp tiền chậm nộp và bị xử lý theo quy định hiện hành.
Khai thay đổi mục đích sử dụng của hàng hóa hoặc chuyển tiêu thụ nội địa (Ảnh minh họa)
II. Chi tiết cách khai như thế nào?
1. Xác định đối tượng
Khi có nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp tiến hành thủ tục khai và đăng ký tờ khai hải quan như thông thường.
Lưu ý: Ghi rõ số tờ khai hải quan ban đầu, hình thức “thay đổi mục đích sử dụng” hay “chuyển tiêu thụ nội địa” vào ô “Phần ghi chú” của tờ khai hải quan điện tử hoặc ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy.
- Các trường hợp thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa sau đây thì doanh nghiệp không phải cung cấp số tờ khai khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa:
+ Hàng hóa nhập khẩu miễn thuế nhập khẩu;
+ Hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu tính từ thời điểm nhập khẩu đến thời điểm thay đổi mục đích, chuyển tiêu thụ nội địa đã quá thời hạn lưu giữ hồ sơ hải quan (05 năm);
+ Thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa nhập khẩu là công cụ, dụng cụ thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, chưa phân bổ toàn bộ giá trị vào chi phí sản xuất (trường hợp doanh nghiệp không theo dõi, quản lý theo số tờ khai hải quan nhập khẩu) vẫn còn trong thời hạn lưu giữ hồ sơ hải quan.
- Trường hợp hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đã cấu thành lên sản phẩm khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp thực hiện khai báo nguyên liệu, vật tư ban đầu và sản phẩm hoàn chỉnh tại các dòng hàng riêng biệt trên tờ khai. Lưu ý: Trong trường hợp này:
+ Thực hiện khai sản phẩm hoàn chỉnh trên một dòng hàng, không khai thuế đối với dòng hàng là sản phẩm hoàn chỉnh;
+ Khai nguyên liệu, vật tư nhập khẩu ban đầu (tại chỉ tiêu “mã số quản lý riêng” của dòng hàng khai mã “TĐMĐSDSP”) và tính thuế đối với nguyên liệu, vật tư trên các dòng hàng tiếp theo của tờ khai.
+ Chính sách mặt hàng áp dụng đối với sản phẩm hoàn chỉnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Thành phần hồ sơ
Doanh nghiệp đính kèm nộp các chứng từ sau đây:
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa: 01 bản chính;
- Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành trong trường hợp chưa thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan ban đầu: 01 bản chính;
- Văn bản thỏa thuận với phía nước ngoài về việc thay đổi mục đích sử dụng của hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu hàng hóa đối với hàng hóa gia công, thuê mượn của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc hợp đồng mua, bán hàng hóa miễn thuế, không chịu thuế, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập: 01 bản chụp.
Trong trường hợp doanh nghiệp chuyển nhượng hàng hóa thì không phải nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa chuyển nhượng, với điều kiện giá chuyển nhượng không bao gồm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo cho cơ quan hải quan nơi tiếp nhận thông báo Danh mục miễn thuế trước đây về việc chuyển nhượng hàng hóa, đối với trường hợp đã thông báo Danh mục miễn thuế; hoặc, thông báo cho Chi cục Hải quan nơi đã đăng ký tờ khai hải quan ban đầu nếu không thuộc trường hợp thông báo Danh mục miễn thuế.
Trường hợp đối tượng nhận chuyển nhượng phải thực hiện thông báo danh mục hàng hóa miễn thuế thì cơ quan hải quan thực hiện trừ lùi hàng hóa nhận chuyển nhượng trên Danh mục miễn thuế của tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng.