Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Hướng dẫn hoàn thuế GTGT trong công ty hợp danh

Khi nào doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng? Điều kiện để doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng? Thành phần hồ sơ và trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp được quy định như thế nào?

 

I. Trường hợp nào doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng?

1. Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ; có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết phát sinh trước kỳ tính thuế tháng 7/2016 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trước kỳ tính thuế quý 3/2016 (đối với trường hợp kê khai theo quý) và đủ điều kiện hoàn thuế GTGT.

Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo. 

Trường hợp doanh nghiệp có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết phát sinh trước kỳ tính thuế tháng 7/2016 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trước kỳ tính thuế quý 3/2016 (đối với trường hợp kê khai theo quý) và đủ điều kiện hoàn thuế GTGT thì cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

Còn nếu có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết phát sinh sau kỳ tính thuế tháng 7/2016 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc sau kỳ tính thuế quý 3/2016 (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo và không thực hiện thủ tục hoàn thuế.

 

2. Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, có thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên thì được hoàn thuế GTGT

Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư được khấu trừ theo từng năm, trừ trường hợp được kết chuyển sang kỳ tiếp theo.

Lưu ýNếu số thuế giá trị gia tăng lũy kế của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT ngay.

 

3. Đối với dự án đầu tư

Xem chi tiết tại Quy trình hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư trong công ty hợp danh.
 

4. Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

Xem chi tiết tại Quy trình hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu trong công ty hợp danh.

Xem thêm: Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trong công ty hợp danh.

 

5. Doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết

Doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động chưa phát sinh thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn. 

Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp sau khi làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản, thì:

- Số thuế GTGT đã được hoàn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản và quản lý thuế:

- Số thuế GTGT chưa được hoàn thì không được giải quyết hoàn thuế.

Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động và không phát sinh thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh chính nhưng đã được hoàn thuế thì phải nộp lại số thuế đã được hoàn vào ngân sách nhà nước. Còn nếu có phát sinh bán tài sản chịu thuế GTGT thì không phải điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào tương ứng của tài sản bán ra

Xem thêm: Thủ tục giải thể công ty hợp danh

 

6. Đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại

Xem chi tiết tại Quy trình hoàn thuế GTGT đối với dự án ODA trong công ty hợp danh.
 

7. Doanh nghiệp có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền 

Bao gồm cả trường hợp có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam và trường hợp hoàn thuế GTGT theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

II. Điều kiện để được hoàn thuế giá trị gia tăng

Để được hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư;

- Có con dấu theo quy định pháp luật,

- Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;

- Có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của doanh nghiệp;

- Áp dụng tính thuế GTGT theo phươrng pháp khấu trừ

Lưu ýNếu trên Tờ khai thuế GTGT đã kê khai đề nghị hoàn thuế thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề nghị hoàn thuế vào số thuế được khấu trừ của tháng tiếp sau.

 

III. Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng

1. Đối với dự án đầu tư

Xem chi tiết tại Quy trình hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư trong công ty hợp danh.

2. Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

Xem chi tiết tại Quy trình hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu trong công ty hợp danh.

3. Đối với dự án ODA

Xem chi tiết tại Quy trình hoàn thuế GTGT đối với dự án ODA trong công ty hợp danh.


4. Đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, thuộc đối tượng quy định trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Giấy đề nghị hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (theo mẫu số 02/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư 26/2015/TT-BTC)

- Bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú do cơ quan thuế của nước cư trú cấp đã được hợp pháp hóa lãnh sự (ghi rõ là đối tượng cư trú trong năm tính thuế nào).

- Bản chụp hợp đồng kinh tế, hợp đồng cung cấp dịch vụ, hợp đồng đại lý, hợp đồng uỷ thác, hợp đồng chuyển giao công nghệ hay hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp Việt Nam, giấy chứng nhận tiền gửi tại Việt Nam, giấy chứng nhận góp vốn vào Công ty tại Việt Nam (tuỳ theo loại thu nhập trong từng trường hợp cụ thể) có xác nhận của người nộp thuế.

- Xác nhận của doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng về thời gian và tình hình hoạt động thực tế theo hợp đồng (trừ trường hợp hoàn thuế đối với hãng vận tải nước ngoài).

Giấy ủy quyền trong trường hợp tổ chức uỷ quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định. Trường hợp doanh nghiệp lập giấy uỷ quyền để uỷ quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục hoàn thuế vào tài khoản của đối tượng khác cần thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự (nếu việc uỷ quyền được thực hiện ở nước ngoài) hoặc công chứng (nếu việc uỷ quyền được thực hiện tại Việt Nam) theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp không thể cung cấp đủ các thông tin hoặc các tài liệu theo yêu cầu của Hồ sơ hoàn thuế theo Hiệp định, đề nghị giải trình cụ thể tại Giấy đề nghị hoàn thuế theo Hiệp định mẫu số 02/ĐNHT nêu trên để cơ quan thuế xem xét, quyết định.


5. Đối với doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động

Giấy đề nghị hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước (mẫu 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC);

- Quyết định về việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chấm dứt hoạt động;

- Hồ sơ quyết toán thuế hoặc hồ sơ khai thuế đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chấm dứt hoạt động;

Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục nếu người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác thực hiện công việc.


6. Đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo ra tài sản cố định của doanh nghiệp

Giấy đề nghị hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước (mẫu 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC) trong đó ghi rõ số thuế GTGT hàng nhập khẩu của thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp và cam kết của doanh nghiệp;

Bảng kê hồ sơ hàng hóa nhập khẩu (mẫu số 01-4/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC);

Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục nếu người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác thực hiện công việc.


Hồ sơ hoàn thuế được nộp một bộ tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc tại cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế. Người nộp thuế được gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính.

Cục Thuế căn cứ Quyết định hoàn thuế, lập Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước; căn cứ Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước, lập Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước gửi Kho bạc nhà nước đồng cấp.

Thời hạn giải quyết yêu cầu hoàn thuế được chia thành 02 trường hợp:

- Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau:

+ Nếu hồ sơ hoàn thuế không thuộc đối tượng và trường hợp được hoàn hoặc chưa đủ thông tin để xác định thì cơ quan thuế gửi thông báo cho người nộp thuế trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;

+ Nếu đủ điều kiện hoàn thuế thì cơ quan thuế ban hành quyết định hoàn thuế trong thời hạn không quá 06 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

- Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau: Cơ quan thuế tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và ban hành quyết định hoàn thuế trong thời hạn không quá 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế.

- Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh chi hoàn thuế cho doanh nghiệp chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

hoạt động cùng chuyên mục

Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi Tổng đài Tư vấn Pháp luật