Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống madrid là gì? Điều kiện và quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ được quy định như thế nào?
I. Hệ thống Madrid là gì?
Hệ thống Madrid là cách gọi tắt của hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế của Madrid - là một hệ thống quốc tế chính thức để tạo điều kiện cho việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại các nước trên thế giới. Hệ thống này gồm có:
1. Thoả ước Madrid (là cách gọi tắt của Văn kiện thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa - viết tắt là MA).
2. Nghị định thư Madrid (là cách gọi tắt của Nghị định thư liên quan đến thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa – viết tắt là MP).
Hiện nay, Việt Nam vừa là thành viên của Thỏa ước Madrid vừa là thành viên của Nghị định thư Madrid; vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn một trong hai hình thức này để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại các quốc gia thành viên.
Để quyết định việc lựa chọn hệ thống nào sẽ bảo hộ cho nhãn hiệu quốc tế của mình, doanh nghiệp cần tham khảo những điểm khác biệt cơ bản sau đây:
Tiêu chí | Nghị định thư Madrid | Thỏa ước Madrid |
Cơ sở đăng ký | Dựa trên đơn đăng ký đã nộp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã được cấp tại nước xuất xứ (Khônng bắt buộc phải đợi đến thời điểm nhãn hiệu đó được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại nước sở tại thì mới có thể làm thủ tục -chỉ cần nộp đơn ở nước sở tại) | Dựa vào Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại nước sở tại (Bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại nước sở tại trước khi làm thủ tục) |
Ngôn ngữ đơn đăng ký | Tiếng Anh hoặc tiếng Pháp | Tiếng Pháp |
Điều kiện nộp đơn | Doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế ngay sau khi đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở nước sở tại mà không cần phải đợi đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại nước đó | Doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế sau khi đã được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại nước sở tại |
Thời hạn xét nghiệm đơn tối thiểu | 18 tháng | 12 tháng |
Hiệu lực đăng ký quốc tế | Trong vòng 18 tháng kể từ khi nộp đơn hợp lệ, nhãn hiệu đăng ký quốc tế sẽ được chấp nhận bảo hộ ở nước chỉ định trong đơn nếu đơn không bị nước chỉ định từ chối bảo hộ trong thời han quy định | Trong vòng 12 tháng, kể từ khi đơn được nộp hợp lệ nhãn hiệu đăng ký quốc tế sẽ được chấp nhận bảo hộ ở nước chỉ định trong đơn nếu đơn không bị nước chỉ định từ chối bảo hộ trong thời hạn quy định. |
Từ chối bảo hộ | Khi bị từ chối ở một nước thành viên thì đăng ký quốc tế vẫn có hiệu lực bảo hộ giống như nhãn hiệu đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia thành viên | Khi bị từ chối bởi quốc gia chỉ định bảo hộ thì việc đăng ký theo Nghị định thư có thể chuyển sang hình thức đăng ký quốc gia mà không làm mất đi ngày nộp đơn gốc |
Thời hạn bảo hộ | 10 năm và có thể được gia hạn thêm | 20 năm và có thể gia hạn thêm |
Chuyển đổi đơn đăng ký quốc tế thành đơn quốc gia | Đơn đăng ký chỉ định tại các quốc gia vẫn có hiệu lực và giữ nguyên ngày chỉ định trong trường hợp đơn đăng ký tại nước xuất xứ bị đình chỉ toàn bộ hoặc một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ nếu việc chỉ định được thực hiện trong vòng 03 tháng kể từ ngày nộp đơn tại nước xuất xứ | Không quy định về việc chuyển đổi đơn |
Mức độ phụ thuộc vào Giấy chứng nhận gốc tại nước xuất xứ | Không đề cập đến vấn đề này | Sẽ bị mất hiệu lực bảo hộ nếu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại nước xuất xứ bị hủy bỏ vì bất kỳ lý do gì. |
Cách tính phí chỉ định | Phí theo từng nước quy định, hoặc theo quy định chung | Phí theo quy định chung |
Số lượng quốc gia có thể lựa chọn chỉ định bảo hộ | 81 | 56 |
II. Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid như thế nào?
1. Khi nào được đăng ký?
Doanh nghiệp có quyền đăng ký bảo hộ quốc tế cho nhãn hiệu của mình dựa trên đăng ký nhãn hiệu cơ sở tại Việt Nam, trong các trường hợp sau đây:
- Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký bảo hộ trên phạm vi quốc tế nhãn hiệu tương ứng theo Thoả ước Madrid;
- Doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký bảo hộ trên phạm vi quốc tế nhãn hiệu tương ứng theo Nghị định thư Madrid.
2. Điều kiện đăng ký là gì?
Ngoài các điều kiện áp dụng cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước thì doanh nghiệp khi đăng ký nhãn hiệu quốc tế cần lưu ý khi đăng ký phải được tiến hành tại 01 quốc gia là thành viên của hệ thống Madrid.
3. Tra cứu khả năng đăng ký như thế nào?
Doanh nghiệp muốn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid thì nên thực hiện tra cứu trước khả năng đăng ký nhãn hiệu để có thể tránh được rủi ro khi đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế bị từ chối do tương tự gây nhầm lẫn với đơn đăng ký hoặc nhãn hiệu đã được bảo hộ tại từng nước.
Sau khi đáp ứng các điều kiện trên và đảm bảo nhãn hiệu của mình không tương tự gây nhầm lẫn với đơn đăng ký hoặc nhãn hiệu đã được bảo hộ tại từng nước thì doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid tại Văn phòng Quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thông qua Cục Sở hữu trí tuệ.
Mọi thư từ, giao dịch liên quan đến đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá đều được thực hiện thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có trách nhiệm thông báo kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp cho Văn phòng quốc tế và ngược lại, tuân theo quy định của điều ước quốc tế liên quan.
4. Thành phần hồ sơ
- Tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam.
Lưu ý: Trong tờ khai cần chỉ rõ các nước là thành viên Thoả ước Madrid (có thể đồng thời là thành viên Nghị định thư Madrid) và nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid mà doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
- Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu (mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp miễn phí).
Lưu ý: Doanh nghiệp phải bảo đảm các thông tin (đặc biệt về tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ và phân nhóm hàng hoá, dịch vụ) khai trong đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu là chính xác, kể cả về ngôn ngữ, dịch thuật và thống nhất với các thông tin ghi trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu cơ sở tương ứng. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp các khoản lệ phí phát sinh liên quan đến sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu do việc khai báo các thông tin không chính xác hoặc không thống nhất theo thông báo của Văn phòng quốc tế.
- Mẫu nhãn hiệu (đã được đăng ký tại Việt Nam).
- Danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Nếu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận thì có thêm Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
- Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục nếu đơn nộp thông qua đại diện.
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác.
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Lưu ý: Doanh nghiệp cần tính sơ bộ tổng số phí, lệ phí theo biểu lệ phí in trên mẫu đơn hoặc có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ thông báo chính xác số phí, lệ phí cần phải nộp cho Văn phòng quốc tế. Doanh nghiệp phải thanh toán trực tiếp các khoản phí, lệ phí đó cho Văn phòng quốc tế và phải nộp thêm các khoản lệ phí, phí liên quan theo quy định cho Cục Sở hữu trí tuệ.
- Bản sao Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở (áp dụng đối với trường hợp nộp đơn theo Nghị định thư Madrid).
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở (áp dụng đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận tại nước sở tại).
- Bản cam kết sẽ sử dụng nhãn hiệu tại các nước yêu cầu đăng ký bảo hộ (nếu chỉ định vào các quốc gia Ireland, Singapore, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ).
Cục Sở hữu trí tuệ chuyển đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ tài liệu đơn hợp lệ theo quy định.