Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Quy trình 3 bước tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

Ít nhất 1 lần/năm, việc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được thực hiện thông qua trao đổi trực tiếp giữa người lao động/công đoàn và công ty.

 

1. Tại sao phải đối thoại?

Theo nội dung Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc là để chia sẻ, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, từ đó xây dựng quan hệ lao động hợp tình hợp lý giữa công ty và người lao động thông qua việc chia sẻ thông tin, trao đổi ý kiến.

Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và công ty hoặc giữa công đoàn với công ty, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở dựa trên nguyên tắc nêu tại Điều 42 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:

  • Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch;
  • Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công ty và người lao động;
  • Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.

2. Các trường hợp phải tổ chức đối thoại?

Theo Khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại trong các trường hợp sau:

- Đối thoại định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

- Đối thoại theo yêu cầu của một hoặc các bên;

- Đối thoại khi có những vụ việc sau xảy ra tại nơi làm việc:

  • Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
  • Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động (nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc...);
  • Xây dựng phương án sử dụng lao động;
  • Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động;
  • Vấn đề thưởng cho người lao động, quy chế thưởng;
  • Các vấn đề liên quan đến nội quy lao động;
  • Tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp.
Quy trinh 3 buoc to chuc doi thoai dinh ky tai noi lam viec
Phải tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc ít nhất 1 lần/năm (Ảnh minh họa)

3. Quy trình tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

Theo nội dung Điều 39 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, có thể khẳng định, quy trình đối thoại định kỳ được thực hiện thông qua 03 bước như sau:

Bước 1. Chuẩn bị đối thoại

Chuẩn bị nội dung, thời gian, địa điểm và thành phần tham gia đối thoại:

- Công ty phối hợp với Công đoàn cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động tổ chức đối thoại định kỳ ít nhất 01 lần/năm; 

- Các bên tham gia đối thoại tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc gồm có:

+ Đại diện công ty: Người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền

+ Bên người lao động gồm: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Nhóm đại diện đối thoại của người lao động (đối với trường hợp có người lao động không tham gia là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở).

Việc xác định danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên công ty và bên người lao động thực hiện định kỳ ít nhất 02 năm/lần và công khai tại nơi làm việc theo Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Thời gian, địa điểm, cách thức tổ chức đối thoại định kỳ: Do 02 bên sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tế và theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tổ chức đối thoại định kỳ, các bên có trách nhiệm gửi nội dung đối thoại cho bên tham gia đối thoại.

Bước 2. Tổ chức đối thoại

Đối thoại định kỳ chỉ được tiến hành khi bên công ty có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và bên người lao động có sự tham gia của trên 70% tổng số thành viên đại diện theo Danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động.

Diễn biến đối thoại phải được ghi thành Biên bản đối thoại tại nơi làm việc và có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh hoặc người được ủy quyền và chữ ký của người đại diện từng tổ chức đại diện người lao động (nếu có) và của người đại diện cho nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có).

Bước 3. Kết thúc đối thoại

Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, công ty có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.

4. Nội dung thảo thuận trong buổi đối thoại

Căn cứ Điều 64 Bộ luật Lao động 2019, trong buổi đối thoại, doanh nghiệp và người lao động trao đổi về những nội dung sau:

- Vụ việc xảy ra tại nơi làm việc bắt buộc phải đối thoại (Đã nêu tại Mục 2).

- Ngoài ra, các bên lựa chọn một (một số) nội dung sau để đối thoại:

  • Tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty;
  • Việc thực hiện hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế cùng các cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc;
  • Điều kiện làm việc;
  • Yêu cầu của người lao động, của công đoàn đối với công ty;
  • Yêu cầu của công ty đối với người lao động, công đoàn;
  • Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Lưu ý: Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Hướng dẫn 11/HD-TLĐ ngày 11/03/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trên đây là nội dung quy trình về tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Nếu còn gặp vướng mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ LuatVietnam để được hỗ trợ và giải đáp cụ thể hơn.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi Tổng đài Tư vấn Pháp luật