Thủ tục thay đổi ngành nghề đối với công ty cổ phần được thực hiện khi công ty mong muốn hoặc do cơ quan nhà nước yêu cầu. Vậy cần chuẩn bị giấy tờ gì? Nộp thế nào?
1. Việc thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh có bắt buộc không?
Sau một thời gian hoạt động, nhu cầu mở rộng hoặc rút bớt ngành, nghề so với thời điểm đăng ký thành lập công ty cổ phần xuất hiện là điều rất hợp lý và chính đáng của mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, theo nội dung Khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020, khi thay đổi ngành nghề, công ty phải làm thủ tục thông báo về việc thay đổi cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Như vậy, có thể kết luận, việc thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh là bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp.
Thủ tục này sẽ được tiến hành trong trường hợp:
- Doanh nghiệp mong muốn rút, bỏ, bổ sung ngành nghề để mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh;
- Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp cụ thể hóa những ngành nghề “chưa được phân vào đâu”, ngành nghề “khác”; cập nhật lại mã ngành, nghề cấp bốn…do xuất hiện những quy định pháp luật mới hoặc quy định được sửa đổi, bổ sung…
*Lưu ý:
- Trước khi làm thủ tục, doanh nghiệp cần đối chiếu ngành, nghề cần thay đổi với Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và kê khai thông tin ngành, nghề theo Quyết định này.
- Nếu ngành, nghề dự kiến bổ sung là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì công ty cần chuẩn bị các điều kiện (vốn điều lệ, cơ sở vật chất – nhân sự…) theo quy định của pháp luật chuyên ngành để phục vụ quá trình xin giấy phép kinh doanh.
2. Trình tự thủ tục thay đổi ngành nghề đối với công ty cổ phần
Bước 1. Nộp hồ sơ
Hiện nay, pháp luật cho phép các công ty nộp hồ sơ thay đổi đăng ký doanh nghiệp bằng hình thức trực tiếp (hồ sơ giấy) hoặc trực tuyến (hồ sơ bản scan chụp), cụ thể:
- Trực tiếp: Người nộp hồ sơ gửi chuyển phát qua bưu điện hoặc tự đến Bộ phận một cửa – Phòng ĐKKD thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (Phòng ĐKKD) tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để nộp;
- Trực tuyến: Người thực hiện thủ tục kê khai thông tin, scan hồ sơ và nộp tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua chữ ký số hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh. Hồ sơ sẽ được chuyển cho Phòng ĐKKD quản lý địa bàn nơi công ty đặt trụ sở chính xử lý.
*Lưu ý: Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các thủ tục đăng ký kinh doanh thực hiện với Sở Kế hoạch và Đầu tư phải thực hiện bằng hình thức online.
Bước 2. Giải quyết hồ sơ
Phòng ĐKKD có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với hồ sơ của công ty trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy tờ.
Bước 3. Nhận kết quả và nộp phí, lệ phí
(i) Nhận kết quả
- Hết thời hạn nêu trên, Phòng ĐKKD sẽ gửi thông báo về tình hình giải quyết hồ sơ của công ty. Nội dung thông báo sẽ thuộc một trong hai trường hợp:
- Nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng ĐKKD yêu cầu người nộp hồ sơ nhận kết quả và nộp phí, lệ phí. Người nộp hồ sơ cần thực hiện theo đúng yêu cầu trên thông báo.
- Nếu hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Phòng ĐKKD sẽ liệt kê những thiết sót, căn cứ pháp lý và yêu cầu người nộp hồ sơ kê khai, sửa đổi lại theo đúng quy định.
- Hình thức nhận kết quả: trực tiếp nhận kết quả tại Phòng ĐKKD hoặc đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính.
*Lưu ý:
- Người nộp hồ sơ cần in Giấy biên nhận giải quyết hồ sơ và Thông báo hồ sơ hợp lệ và nộp kèm theo hồ sơ thay đổi ngành, nghề kinh doanh.
- Nếu muốn nhận kết quả bằng hình thức chuyển phát, người nộp hồ sơ liên hệ Phòng ĐKKD và đăng ký thông tin, nộp tiền theo hướng dẫn của cán bộ phụ trách.
(ii) Nộp phí, lệ phí
- Theo Biểu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 47/2019/TT-BTC, mức phí, lệ phí thay đổi ngành nghề được quy định như sau:
Tên loại phí, lệ phí | Trực tiếp | Trực tuyến |
Thay đổi ngành nghề kinh doanh | Miễn phí | Miễn phí |
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh) | 100.000 đồng/lần | 100.000 đồng/lần |
- Hình thức: công ty làm theo hướng dẫn của Phòng ĐKKD nơi công ty đặt trụ sở. Hiện nay, các Sở Kế hoạch và Đầu tư dần áp dụng đa dạng hóa phương thức thanh toán, do vậy người nộp hồ sơ có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:
- Thanh toán trực tiếp tại Phòng ĐKKD;
- Thanh toán điện tử (Ví dụ: chuyển tiền vào tài khoản của Sở).
3. Để thực hiện thủ tục, công ty cần những giấy tờ gì?
Căn cứ Điều 56 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
- Bản sao hợp lệ Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh;
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh;
- Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp phải nộp kèm theo:
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
- Thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh trong công ty cổ phần;
- Giấy tờ của người được ủy quyền nộp hồ sơ:
- Văn bản ủy quyền thực hiện công việc;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân sau:
- Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực;
- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
*Lưu ý: Đối với Văn bản ủy quyền, người được ủy quyền nên ghi rõ phạm vi ủy quyền/nội dung được ủy quyền là “nộp và nhận kết quả hồ sơ đăng ký thay đổi ngành, nghề kinh doanh của Công ty…”.
4. Doanh nghiệp không thông báo thay đổi ngành nghề có bị phạt không?
Ngành, nghề kinh doanh là một trong những thông tin bắt buộc phải kê khai khi thành lập công ty, cho nên, tại nội dung Khoản 2 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty phải thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Trong thời hạn 10 ngày (kể từ thời điểm có thay đổi), công ty phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về việc thay đổi ngành, nghề; nếu phát hiện công ty có hành vi vi phạm thời hạn thông báo thì sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tại Điều 49 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
- Chậm từ 01 – 10 ngày: Phạt cảnh cáo;
- Chậm từ 11 – 30 ngày: Phạt từ 3 – 5 triệu đồng;
- Chậm từ 31 – 90 ngày: Phạt từ 5 – 10 triệu đồng;
- Chậm từ 91 ngày trở lên: Phạt từ 10 – 20 triệu đồng;
- Không thông báo thay đổi ngành, nghề với Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phạt từ 20 – 30 triệu đồng.
Ngoài việc nộp phạt, công ty còn phải bổ sung hồ sơ thông báo để nộp cho Phòng ĐKKD.
Do vậy, có thể kết luận, nếu không thực hiện thủ tục thông báo thay đổi ngành nghề theo đúng quy định thì công ty sẽ bị xử phạt hành chính và phải thực hiện thủ tục để bổ sung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung thủ tục thay đổi ngành nghề công ty cổ phần cần nắm được theo các quy định mới nhất. Nếu còn thắc mắc hoặc mong muốn thuê dịch vụ để thực hiện công việc theo ủy quyền, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.