Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Thủ tục thành lập công ty cổ phần: Hồ sơ, mức phí mới nhất?

Hiện nay, nhu cầu làm thủ tục thành lập công ty cổ phần rất lớn. Vì sao cần lập công ty cổ phần? Trình tự, thủ tục, mức phí thành lập ra sao?

 

1. Công ty cổ phần là gì? Đặc trưng của công ty cổ phần?

Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp được nhiều người quan tâm khi thành lập doanh nghiệp. Vậy công ty cổ phần là gì?

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, công ty cổ phần trước hết là một pháp nhân thương mại:

  • Được thành lập theo quy định pháp luật;
  • Có cơ cấu tổ chức;
  • Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • Có tư cách tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập;
  • Được lập ra nhằm tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Đồng thời, theo Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có một số đặc trưng như sau:

  • Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  • Cổ đông góp vốn có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa;
  • Mỗi cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty;
  • Cổ đông được chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ một số trường hợp pháp luật cấm chuyển nhượng.

2. Vì sao phải thành lập công ty cổ phần?

Việc kinh doanh thông qua pháp nhân thương mại như công ty cổ phần đem lại rất nhiều lợi ích cho các thương nhân, vì:

  • Giúp thương nhân kinh doanh một cách hợp pháp;
  • Dễ dàng mở rộng quy mô kinh doanh và thuê lao động số lượng lớn;
  • Khả năng huy động vốn lớn;
  • Giảm gánh nặng tài chính cho các cổ đông khi gặp nợ nần, khủng hoảng;
  • Công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức, kiểm soát chặt chẽ;
  • Được hưởng những ưu đãi về quyền sử dụng đất, thuế trong một số trường hợp...

thu tuc thanh lap cong ty co phan
Làm thủ tục thành lập công ty cổ phần giúp thương nhân hoạt động hợp pháp (Ảnh minh họa)

3. Quy trình thực hiện thủ tục thành lập công ty cổ phần

3.1 Nộp hồ sơ

Theo Khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp, người thực hiện thủ tục có thể nộp hồ sơ cho Phòng Đăng ký kinh doanh (Phòng ĐKKD) – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty sẽ đặt trụ sở chính thông qua một trong những cách sau:

- Nộp tại Bộ phận một cửa;

- Nộp qua đường bưu điện;

- Nộp hồ sơ online tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia bằng chữ ký số hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh.

Sau khi nộp thành công, Phòng ĐKKD sẽ gửi Giấy biên nhận giải quyết hồ sơ. Người nộp hồ sơ cần giữ văn bản này để nộp lại khi hồ sơ hợp lệ.

*Lưu ý: Hiện nay, Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, nên để thuận tiện cho người nộp hồ sơ và Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các địa phương, khuyến khích sử dụng cách nộp hồ sơ online.

3.2 Giải quyết thủ tục

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng ĐKKD sẽ tiến hành xét duyệt, kiểm tra. Nếu hồ sơ hợp lệ, Bộ phận một cửa phòng ĐKKD sẽ tiếp nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và gửi lại cho người đến nhận hồ sơ.

Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan ĐKKD phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người nộp hồ sơ. Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc.

3.3 Nhận kết quả thành lập doanh nghiệp

Người thực hiện thủ tục có thể nhận kết quả hồ sơ thông qua một trong các phương thức sau:

(i) Nhận tại Bộ phận một cửa - Phòng ĐKKD

Người nhận kết quả phải mang các giấy tờ sau:

- Giấy biên nhận giải quyết hồ sơ;

- Trường hợp không phải người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nhận kết quả thì người được ủy quyền phải nộp:

+ Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp;

+ Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân sau đây:

  • Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực;
  • Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

(ii) Nhận kết quả hồ sơ thông qua dịch vụ bưu chính

Doanh nghiệp truy cập website hỗ trợ chuyển phát hồ sơ tại nhà, nhập mã biên nhận, email và xác nhận bằng mã capcha để đăng ký nhận chuyển phát.

4. Hồ sơ cần chuẩn bị khi làm thủ tục thành lập công ty cổ phần

Theo hướng dẫn tại Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, để thành lập công ty cổ phần hợp pháp, người thực hiện thủ tục cần chuẩn bị và soạn thảo những giấy tờ sau:

Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty cổ phần;

Điều lệ công ty cổ phần;

Danh sách cổ đông sáng lập của công ty cổ phần;

Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);

- Văn bản ủy quyền quản lý phần vốn góp (trong trường hợp cổ đông là tổ chức);

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

  • Bản sao hợp lệ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là người Việt Nam; hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là người nước ngoài;
  • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. (Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự);
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả và giấy tờ chứng thực cá nhân (bản sao hợp lệ) nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.

5. Phí, lệ phí thành lập doanh nghiệp

Theo biểu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 47/2019/TT-BTC, để thành lập công ty cổ phần cần nộp các loại phí, lệ phí sau:

- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần;

- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần.

*Lưu ý: Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký qua mạng điện tử, đăng ký thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

6. Những việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp

Ngay sau khi nhận được thông báo hợp lệ, công ty cần làm ngay những công việc sau:

  • Đặt làm và treo biển tên (Xem thêm: Treo biển tên công ty cổ phần: Hướng dẫn từ A-Z);
  • Liên hệ với các nhà cung cấp uy tín mua chữ ký số cho doanh nghiệp;
  • Đặt làm con dấu để giao dịch, ký hợp đồng v.v.;
  • Nộp thuế môn bài và tờ khai thuế;
  • Mở tài khoản ngân hàng;
  • Đối với công ty có vốn nước ngoài, cần làm thủ tục đăng ký đầu tư;
  • Đối với công ty kinh doanh ngành, nghề có điều kiện, cần làm thủ tục xin giấy phép con…
Trên đây là nội dung bài viết hướng dẫn thủ tục thành lập công ty cổ phần. Trong quá trình tìm hiểu, nếu còn thắc mắc và có nhu cầu thực hiện thủ tục, quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với LuatVietnam để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể, chi tiết hơn.
Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi