Để làm thủ tục tạm ngừng địa điểm kinh doanh công ty cổ phần cần thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 3 ngày làm việc trước khi chính thức tạm ngừng.
1. Những điều cần biết khi tạm ngừng hoạt động địa điểm kinh doanh
- Theo Khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, địa điểm kinh doanh được mở ra để tiến hành một hoạt động kinh doanh chuyên biệt, cụ thể nào đó của công ty (Ví dụ: mở shop thời trang, quán café, nhà hàng nướng – lẩu…).
Khi công ty hoặc chi nhánh nhận thấy địa điểm kinh doanh hoạt động không hiệu quả hoặc không còn cần thiết, có thể soạn hồ sơ thông báo tạm ngừng và gửi cho Phòng Đăng ký kinh doanh (Phòng ĐKKD) – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi địa điểm kinh doanh hoạt động chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.
- Căn cứ Khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, địa điểm kinh doanh được phép tạm ngừng trong khoảng thời gian tối đa là 01 năm và không giới hạn số lần tạm ngừng.
2. Quy trình thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động địa điểm kinh doanh
2.1 Nộp hồ sơ
Tùy từng địa phương mà công ty có thể nộp hồ sơ bằng một trong ba cách:
- Khuyến khích nộp hồ sơ online bằng cách truy cập website https://dangkykinhdoanh.gov.vn (Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia); scan, nộp hồ sơ và nhận giấy biên nhận giải quyết hồ sơ qua tài khoản/email. Hoặc;
- Nộp tại Bộ phận một cửa - Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT (Phòng ĐKKD) tỉnh/ thành phố nơi đặt trụ sở chính;
- Nộp qua đường bưu điện.
Để thuận tiện trong việc nộp hồ sơ, tránh tình trạng mất thời gian đi lại, thất lạc hồ sơ…phần lớn Phòng ĐKKD các tỉnh/thành đều yêu cầu doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý nộp hồ sơ online. Các công ty cần cập nhật thông tin ở mỗi địa phương để thực hiện cho đúng.
2.2. Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng ĐKKD sẽ ra thông báo hợp lệ hoặc sửa đổi, bổ sung để công ty làm thủ tục (Căn cứ: Khoản 3 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
2.3 Nhận kết quả
- Phòng ĐKKD sẽ cấp Giấy xác nhận về việc địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoặc ra thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ bằng văn bản gửi cho doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp có thể nhận kết quả giải quyết hồ sơ thông qua một trong các phương thức sau:
a. Tại bộ phận một cửa phòng ĐKKD
Người nhận kết quả phải mang các giấy tờ sau:
- Giấy biên nhận giải quyết hồ sơ;
- Bộ hồ sơ gốc đã scan nộp (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua mạng);
- Hồ sơ của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (Không phải chủ sở hữu): Văn bản ủy quyền và Bản sao Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.
b. Nhận kết quả qua đường bưu điện
Doanh nghiệp cần lên trang Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở để điền thông tin đăng ký nhận chuyển phát hồ sơ.
3. Hồ sơ thủ tục tạm ngừng địa điểm kinh doanh công ty cổ phần
Dựa vào nội dung Khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:
- Thông báo về việc tạm ngừng hoạt động của địa điểm kinh doanh;
- Hồ sơ của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (Không phải chủ sở hữu): Văn bản ủy quyền và Bản sao Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.
*Phí, lệ phí: miễn phí.
4. Lưu ý khi tạm ngừng địa điểm kinh doanh
- Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, nếu địa điểm kinh doanh tạm ngừng hoạt động từ 01/01 - 31/12 thì không phải nộp các loại tờ khai thuế. Ngược lại, trong trường hợp địa điểm kinh doanh tạm ngừng không trọn tháng, quý, năm dương lịch (hoặc năm tài chính) thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý cùng hồ sơ quyết toán năm.
Ngoài ra, địa điểm kinh doanh tạm ngừng trong khoảng thời gian nêu trên sẽ được miễn thuế môn bài nếu công ty nộp hồ sơ xin tạm ngừng và gửi cơ quan quản lý thuế trước ngày 30/01 và chưa nộp lệ phí môn bài của năm thông báo tạm ngừng.
- Theo Khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày địa điểm kinh doanh tạm ngừng. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 45 Nghị định 122/2021/NĐ-CP là phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng, đồng thời phải thực hiện thủ tục thông báo tạm ngừng.
Do vậy, trước khi tạm ngừng hoạt động của địa điểm kinh doanh, công ty phải tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật để tránh mất thời gian và bị xử phạt.
Trên đây là nội dung thủ tục tạm ngừng địa điểm kinh doanh công ty cổ phần cần nắm được. Trên thực tế làm thủ tục có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác, do vậy khi có nhu cầu thuê dịch vụ thực hiện thủ tục này, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam để được tư vấn, trao đổi cụ thể hơn.