Doanh nghiệp cần làm thủ tục thay đổi cổ đông là người nước ngoài và nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi.
1. Công ty có thể thay đổi nhà đầu tư nước ngoài không?
Theo nội dung Khoản 26 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 và Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn hoặc mua cổ phần, mua phần vốn góp để thực hiện hoạt động đầu tư (Căn cứ: Khoản 2 Điều 21 Luật Đầu tư 2020). Tuy nhiên, khi nhà đầu tư muốn tìm phương án khác hoặc ngừng đầu tư kinh doanh do kinh doanh không hiệu quả, pháp luật doanh nghiệp cho phép nhà đầu tư tiến hành chuyển nhượng, đồng thời yêu cầu công ty thực hiện thủ tục thông báo thay đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc thay đổi này được điều chỉnh bởi Điều 58 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Như vậy, công ty cổ phần có thể tiến hành việc thay đổi nhà đầu tư nước ngoài tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.
2. Quy trình thực hiện thủ tục
Để tiến hành thủ tục thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, công ty cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Tiến hành chuyển nhượng cổ phần
Cổ đông nước ngoài tiến hành chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn góp của mình cho nhà đầu tư hoặc cổ đông khác trong công ty. Việc thanh toán phải bám sát hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể: nhà đầu tư nước ngoài phải thanh toán cho giao dịch này bằng hình thức chuyển khoản theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 và Khoản 2 Điều 12 Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản và hình thức khác không bằng tiền mặt.
Bước 2. Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh
Theo Khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục có thể chọn nộp hồ sơ bằng cách:
- Nộp bản cứng tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh (Phòng ĐKKD) – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/ thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính, hoặc;
- Nộp bản cứng qua đường bưu điện, hoặc;
- Kê khai và nộp hồ sơ online tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số.
Bước 3. Giải quyết hồ sơ
- Cơ quan xử lý: Phòng Đăng ký kinh doanh (Phòng ĐKKD) – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở (Căn cứ: Khoản 1 Điều 14 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
- Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Bước 4. Nhận kết quả và nộp phí, lệ phí
(i) Nhận kết quả
Khi hồ sơ hợp lệ, công ty cổ phần sẽ nhận Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Công ty có thể nhận kết quả bằng cách:
- Nhận trực tiếp tại Bộ phận một cửa – Phòng ĐKKD, hoặc;
- Nhận kết quả thông qua hình thức chuyển phát.
(ii) Nộp phí Nhà nước
Để nhận kết quả hợp lệ, doanh nghiệp phải nộp phí, lệ phí được quy định chi tiết tại Thông tư 47/2019/TT-BTC như sau:
Tên loại phí cần đóng | Trực tiếp (tại Phòng ĐKKD hoặc qua dịch vụ bưu chính) | Trực tuyến | Căn cứ, lý do nộp phí |
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp | 100.000 đồng/lần | 100.000 đồng/lần | Theo Khoản 1 Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông nước ngoài là một trong những nội dung phải công bố. |
Hình thức nộp: theo hướng dẫn của từng địa phương (Nộp trực tiếp, Nộp phí online…) |
3. Hồ sơ thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
Theo Điều 58 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, công ty cổ phần cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:
- Thông báo thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
- Quyết định và bản sao hợp lệ Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
- Danh sách các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (khi đã thay đổi);
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh việc hoàn tất chuyển nhượng;
- Giấy tờ của cổ đông nhận chuyển nhượng, trong đó:
+ Cá nhân nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực hoặc giấy tờ có giá trị tương đương (bản sao hợp lệ);
+ Tổ chức nước ngoài:
- Quyết định thành lập hoặc giấy tờ tương đương (Bản sao hợp lệ);
- Một trong những loại giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền (Bản sao hợp lệ): Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác tương đương còn hiệu lực.
- Hồ sơ của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (không phải người đại diện của công ty trực tiếp đi nộp): Văn bản ủy quyền và Chứng minh nhân dân/Căn cước/Hộ chiếu còn hiệu lực (bản sao hợp lệ).
*Lưu ý: Đối với danh sách cổ đông sau khi thay đổi, chỉ cần có chữ ký của những cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng.
4. Xử phạt khi thực hiện thay đổi cổ đông là người nước ngoài
Khi thực hiện thủ tục này, công ty cần đảm bảo được 02 điều kiện:
- Phải tiến hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi (theo Khoản 2 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020);
- Phải công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày được công khai và phải nộp phí (theo Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2020).
Do vậy, nếu vi phạm các điều kiện trên, công ty có thể bị áp dụng hình thức xử phạt sau:
- Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng trong trường hợp không thông báo công khai hoặc thông báo công khai không đúng thời hạn (Căn cứ: Điều 45);
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền lên tới 30 triệu đồng trong trường hợp công ty không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đúng thời hạn quy định (Căn cứ: Điều 49).
Trên đây là nội dung thủ tục thay đổi cổ đông là người nước ngoài. Trên thực tế làm thủ tục có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác, nếu có nhu cầu thuê dịch vụ để thực hiện công việc này, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam trong thời gian sớm nhất để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết hơn.