Việc thay đổi chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong công ty cổ phần được thực hiện trong trường hợp nào? Quy trình, hồ sơ để thực hiện thủ tục? Phí, lệ phí phải nộp?
1. Công ty được thay đổi chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu khi nào?
Theo nội dung Khoản 1 và 2 Điều 97 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2022 có hiệu lực từ năm 2023) và Điểm 17.4c Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 16 Điều 1 Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN), có thể hiểu công ty cổ phần được yêu cầu sửa đổi tên và địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong trường hợp sau:
- Thay đổi, sửa chữa thiếu sót về tên, quốc tịch của tác giả; tên, địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ
- Thay đổi chủ đơn trên cơ sở thừa kế hoặc kế thừa tài sản khi sáp nhập, chia, tách, hợp nhất doanh nghiệp, liên kế, liên doanh, thành lập công ty mới của cùng chủ sở hữu; tiến hành chuyển đổi hình thức kinh doanh; theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
- Sửa đổi quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
*Lưu ý: Những thay đổi hoặc thiếu sót phát sinh có thể xuất phát từ phía công ty hoặc chính Cục Sở hữu trí tuệ trong quá trình nhập liệu. Do vậy, doanh nghiệp không cần đóng phí, lệ phí nếu lỗi, sai sót đó là do cơ quan có thẩm quyền.
2. Hồ sơ thay đổi chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong công ty cổ phần
Theo Điểm 20.1c Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a Khoản 19 Điều 1 Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN), hồ sơ yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ do thay đổi chủ văn bằng bao gồm:
- Tờ khai yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp;
- Bản gốc văn bằng;
- Tài liệu xác nhận việc thay đổi tên, địa chỉ (bản gốc hoặc bản sao công chứng); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc xác nhận của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ hoặc các tài liệu pháp lý tương đương khác;
- Tài liệu chứng minh việc thừa kế hoặc kế thừa tài sản khi sáp nhập, chia, tách, hợp nhất doanh nghiệp, liên kế, liên doanh, thành lập công ty mới của cùng chủ sở hữu; tiến hành chuyển đổi hình thức kinh doanh; theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
- Tài liệu thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi;
- 05 mẫu nhãn hiệu (nếu yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu);
- 02 bản quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thế, 02 bản quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đã sửa đổi (nếu yêu cầu sửa đổi nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận).
- Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục nếu công ty ủy quyền cho đại diện thực hiện công việc;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Tài liệu khác (nếu cần).
*Lưu ý: Một tờ khai có thể yêu cầu sửa đổi nhiều văn bằng bảo hộ nếu có cùng nội dung sửa đổi, với điều kiện doanh nghiệp yêu cầu phải nộp phí đối với từng văn bằng bảo hộ.
3. Quy trình giải quyết thủ tục
Bước 1. Nộp hồ sơ và phí, lệ phí
- Nộp hồ sơ: Công ty nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc tới trực tiếp một trong các điểm tiếp nhận đơn sau:
- Hà Nội: 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội;
- Tp. Hồ Chí Minh: 17-19 đường Tôn Thất Tùng, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
- Đà Nẵng: 135 Minh Mạng, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
- Nộp phí, lệ phí: Phí, lệ phí thực hiện thủ tục sẽ được nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ. Công ty có thể nộp trực tiếp tại điểm tiếp nhận hồ sơ hoặc chuyển tiền vào tài khoản Kho bạc của Cục hoặc nộp qua dịch vụ bưu điện. Biên lai, chứng từ nộp phí, lệ phí (bản sao/chụp) phải được nộp kèm trong hồ sơ, đặc biệt là khi doanh nghiệp nộp qua bưu điện hoặc chuyển khoản.
Bước 2. Thẩm định hồ sơ
Trong vòng 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định và giải quyết đơn của doanh nghiệp.
Bước 3. Thông báo kết quả
- Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định ghi nhận sửa đổi văn bằng và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, đồng thời cập nhật nội dung sửa đổi vào bản gốc văn bằng và trả cho chủ sở hữu.
- Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ gửi văn bản thông báo nêu rõ căn cứ dự định từ chối và yêu cầu doanh nghiệp cho ý kiến hoặc sửa đổi trong vòng 02 tháng. Nếu hết thời hạn này, doanh nghiệp không sửa/không đưa ý kiến hoặc có sửa/có ý kiến nhưng không xác đáng, hợp lý thì Cục sẽ ra Quyết định từ chối sửa đổi văn bằng.
4. Phí Nhà nước cần nộp
Theo Biểu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC, công ty thay đổi chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu phải nộp:
- Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi văn bằng: 160.000 đồng/văn bằng;
- Phí công bố Quyết định sửa đổi văn bằng: 120.000 đồng/đơn;
- Phí đăng bạ Quyết định sửa đổi văn bằng: 120.000 đồng/văn bằng.
Trên đây là nội dung thủ tục thay đổi chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong công ty cổ phần. Thực tế khi bắt tay vào thực hiện công việc có thể phát sinh thêm nhiều vấn đề khác, do vậy nếu có nhu cầu thuê dịch vụ để xử lý thủ tục này, quý khách hàng vui lòng liên hệ LuatVietnam để được tư vấn và hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.