Việc sửa đổi bản mô tả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý công ty cổ phần được thực hiện khi có sự thay đổi về tính chất, chất lượng, danh tiếng của sản phẩm đó.
1. Những điều cần biết về bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
Theo Khoản 22 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2022, có thể hiểu chỉ dẫn địa lý là tập hợp các dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc sản phẩm. Nói một cách đơn giản hơn, chỉ cần nhắc đến sản phẩm đó, ta biết ngay nó đến từ địa phương, vùng nào.
Ví dụ: Bưởi Đoan Hùng, nước mắm Phú Quốc…
Trong nội dung văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, một trong những nội dung quan trọng nhất là phần mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Bản mô tả sẽ giúp cơ quan quản lý hiểu rõ về sản phẩm, đánh giá sản phẩm có an toàn và phù hợp với người tiêu dùng không để từ đó ra quyết định cấp văn bằng.
Vậy bản mô tả cần đáp ứng được yêu cầu gì? Phải đưa vào những nội dung gì?
1.1 Nội dung cần có trong bản mô tả tính chất đặc thù
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 106 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, số 07/2022/QH15 có hiệu lực từ 01/01/2023), bản mô tả tính chất đặc thù phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Mô tả loại sản phẩm (phần nguyên liệu thô; đặc tính hóa học, lý học, vi sinh và cảm quan của sản phẩm);
- Cách xác định khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Chứng cứ về loại sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý;
- Mô tả phương pháp sản xuất, chế biến (mang tính địa phương và ổn định);
- Thông tin về mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù/danh tiếng sản phẩm với điều kiện địa lý;
- Thông tin về cơ chế tự kiểm tra các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.
1.2 Yêu cầu về bản mô tả tính chất, danh tiếng, chất lượng sản phẩm
Theo quy định tại Điểm 43.4, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, bản mô tả tính chất, chất lượng, danh tiếng của sản phẩm cần phải có đầy đủ thông tin và tài liệu xác nhận (nghiên cứu, báo cáo,…) về:
- Tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định (chỉ tiêu cảm quan, định tính, định lượng về sinh học, vật lý, hóa học; có thể kiểm nghiệm bởi chuyên gia hoặc phương tiện kỹ thuật;
- Danh tiếng sản phẩm do điều kiện địa lý quyết định (sự biết đến của giới tiêu dùng đối với sản phẩm một cách rộng rãi);
- Điều kiện địa lý tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản, bao gồm:
- Yếu tố độc đáo về địa hình, địa chất, khí tượng, hệ sinh thái cùng các điều kiện tự nhiên khác;
- Sự độc đáo về kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất (thông tin chi tiết, rõ ràng và có thể kiểm tra được về quy trình sản xuất truyền thống của địa phương, lựa chọn nguyên liệu, chế biến…mà những yếu tố này tạo ra và duy trì chất lượng đặc thù, tính chất hoặc danh tiếng cho sản phẩm. Người nộp đơn có quyền từ chối cung cấp các phần thông tin liên quan đến bí quyết kỹ thuật, bí mật nếu không được cam kết bảo mật theo yêu cầu của mình).
- Mối quan hệ giữa điều kiện địa lý và chất lượng đặc thù, danh tiếng hoặc tính chất của sản phẩm.
2. Công ty được sửa đổi bản mô tả trong trường hợp nào?
Căn cứ nội dung Điều 97 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2023), các doanh nghiệp được phép sửa đổi bản mô tả thông tin của sản phẩm hoặc nếu phát hiện ra sai sót do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Công ty cổ phần phải nộp phí, lệ phí khi yêu cầu sửa, thay đổi bản mô tả (trừ trường hợp những thiếu sót trong văn bằng bảo hộ do lỗi của Cục Sở hữu trí tuệ gây ra).
3. Hồ sơ sửa đổi bản mô tả tính chất đặc thù chỉ dẫn địa lý công ty cổ phần
Theo Điểm c, Khoản 19 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi Điểm 20.1c Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, hồ sơ sửa đổi bản mô tả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý gồm:
- Tờ khai yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ;
- Tài liệu thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi;
- 02 bản mô tả tính chất/chất lượng/danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã sửa đổi;
- Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục nếu nộp yêu cầu thông qua đại diện;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
4. Hướng dẫn nộp hồ sơ
Công ty cổ phần có thể nộp hồ sơ bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới:
Trụ sở Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam: số 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Cục sở hữu trí tuệ còn có 02 văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng:
- Thành phố Đà Nẵng: 135 Minh Mạng, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn;
- Thành phố Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ giải quyết hồ sơ của công ty trong vòng 02 tháng kể từ ngày nhận đơn. Nếu xét thấy yêu cầu không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo dự định từ chối chấp nhận việc sửa đổi bằng văn bản, nêu rõ căn cứ pháp lý và yêu cầu công ty sửa chữa hoặc có ý kiến trong thời hạn 02 tháng.
Nếu kết thúc thời hạn nêu trên, doanh nghiệp không sửa chữa/phản đối hoặc việc sửa chữa/phản đối chưa đạt yêu cầu hoặc không xác đáng, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối yêu cầu sửa đổi bản mô tả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
5. Phí, lệ phí cần nộp
Theo Điểm a Khoản 19 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN và Biểu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC, khi yêu cầu sửa đổi bản mô tả tính chất địa lý của sản phẩm thì công ty cổ phần phải nộp:
- Phí thẩm định, yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ: 160.000 đồng/văn bằng;
- Phí đăng bạ: 120.000 đồng/văn bằng;
- Phí công bố quyết định ghi nhận sửa đổi văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng/đơn.
Trên đây là nội dung sửa đổi bản mô tả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý công ty cổ phần cần biết trước khi tiến hành. Trên thực tế khi thực hiện thủ tục có thể sẽ phát sinh thêm những vấn đề khác, do vậy nếu có nhu cầu thuê dịch vụ soạn và nộp hồ sơ, quý khách hàng vui lòng liên hệ LuatVietnam để trao đổi chi tiết hơn.