Giám đốc là một chức danh quan trọng, có vai trò không thể thiếu trong doanh nghiệp. Vậy quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc công ty cổ phần gồm mấy bước?
1. Những điều cần biết về Giám đốc
1.1 Giám đốc là ai?
Giám đốc/Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty và chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.
Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
1.2 Tiêu chuẩn và điều kiện
Theo Khoản 5 Điều 162 và Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, tiêu chuẩn và điều kiện của (Tổng) Giám đốc:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp (cán bộ trong ngành Công an; người mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự…);
- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
Lưu ý: Nhiệm kỳ của Giám đốc không quá 05 năm, có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế (theo Khoản 2 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020).
3. Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc trong doanh nghiệp
Quyền và nghĩa vụ của (Tổng) Giám đốc công ty cổ phần được quy định chi tiết tại Khoản 3 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:3.1 Quyền của (Tổng) Giám đốc
- Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;
- Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
Hội đồng quản trị có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với Giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định.
- Quyết định tiền lương và quyền lợi khác đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của (Tổng) Giám đốc;
- Tuyển dụng lao động;
- Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng quản trị.
3.2 Nghĩa vụ
Giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết của Hội đồng quản trị.
Trường hợp điều hành trái với quy định mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.
4. Thù lao, tiền lương
Theo Điều 163 Luật Doanh nghiệp năm 2020, (Tổng) Giám đốc được trả lương và tiền thưởng. Tiền lương của Giám đốc do Hội đồng quản trị quyết định.
Tiền lương của Giám đốc/Tổng Giám đốc được tính vào chi phí kinh doanh của công ty và phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty, phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
2. Quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc công ty cổ phần
2.1 Bổ nhiệm giám đốc
a. Ai là người có quyền bổ nhiệm?
Hội đồng quản trị có quyền bổ nhiệm, lựa chọn một người từ trong Hội đồng quản trị để làm Giám đốc. Trong trường hợp không lựa chọn được người phụ hợp, hội đồng quản trị có thể thuê Giám đốc/Tổng Giám đốc bên ngoài.
b. Quy trình bổ nhiệm
- Bước 1. Tìm Giám đốc
Căn cứ Khoản 1 Điều 162 Luật Doanh nghiệp, (Tổng) Giám đốc sẽ được lựa chọn bằng cách:
- Lựa chọn một trong các thành viên từ Hội đồng quản trị;
- Thuê nhân sự bên ngoài và ký hợp đồng lao động.
Người được chọn dự kiến là Giám đốc phải đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về năng lực chuyên môn và năng lực hành vi, không thuộc trường hợp cấm của pháp luật.
- Bước 2. Bổ nhiệm Giám đốc thông qua họp Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị tổ chức họp và thông qua việc bổ nhiệm Giám đốc bằng hình thức biểu quyết trực tiếp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định.
Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc công ty trừ trường hợp Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác.
Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty;
Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Bước 3. Thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị
Nghị quyết là văn bản ghi nhận những vấn đề được bàn bạc và thông qua của các thành viên trong Hội đồng quản trị, trong đó có việc bổ nhiệm Giám đốc. Nghị quyết sẽ được thông qua khi đa số thành viên ( > 50%) tán thành, trừ trường hợp Điều lệ có quy định tỷ lệ khác cao hơn.
- Bước 4. Làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp hoặc thay đổi người đại diện theo pháp luật
Công ty thông báo bằng văn bản tới Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính để nộp hồ sơ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.
Doanh nghiệp cần nộp kèm biên bản họp và nghị quyết của Hội đồng quản trị để chứng minh việc thay đổi Giám đốc đã được công ty ghi nhận, không cần nộp hợp đồng lao động trong trường hợp thuê Giám đốc.
2.2 Quy trình miễn nhiệm
a. Các trường hợp miễn nhiệm
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bị miễn nhiệm trong trường hợp sau đây:
- Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định: thuộc trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp (người không đủ năng lực hành vi dân sự; cán bộ, công chức, viên chức…); trình độ, chuyên môn không phù hợp; có quan hệ gia đình với những người đứng đầu trong công ty cổ phần v.v.
- Có đơn xin nghỉ việc.
b. Ai có quyền miễn nhiệm?
Hội đồng quản trị là người có quyền bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc nên cũng đồng thời có quyền miễn nhiệm và lựa chọn người mới làm Giám đốc/Tổng Giám đốc để thực hiện các chiến lược kinh doanh trong công ty.
c. Quy trình miễn nhiệm
Tương tự như khi bổ nhiệm giám đốc. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể cùng lúc miễn nhiệm người cũ và bổ nhiệm Giám đốc mới ngay tại cuộc họp.
Xem thêm:
- Yêu cầu triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị;
- Thông báo mời họp Hội đồng quản trị;
- Nghị quyết của hội đồng quản trị;
- Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần;
- Mẫu quyết định bổ nhiệm (Tổng) Giám đốc;
- Mẫu Quyết định miễn nhiệm (Tổng) Giám đốc;
- Mẫu Biên bản họp Hội đồng quản trị bổ nhiệm/miễn nhiệm (Tổng) Giám đốc.
Trên đây là nội dung việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam để được tư vấn và giải đáp thêm thông tin.