Kế toán viên cần nắm được những vấn đề sau để có thể nộp tờ khai thuế GTGT cho công ty cổ phần đúng luật và tránh bị xử phạt bởi cơ quan có thẩm quyền.
1. Thuế GTGT là gì? Nộp tờ khai thuế GTGT để làm gì?
Thuế GTGT là một trong những loại khoản tiền mà các công ty, đơn vị hoạt động tại Việt Nam phải nộp cho cơ quan nhà nước. Theo Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, thuế GTGT là thuế mà cơ quan thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Để cơ quan thuế có căn cứ xác định mức thuế phải nộp, doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế trong thời hạn cho phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.
2. Kế toán viên cần làm gì khi nộp tờ khai thuế GTGT cho công ty cổ phần?
Nộp tờ khai thuế GTGT là nghiệp vụ cố định và quan trọng, do vậy, kế toán viên của các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập) cần nắm được những nội dung cơ bản sau trước khi thực hiện công việc, cụ thể:
2.1 Xác định thời gian và phương pháp nộp thuế
(i) Doanh nghiệp khai thuế theo tháng hay quý?
Theo nội dung Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, tất cả các doanh nghiệp phải tiến hành kê khai thuế GTGT theo tháng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nào đáp ứng điều kiện nêu tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì được lựa chọn hình thức kê khai thuế theo tháng, cụ thể:
- Doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liên kề là từ 50 tỷ đồng trở xuống;
- Doanh nghiệp mới hoạt động thì được phép lựa chọn kê khai thuế GTGT theo quý. Sau khi đủ 12 tháng sản xuất – kinh doanh thì từ năm dương lịch liên kế tiếp, doanh nghiệp căn cứ mức doanh thu của năm dương lịch trước đó liền kề (đủ 12 tháng) để tiến hành khai thuế theo tháng hoặc quý. Ví dụ: Công ty cổ phần ABC thành lập từ tháng 6/2022 thì năm 2022 và 2023 công ty ABC được lựa chọn kê khai thuế theo quý. Đến năm 2024, công ty ABC căn cứ vào doanh thu năm 2023 (đủ 12 tháng) để xác định việc kê khai thuế theo quý hoặc tháng.
*Lưu ý:
- Doanh thu được nhắc đến tại mục này là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế GTGT của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch;
- Nếu công ty cổ phần kê khai thuế cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu sẽ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc và địa điểm kinh doanh.
(ii) Phương pháp tính thuế của doanh nghiệp là khấu trừ hay trực tiếp?
Theo Khoản 1 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC, phương pháp khấu trừ thuế áp dụng với:
- Doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 01 tỷ trở lên;
- Doanh nghiệp tự nguyện đăng ký.
Ngoài ra, doanh nghiệp tiến hành kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp khi:
- Có doanh thu hàng năm dưới 01 tỷ đồng;
- Doanh nghiệp đăng ký tự nguyện.
*Lưu ý:
Ngưỡng doanh thu 01 tỷ đồng nêu tại mục này là tổng doanh thu chịu thuế GTGT. Công ty tự xác định doanh thu dựa trên:
- Kê khai thuế theo tháng: Tổng hợp các tờ khai từ tháng 11 năm trước đến hết kỳ tính thuế tháng 10 năm hiện tại của kỳ tính thuế (trước năm xác định phương pháp tính thuế GTGT), hoặc;
- Kê khai thuế theo quý: Tổng hợp toàn bộ tờ khai từ quý 4 năm trước đến hết kỳ tính thuế quý 3 năm hiện tại của kỳ tính thuế (trước năm xác định phương pháp tính thuế GTGT).
2.2 Mẫu tờ khai thuế GTGT
(i) Công ty kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ
Nếu không thuộc những trường hợp dưới đây, công ty cổ phần có thể sử dụng Mẫu 01/GTGT của Thông tư 80/2021/TT-BTC để kê khai:
- Công ty hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi đóng trụ sở chính;
- Công ty có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế.
(ii) Công ty kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp
- Phương pháp trực tiếp trên GTGT: Mẫu 03/GTGT của Thông tư 80/2021 (áp dụng đối với công ty mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý);
- Phương pháp trực tiếp trên doanh thu: Mẫu 04/GTGT của Thông tư 80/2021.
2.3 Cách thức và thời hạn nộp
(i) Cách thức
Công ty có thể nộp tờ khai thuế GTGT qua phần mềm HTKK. Tuy nhiên trước khi nộp tờ khai, công ty cần chuẩn bị chữ ký số và download phần mềm bản mới nhất.
(ii) Thời hạn nộp
Căn cứ nội dung Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019:
- Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo tháng là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo phát sinh nghĩa vụ thuế;
Ví dụ: Hạn cuối cùng nộp tờ khai thuế GTGT của tháng 4/2022 là ngày 20/5/2022.
- Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo quý là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Ví dụ: Hạn cuối cùng nộp tờ khai của quý 2 (tháng 4, 5, 6) năm 2022 là ngày 31/7/2022.
3. Xử phạt vi phạm do chậm nộp tờ khai thuế
Nộp thuế và tờ khai thuế kịp thời, đúng hạn là nghĩa vụ của doanh nghiệp với Nhà nước. Việc chậm nộp tờ khai của công ty (tùy theo mức độ vi phạm) sẽ bị áp dụng hình thức xử lý theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Hành vi, số ngày chậm nộp | Mức phạt |
Nộp tờ khai chậm từ 01 – 05 ngày, có tình tiết giảm nhẹ | Cảnh cáo |
Nộp tờ khai chậm từ 01 – 30 ngày | Phạt từ 02 – 5 triệu đồng |
Nộp tờ khai chậm từ 31 – 60 ngày | Phạt từ 5 – 8 triệu đồng |
- Nộp tờ khai chậm từ 61 - 90 ngày; - Nộp tờ khai chậm từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; - Không nộp tờ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; - Không nộp các phụ lục về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế TNDN. | Phạt từ 8 – 15 triệu đồng |
- Nộp hồ sơ khai thuế chậm trên 90 ngày, có phát sinh số thuế phải nộp và doanh nghiệp đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp trước thời điểm có công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế hoặc trước khi bị lập biên bản do chậm nộp hồ sơ; - Trường hợp số tiền phạt lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền. | Phạt từ 15 – 25 triệu đồng |
Trên đây là 3 nội dung tổng quan về nộp tờ khai thuế GTGT trong công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc hoặc có câu hỏi phát sinh ngoài nội dung bài viết, xin mời quý khách hàng liên hệ với LuatVietnam trong thời gian sớm nhất để được tư vấn và hỗ trợ thêm.