Hiện nay có rất nhiều app bán hàng nhưng không phải app nào cũng hoạt động hiệu quả. Nếu muốn ngừng hoạt động app bán hàng trong công ty cổ phần, cần làm thủ tục gì?
1. App bán hàng là gì?
Theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BCT, ứng dụng bán hàng (hay còn gọi là app bán hàng) là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
Ví dụ: Yody, Vinfast, MyVIB…
2. Lợi ích của app bán hàng đối với doanh nghiệp
Thiết lập app bán hàng mang lại rất nhiều lợi ích cho công ty, có thể kể đến như:
Công cụ tiếp thị nhằm gia tăng doanh thu
App bán hàng trên thiết bị di động là công cụ tiếp thị tuyệt vời cho phép công ty nổi bật so với các đối thủ. Thay vì chạy theo phương pháp tiếp thị truyền thống (tờ rơi, tài liệu quảng cáo…), công ty đầu tư tiền, thời gian và chất xám…để thiết lập ứng dụng đẹp, dễ sử dụng nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Đồng thời, thông qua app, công ty có thể cung cấp thông tin về sản phẩm mới, giảm giá, chương trình khuyến mại…để tiếp thị hình ảnh thương hiệu của công ty một cách mạnh mẽ đến người tiêu dùng.
Tiết kiệm chi phí
Việc tập trung xây dựng app bán hàng qua điện thoại di động giúp công ty hạn chế khoản đầu tư lớn để thuê mặt bằng cửa hàng, phí duy trì việc kinh doanh (điện, nước, nhân viên, thuế…).
Tăng độ trung thành của khách hàng
Doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với khách hàng bằng app bán hàng. So với quảng cáo trên mạng xã hội, tiếp thị qua email hay một số phương thức truyền thống khác, các tính năng như mua hàng trực tiếp tại app, các thông tin về chương trình khuyến mại, giảm giá… sẽ tạo sức ảnh hưởng lớn đến khách hàng, gia tăng tương tác và từ đó nâng cao mức độ trung thành và cam kết với doanh nghiệp.
Thu thập dữ liệu người tiêu dùng
Các app bán hàng qua điện thoại di động hiện nay đều tích hợp công cụ phân tích dữ liệu. Nó có thể giúp các công ty tìm hiểu thói quen mua sắm, tiêu dùng của khách hàng khi thao tác trên điện thoại.
Đặc biệt, khi mua hàng trực tuyến, khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ giao hàng…), từ đó doanh nghiệp có “chân dung khách hàng” để tiếp tục khai thác phục vụ việc kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận.
3. Ngừng hoạt động app bán hàng trong công ty cổ phần thế nào?
Ngày nay, việc kinh doanh qua app di động đã chứng minh được vị thế vững vàng không gì lay chuyển được tại thị trường Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, với mức độ cạnh tranh khốc liệt thì mức độ đào thải của ngành thương mại điện tử cũng vô cùng lớn. Không ít doanh nghiệp phải tính đến phương án chấm dứt, chuyển nhượng hay ngừng hoạt động app bán hàng.
Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BCT, công ty cổ phần muốn ngừng hoạt động app mà mình đã đăng ký với Bộ Công Thương trước đó thì cũng phải làm thủ tục thông báo. Việc thông báo phải thực hiện trước 7 ngày làm việc tính từ ngày dự kiến ngừng hoạt động.
Quy trình và tài liệu cần thiết để tiến hành thủ tục được quy định như sau:
- Công ty truy cập Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn);
- Đăng nhập tài khoản đã được cấp;
- Chọn cột thông tin ngừng hoạt động và tiến hành khai báo theo hướng dẫn trên hệ thống;
- Gửi Thông báo về việc ngừng hoạt động ứng dụng bán hàng về Bộ Công thương trong 07 ngày làm việc kể từ ngày ngừng hoạt động.
Nếu người thực hiện thủ tục không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì phải xuất trình kèm theo Văn bản ủy quyền có dấu và chữ ký của người đại diện hợp pháp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo đầy đủ, chính xác từ công ty, Bộ Công thương sẽ xem xét và xác nhận ngừng hoạt động app bán hàng của doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung về thủ tục ngừng hoạt động app bán hàng trong công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp, quý khách hàng vui lòng liên hệ LuatVietnam để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.