Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Lưu ý khi lập website cung cấp dịch vụ TMĐT trong công ty cổ phần

Hiện nay có rất nhiều website TMĐT hoạt động trên thiết bị điện tử. Bài viết này sẽ tổng hợp những lưu ý khi lập website cung cấp dịch vụ TMĐT trong công ty cổ phần.

 

1. Lưu ý khi lập website cung cấp dịch vụ TMĐT trong công ty cổ phần

1.1 Tính hợp pháp của website

Theo Khoản 8 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (Nghị định 52), công ty sở hữu website cung cấp dịch vụ TMĐT phải ngăn chặn và loại bỏ các thông tin về hàng hóa, dịch vụ sau:

- Hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh;

- Hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu hoặc hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Các loại hàng hóa, dịch vụ bị phát hiện hoặc bị phản ánh là vi phạm pháp luật và có căn cứ để xác thực những thông tin này.

1.2 Giấy phép kinh doanh

Căn cứ Khoản 5 Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT, đối với những loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện, công ty cổ phần phải yêu cầu người bán cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó.

1.3 Thông tin khách hàng

Nếu website của công ty có tính năng thu thập thông tin cá nhân của khách hàng và đặt hàng, thanh toán trực tuyến thì phải lưu ý các vấn đề tại công việc tương ứng dưới đây:

Những lưu ý khi tiến hành thu thập thông tin cá nhân của khách hàng;

Quy định về chức năng đặt hàng trực tuyến trong công ty cổ phần;

Quy định về chức năng thanh toán trực tuyến trong công ty cổ phần.

luu y khi lap website cung cap dich vu tmdt trong cong ty co phan
Lưu ý khi lập website cung cấp dịch vụ TMĐT trong công ty cổ phần (Ảnh minh họa)

2. Lưu ý đặc biệt đối với từng loại hình website

Theo Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP), website cung cấp dịch vụ TMĐT là website TMĐT được doanh nghiệp hoặc tổ chức thiết lập. Website ra đời để cung cấp môi trường hoạt động thương mại cho những nhà bán hàng (doanh nghiệp, cá nhân…).

Website cung cấp dịch vụ TMĐT bao gồm:

- Sàn giao dịch TMĐT;

- Website đấu giá trực tuyến;

- Website khuyến mại trực tuyến;

- Các loại website khác được quy định bởi Bộ Công Thương.

Ta có thể thấy, mỗi loại hình website được công nhận đều nhằm phục vụ những mục đích khác nhau. Do vậy, khi tiến hành thiết lập, cần lưu ý:

2.1 Đối với sàn giao dịch TMĐT

Khoản 3 Điều 31 và Điều 36 của Nghị định 52 đã quy định rõ, đối với website cung cấp dịch vụ TMĐT là sàn giao dịch, công ty cần phải công khai các thông tin sau đây:

- Quy chế hoạt động;

- Cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch;

- Chi tiết cách thức tính phí dịch vụ và cơ chế thanh toán;

Ngoài ra, công ty phải yêu cầu người bán trên sàn cung cấp các thông tin được liệt kê tại Điều 29 Nghị định 52 gồm:

- Tên, địa chỉ thường trú hoặc trụ sở;

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc mã số thuế cá nhân;

- Số điện thoại hoặc phương thức liên hệ trực tuyến khác (Ví dụ: facebook, zalo, email...)

2.2 Đối với website khuyến mại trực tuyến

Doanh nghiệp thiết lập website dịch vụ TMĐT là khuyến mại trực tuyến cần lưu ý những vấn đề sau đây:

- Các hình thức khuyến mại được thực hiện (theo Khoản 2 Điều 39 Nghị định 52) gồm:

  • Bán phiếu mua hàng hoặc phiếu sử dụng dịch vụ;
  • Bán các thẻ khách hàng thường xuyên;
  • Các hình thức của dịch vụ khuyến mại trực tuyến khác do Bộ Công Thương quy định.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ TMĐThợp đồng dịch vụ khuyến mại là cơ sở xác định quyền, nghĩa vụ đối với cá nhân hoặc doanh nghiệp có hàng hóa dùng để khuyến mại.

- Căn cứ Điều 40 Nghị định 52, trong từng thông tin khuyến mại, doanh nghiệp sở hữu website khuyến mại trực tuyến phải đăng công khai các thông tin sau:

  • Tên, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên hệ khác của chủ thể có hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại;
  • Mô tả tối thiểu hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và dùng để khuyến mại: xuất xứ, quy cách, chất lượng;
  • Thời gian khuyến mại, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và địa bàn hoạt động khuyến mại;
  • Giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ trước thời điểm được khuyến mại;
  • Tổng chi phí thực tế khách hàng phải trả để sở hữu hàng hóa, sử dụng dịch vụ được khuyến mại;
  • Nội dung cụ thể của các điều kiện gắn với việc khuyến mại;
  • Ý kiến đánh giá hoặc phản hồi trực tuyến của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ.

- Xây dựng và công bố Quy chế hoạt động của website cung cấp dịch vụ khuyến mại trực tuyến; Cơ chế tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại của khách hàng (theo Khoản 7 Điều 41 Nghị định 52);

- Chịu trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; bồi thường cho khách hàng nếu phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ hoặc thẻ khách hàng thường xuyên do mình phát hành bị đối tác từ chối trái với các điều kiện đã công bố trên website hoặc trên chính phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, thẻ khách hàng thường xuyên đó (theo Khoản 9 Điều 41 Nghị định 52).

2.3 Đối với website đấu giá trực tuyến

Doanh nghiệp thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT là đấu giá trực tuyến cần lưu ý những vấn đề sau:

- Bảo đảm hệ thống kỹ thuật được nêu tại Điều 45 Nghị định 52, cụ thể như sau:

  • Ghi nhận và lưu trữ mọi mức giá được trả trong một cuộc đấu giá;
  • Sau thời điểm bắt đầu một cuộc đấu giá, cứ 30 giây một lần hiển thị trên website mức giá cao nhất được ghi nhận và người trả mức giá đó để mọi bên tham gia cuộc đấu giá có thể xem được;
  • Hệ thống không cho phép người tham gia đấu giá rút lại giá đã trả phải có thông báo rõ ràng đối với người tham gia đấu giá về việc này ngay trước thời điểm đấu giá, trong đó nêu cụ thể trách nhiệm của người tham gia đấu giá trong trường hợp trả giá nhưng không mua hàng.

- Bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ sau:

  • Xây dựng, công bố Quy chế hoạt động của website đấu giá trực tuyến, Cơ chế giải quyết tranh chấp công khai trên trang chủ website;
  • Công bố thông tin chi tiết về cách thức tính phí dịch vụ và cơ chế thanh toán;
  • Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia và thường xuyên cập nhật;
  • Nếu lỗi của hệ thống kỹ thuật khiến cuộc đấu giá không bắt đầu được vào thời điểm người bán dự định tổ chức đấu giá, người cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến phải hoàn trả cho người bán mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức đấu giá mà người bán đã thanh toán cho người cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến;
  • Nếu lỗi của hệ thống kỹ thuật khiến người tham gia đấu giá không tiếp tục trả giá được sau khi cuộc đấu giá bắt đầu, thì người cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến phải hủy kết quả đấu giá và cho phép người bán tổ chức đấu giá lại, đồng thời chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức đấu giá lại này.

- Trong trường hợp có nhiều người đồng thời trả một mức giá là giá thắng cuộc đấu giá, người bán phải tổ chức rút thăm giữa những người đó để quyết định người mua hàng (hình thức rút thăm do người bán quyết định).

- Theo Điều 51 Nghị định 52, ngay sau khi kết thúc cuộc đấu giá, công ty cổ phần lập thông báo kết quả đấu giá, trong đó ghi rõ các thông tin về hàng hóa, mức giá cuối cùng được trả, thời điểm hệ thống nhận được mức trả giá cuối cùng, thông tin liên hệ của người mua hàng gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan.

Trên đây là những lưu ý khi lập website cung cấp dịch vụ TMĐT trong công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam trong thời gian sớm nhất để được tư vấn và hỗ trợ cụ thể hơn.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi