Khi lập thang, bảng lương công ty cổ phần có cần thông báo không? Thang, bảng lương gồm có nội dung gì?...là vấn đề được nhiều công ty quan tâm.
1. Thang, bảng lương là gì?
Thang, bảng lương là hệ thống các nhóm lương, ngạch lương và các bậc lương được thiết kế làm cơ sở trả lương cho người lao động.
2. Vì sao phải lập thang, bảng lương công ty cổ phần?
Theo Khoản 1 Điều 93 Bộ Luật lao động 2019, thang, bảng lương là căn cứ để công ty tổ chức tuyển và sử dụng lao động; thỏa thuận mức lương và trả lương người lao động.
Ngoài ra, xây dựng thang, bảng lương là cách thể hiện tính minh bạch, chuyên nghiệp trong hoạt động của chính công ty, từ đó người lao động có động lực phấn đấu để đạt mức lương cao hơn; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể quản lý chi phí lương hiệu quả hơn.
3. Công ty có phải làm thủ tục thông báo khi lập thang, bảng lương không?
Trước đây theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 1 Nghị định 121/2018/NĐ-CP (đều đã hết hiệu lực), doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên thì phải làm thủ tục đăng ký thang, bảng lương cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi cơ sở sản xuất – kinh doanh của công ty hoạt động, đồng thời công khai thang, bảng lương tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 93 Bộ Luật lao động năm 2019, từ ngày 01/01/2021, các công ty cổ phần không cần phải thực hiện thủ tục này nữa. Khi xây dựng thang, bảng lương thì doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và tiến hành công bố cho tất cả người lao động tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
4. Lập thang, bảng lương trong công ty cổ phần
Hệ thống thang, bảng lương do công ty xây dựng cần có những loại tài liệu sau:
- Quyết định ban hành hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp;
- Thang lương, bảng lương của doanh nghiệp (có thể là lập mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Thang, bảng lương cần xây dựng dựa vào mức lương tối thiểu từng vùng hiện đang quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2022);
- Bảng quy định tiêu chuẩn và điều kiện tương ứng đối với từng chức danh (trong bảng tiêu chuẩn phải quy định cụ thể các yêu cầu với người lao động: kỹ năng văn phòng, chuyên môn, ngoại ngữ; lĩnh vực, số năm kinh nghiệm tương ứng với từng công việc);
- Biên bản lấy ý kiến tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở về thang, bảng lương (nếu công ty chưa có công đoàn, cần lấy ý kiến của tất cả người lao động trong công ty).
5. Xử phạt vi phạm về xây dựng thang, bảng lương
Hiện nay, tuy không cần làm phải nộp thang bảng lương cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở, nhưng nếu vi phạm vào một trong các hành vi dưới đây thì công ty vẫn bị áp dụng mức phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể:
- Doanh nghiệp không công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện thang lương, bảng lương; hoặc không xây dựng thang, bảng lương thì sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 10 triệu đồng.
- Ngoài ra, khi xây dựng thang, bảng lương mà công ty không tham khảo, lấy ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc của tập thể người lao động cũng sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Trên đây là nội dung hướng dẫn lập thang, bảng lương công ty cổ phần theo luật mới nhất. Nếu còn vấn đề cần giải đáp, quý khách hàng vui lòng liên hệ LuatVietnam để được hỗ trợ thêm.