Việc nộp, khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong công ty cổ phần được quy định ra sao? Hồ sơ khai thuế gồm những giấy tờ gì? Mức thuế phải nộp?
1. Đối tượng chịu thuế
Thuế đất là một khoản tài chính mà Nhà nước thu từ tổ chức hoặc cá nhân sử dụng đất. Cụ thể hơn, theo Điều 1 Thông tư 153/2011/TT-BTC (Nghị định 153), đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gồm:
(i) Đất ở tại nông thôn và tại đô thị;
(ii) Đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp:
- Đất xây dựng khu công nghiệp: đất để xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu sản xuất, kinh doanh tập trung khác có cùng chế độ sử dụng đất;
- Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh: đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (kể cả đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu công nghệ cao, khu kinh tế);
- Đất để khai thác khoáng sản, làm mặt bằng chế biến khoáng sản (trừ trường hợp khai thác khoáng sản mà không ảnh hưởng đến lớp đất mặt hoặc mặt đất);
- Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm (gồm đất để khai thác nguyên liệu và đất làm mặt bằng chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm).
(iii) Đất phi nông nghiệp thuộc mục (ii) được các doanh nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Ngoài ra, nếu công ty sử dụng đất không thuộc đối tượng được quy định tại Điều 9 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 và Điều 10 Thông tư 153/2011/TT-BTC thì vẫn phải nộp thuế:
- Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (đặc biệt ưu đãi đầu tư); dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư (ưu đãi đầu tư) tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh;
- Đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;
- Đất xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, cơ sở chữa bệnh xã hội;
- Đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, công ty cổ phần khi sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế và không thuộc trường hợp được miễn thì phải đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
2. Nguyên tắc khai thuế đối với đất phi nông nghiệp
Theo Điều 16 Thông tư 153/2011/TT-BTC, công ty cổ phần phải khai chính xác các thông tin trên Tờ khai thuế, bao gồm:
- Tên, mã số thuế, địa chỉ nhận thông báo thuế của người khai thuế;
- Các thông tin về thửa đất chịu thuế (diện tích, mục đích sử dụng; số Giấy chứng nhận, ngày cấp, số tờ bản đồ, diện tích đất…).
*Lưu ý: Hằng năm, nếu có sự thay đổi thông tin người nộp thuế hoặc các yếu tố khác dẫn đến thay đổi mức thuế phải đóng thì doanh nghiệp phải thực hiện khai lại. Việc khai lại phải được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát sinh các sự việc trên (trừ trường hợp thay đổi giá 1m2 đất tính thuế).
3. Hồ sơ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong công ty cổ phần
Theo Điều 15 Thông tư 153/2011/TT-BTC, hồ sơ khai thuế gồm những giấy tờ sau:
- Trường hợp 1. Đối với trường hợp khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp của năm, hồ sơ gồm:
- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;
- Bản chụp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/Quyết định giao đất/Quyết định hoặc Hợp đồng cho thuê đất/Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Văn bản uỷ quyền thực hiện thủ tục dành cho người được công ty ủy quyền để thực hiện việc khai, nộp thuế.
4. Hướng dẫn nộp thuế đất phi nông nghiệp
4.1 Mức thuế phải đóng
Căn cứ Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư 153, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp được xác định như sau:
Số thuế phải nộp (đồng) = Số thuế phát sinh (đồng) - Số thuế được miễn (nếu có)
Trong đó:
Số thuế phát sinh = Diện tích đất tính thuế x Giá của 1m2 đất (đồng/m2) x Thuế suất %
Như vậy, để tính được số thuế phát sinh phải biết:
- Diện tích đất tính thuế: Diện tích đất phi nông nghiệp sử dụng trên thực tế;
- Giá của 01 m2 đất tính thuế: Căn cứ vào Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định theo chu kỳ 5 năm;
- Mức thuế suất áp dụng lên đất phi nông nghiệp.
4.2 Thời hạn nộp thuế
Theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 Thông tư 153, công ty phải nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của năm trong 02 kỳ:
- Kỳ thứ nhất, thời hạn nộp tiền chậm nhất là ngày 31/5;
- Kỳ thứ hai, thời hạn nộp tiền chậm nhất là ngày 31/10.
Công ty cổ phần được quyền lựa chọn nộp thuế 01 lần hoặc 02 lần trong năm. Trường hợp công ty muốn nộp một lần cho cả năm thì phải nộp vào kỳ thứ nhất của năm.
Trường hợp trong chu kỳ ổn định 5 năm mà công ty đề nghị được nộp thuế một lần cho nhiều năm thì hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 31/12 của năm đề nghị.
5. Xử phạt vi phạm khi khai, nộp thuế đất phi nông nghiệp
Việc công ty không tuân thủ thời gian nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Cụ thể, doanh nghiệp có thể bị cơ quan thuế cảnh cáo hoặc yêu cầu nộp phạt lên tới 25 triệu đồng. Mức phạt sẽ dựa vào các yếu tố:
- Số ngày chậm nộp so với quy định;
- Đã phát sinh thuế phải nộp hay chưa;
- Nếu đã phát sinh thuế phải nộp, công ty đã nộp cho cơ quan thuế chưa? Nếu đã nộp thì thời điểm nộp thuế diễn ra trước hay sau khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra?...
Việc nộp thuế và tờ khai thuế là nghĩa vụ bắt buộc, do vậy, doanh nghiệp cần nắm được thời điểm nộp thuế để thực hiện công việc và tránh tình trạng bị phạt, gây thất thoát tài sản của mình.
Trên đây là hướng dẫn việc nộp và khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc về thuế cần hỗ trợ, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam trong thời gian sớm nhất để được trao đổi, tư vấn chi tiết hơn.