Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Tất tần tật những hành vi khuyến mại bị cấm trong công ty cổ phần

Hành vi khuyến mại bị cấm trong công ty cổ phần theo quy định là danh mục những việc mà doanh nghiệp không được làm để kích cầu mua sắm, tăng doanh thu…

 

1. Khuyến mại là gì?

Khuyến mại (theo định nghĩa tại Khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005) là việc thương nhân (cá nhân, doanh nghiệp) thúc đẩy khách hàng tăng cường mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của mình bằng cách dành cho họ những lợi ích nhất định. Đồng thời, khuyến mại còn là cách quảng bá thương hiệu hoặc sản phẩm được các doanh nghiệp trên toàn thế giới thường xuyên áp dụng.

2. Các hình thức khuyến mại

Hiện nay, có nhiều cách thức để công ty cổ phần khuyến mại cho khách hàng mua, sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ và được nêu tại Điều 92 Luật Thương mại 2005, có thể kể đến: Dùng thử, tặng hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ không thu tiền; Giảm giá; Tặng phiếu mua hàng, cung ứng dịch vụ; Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên; Mua hàng hoàn tiền…

*Lưu ý: Công ty cổ phần có thể kết hợp các hình thức khuyến mại thay vì chỉ sử dung một cách thức.

hanh vi khuyen mai bi cam trong cong ty co phan
Những hành vi khuyến mại bị cấm trong công ty cổ phần (Ảnh minh họa)

3. Những hành vi khuyến mại bị cấm trong công ty cổ phần

Hành vi khuyến mại bị cấm trong công ty cổ phần theo quy định là danh mục những việc mà doanh nghiệp không được làm để kích cầu mua sắm, tăng doanh thu…

Pháp luật Việt Nam ngoài việc đưa ra các quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng doanh số kinh doanh thì cũng có những chế tài cấm một số hành vi khuyến mại, cụ thể tại Điều 100 Luật Thương mại 2005:

  • Cấm khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm/hạn chế kinh doanh; hàng hoá/dịch vụ chưa được phép lưu thông/cung ứng: đây là những loại hàng hóa mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không/hạn chế mua bán, cung ứng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân, ví dụ: ma túy, súng, các loại pháo…;
  • Cấm sử dụng hàng hoá, dịch vụ cấm/hạn chế kinh doanh; hàng hoá/dịch vụ chưa được phép lưu thông/cung ứng để khuyến mại. Ví dụ: Cấm sử dụng thuốc lá để làm quà khuyến mại;
  • Cấm khuyến mại/dùng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi: trẻ em, trẻ vị thành niên chưa đủ năng lực, kiến thức và kinh nghiệm sống, là một trong những đối tượng được pháp luật bảo vệ. Do vậy tuyệt đối không được dùng các chất kích thích như rượu, bia để khuyến mại cho trẻ vị thành niên dưới mọi hình thức;
  • Cấm khuyến mại/sử dụng thuốc lá, rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức: Rượu, bia là sản phẩm khiến người sử dụng dễ mất kiểm soát, không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình, từ đó gây ra nhiều hệ lụy hoặc phương hại tới lợi ích của người khác, cộng đồng. Do vậy, pháp luật không cho phép các doanh nghiệp dùng rượu, thuốc lá…để khuyến mại cho khách hàng;
  • Cấm khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ nhằm lừa dối khách hàng: Ví dụ: cửa hàng quần áo X đề bảng giảm giá 30% đối với áo sơ mi khi mua tại cửa hàng nhưng lại niêm yết chương trình này quanh năm, giá bán không thay đổi. Như vậy, đây là giá bán gốc của hàng hóa chứ không phải khuyến mại, hành vi này được coi là lừa dối khách hàng vì không mang lại lợi ích cho khách hàng như bản chất của khuyến mại;
  • Cấm khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác. Ví dụ:  mua xì dầu tặng kèm sữa hết hạn, được nhân viên đóng gói che giấu khéo léo khiến khách hàng không nhận ra…;
  • Cấm khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân. Hành vi này chỉ áp dụng đối với địa điểm thuộc khối nhà nước/công lập; công ty cổ phần vẫn có thể tiến hành hoạt động khuyến mại tại các bệnh viện tư nhân, trường tư thục với hình thức phù hợp;
  • Cấm hứa tặng, hứa thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng;
  • Cấm sử dụng các hình thức khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ: Hãng vận tải hành khách công nghệ G tung ra các chương trình khuyến mại 0 đồng cho hành khách sử dụng dịch vụ qua app điện thoại, dẫn đến các hãng taxi truyền thống không có khả năng kinh doanh, thua lỗ;
  • Cấm thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định của luật.

4. Chế tài xử phạt vi phạm trong hoạt động khuyến mại

Đối với doanh nghiệp thực hiện các hành vi khuyến mại bị cấm, có thể bị phạt tiền, tịch thu tang vật hoặc bồi thường thiệt hại, cụ thể:

Theo Khoản 3 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi thuộc danh mục bị cấm nêu tại Mục 3 trừ hành vi khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên hoặc sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức (theo Điểm đ Khoản 24 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra, tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật đối với hành vi khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm/hạn chế kinh doanh; hàng hoá/dịch vụ chưa được phép lưu thông/cung ứng hoặc sử dụng các loại hàng hóa nêu trên để khuyến mại.

Trên đây là nội dung về những hành vi khuyến mại bị cấm trong công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay tới LuatVietnam để được hỗ trợ giải đáp thêm.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi