Việc gia hạn đăng ký quốc tế nhãn hiệu trong công ty cổ phần được thực hiện theo hướng dẫn của Hệ thống Madrid. Vậy công ty cần soạn hồ sơ thế nào? Nộp ở đâu?
1. Khi nào công ty được gia hạn việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu?
Theo nội dung Điểm 41.7 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, trong thời hạn 06 tháng trước ngày kết thúc thời hạn hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Văn phòng quốc tế (International Bureau - IB) sẽ gửi một thông báo không chính thức để nhắc nhở chủ nhãn hiệu hoặc người đại diện của họ về ngày hết hạn hiệu lực.
Bất cứ đăng ký quốc tế nhãn hiệu nào (nếu đáp ứng đủ điều kiện) thì cũng có thể được gia hạn với thời hạn như sau:
- 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu (đối với nước là thành viên Thoả ước Madrid, kể cả với nước đồng thời là thành viên Nghị định thư Madrid);
- 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu (đối với nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid).
Lưu ý:
- Khi công ty cổ phần thực hiện việc gia hạn, việc gia hạn này không được phép dẫn đến bất cứ thay đổi nào trong Đăng ký quốc tế ở tình trạng mới nhất của đăng ký.
- Công ty cổ phần sẽ được hưởng thời gian ân hạn 6 tháng khi tiến hành việc gia hạn Đăng ký quốc tế theo Nghị định thư Madrid (công ty phải nộp phụ phí trội được ấn định tại Nghị định thư Madrid).
2. Hồ sơ gia hạn đăng ký quốc tế nhãn hiệu trong công ty cổ phần
Theo Điểm 41.5a Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, để thực hiện thủ tục gia hạn, doanh nghiệp cần chuẩn bị Tờ khai yêu cầu gia hạn đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà doanh nghiệp cần chuẩn bị thêm các tài liệu sau đây:
- Bản sao Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu;
- Bản sao giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam;
- Bản sao Công báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu của WIPO;
- Bản sao Công báo Sở hữu công nghiệp có nhãn hiệu đăng ký quốc tế;
- Bản sao quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam;
- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục nếu nộp thông qua đại diện;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí.
3. Quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Quy trình nộp đơn và nhận kết quả hồ sơ đăng ký của công ty cổ phần được tiến hành qua các bước sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Sau khi soạn xong hồ sơ, công ty cổ phần nộp cho Văn phòng quốc tế IB của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thông qua Cục Sở hữu trí tuệ, số 386 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Cục tiến hành kiểm tra và chuyển đơn cho Văn phòng quốc tế (International Bureau - IB) của WIPO.
Bước 2. Xử lý hồ sơ
Trong thời hạn không quá 2 tháng kể từ ngày nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nếu WIPO nhận được đơn đăng ký thì ngày nộp đơn quốc tế được tính là ngày nộp đơn tại Việt Nam. Nếu quá 2 tháng thì ngày nhận đơn tại IB sẽ được tính là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
Sau quá trình thẩm định, WIPO sẽ:
- Dịch đơn sang các ngôn ngữ khác và công bố trên công báo sở hữu công nghiệp;
- Gửi đơn của công ty cổ phần cho Cơ quan đăng ký nhãn hiệu của các quốc gia thành viên được chỉ định bảo hộ và yêu cầu thẩm định nội dung trong thời hạn 12 tháng (theo Thỏa ước Madrid) hoặc 18 tháng (theo Nghị định thư Madrid).
Nếu quá thời hạn nêu trên mà WIPO không nhận được bất kỳ phản hồi nào thì nhãn hiệu mặc nhiên được coi là có hiệu lực ở các quốc gia đó.
Bước 3. Gửi kết quả về Việt Nam
Sau khi kết thúc quá trình thẩm định, kết quả hồ sơ sẽ được gửi về Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Công ty Việt Nam đến Cục Sở hữu trí tuệ để nhận kết quả. Trong trường hợp hồ sơ còn thiếu sót, công ty tiến hành sửa đổi hoặc cho ý kiến rồi gửi tới Cục để tiếp tục xử lý.
Trên đây là nội dung hướng dẫn gia hạn đăng ký quốc tế nhãn hiệu trong công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ với LuatVietnam trong thời gian sớm nhất để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.