Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid của công ty cổ phần

Công ty có thể bảo hộ nhãn hiệu quốc tế qua hê thống Madrid. Vậy trình tự, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid của công ty cổ phần được quy định thế nào?

 

1. Hệ thống Madrid là gì?

Hệ thống Madrid (tên đầy đủ: Hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế của Madrid) là một hệ thống mang tính toàn cầu, được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại các nước trên thế giới. Hệ thống này gồm có:

- Thoả ước Madrid (hay còn gọi là Văn kiện thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa - viết tắt là MA);

- Nghị định thư Madrid (hay còn gọi là Nghị định thư liên quan đến thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa – viết tắt là MP).

Hiện nay, Việt Nam tham gia cả Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid nên các doanh nghiệp nước ta có thể lựa chọn một trong hai hình thức nêu trên để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia thành viên.

2. Điều kiện đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid

Theo Khoản 3 Điều 12 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, doanh nghiệp có quyền đăng ký bảo hộ quốc tế cho nhãn hiệu của mình trong các trường hợp sau đây:

- Công ty đã có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hợp pháp tại Việt Nam có quyền đăng ký bảo hộ trên phạm vi quốc tế đối với nhãn hiệu tương ứng (theo Thoả ước Madrid);

- Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có thể đăng ký bảo hộ trên phạm vi quốc tế nhãn hiệu tương ứng (theo Nghị định thư Madrid).

Ngoài việc đáp ứng các điều kiện để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, công ty cổ phần muốn đăng ký nhãn hiệu quốc tế phải lựa chọn 01 quốc gia thành viên của hệ thống Madrid để tiến hành thủ tục. 

3. Quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ nhãn hiệu quốc tế

Bước 1. Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam làm đơn cơ sở

Trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế, công ty cổ phần cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu đó tại Việt Nam tại Cục Sở hữu trí tuệ. Để hiểu rõ hơn về quy trình đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể tham khảo bài viết Hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu trong công ty cổ phần.

Bước 2. Nộp đơn thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Dựa trên đơn đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, doanh nghiệp nộp đơn đăng ký quốc tế cho Cục Sở hữu trí tuệ.

Sau khi nhận đơn, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành kiểm tra và hướng dẫn nộp tiền cho Văn phòng quốc tế (International Bureau - IB) của WIPO. Đơn sẽ được chuyển cho WIPO trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Cục nhận được đủ tài liệu đơn hợp lệ.

Các loại phí phải thanh toán đối với đơn đăng ký quốc tế bao gồm phí cơ bản, phí riêng hoặc phí bổ sung và phụ phí (nếu có) đối với từng trường hợp. Công ty cổ phần có thể sử dụng công cụ tính phí trực tuyến do WIPO cung cấp tại https://www.wipo.int/madrid/en/fees/calculator.jsp.

Bước 3. Thẩm định đơn và chuyển yêu cầu bảo hộ tới các quốc gia chỉ định

Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế sẽ được WIPO thẩm định hình thức (mẫu nhãn hiệu, tư cách của người nộp đơn, danh mục sản phẩm, dịch vụ…), sau đó ghi nhận trong đăng bạ quốc tế và được công bố trên công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO nếu hợp lệ.

Đồng thời, WIPO thông báo cho Cơ quan nhãn hiệu của từng quốc gia mà chủ đơn chỉ định bảo hộ

Bước 4. Thẩm định nội dung đơn

Từ ngày đăng ký quốc tế hoặc ngày chỉ định sau, các quốc gia được chỉ định sẽ tiến hành thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế của công ty Việt Nam như với một đơn đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp tại quốc gia đó. Mỗi bên tham gia được chỉ định thẩm định nội dung đơn trong 12 tháng (hoặc 18 tháng)

Nếu nước được chỉ định không từ chối bằng văn bản thì nhãn hiệu đương nhiên tự động được bảo hộ tại nước đó. Nếu quốc gia được chỉ định không chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu thì sẽ gửi Thông báo từ chối tạm thời việc đăng ký nhãn hiệu cho công ty Việt Nam và nêu rõ lý do. Công ty có thể trả lời hoặc khiếu nại Thông báo từ chối đó dựa vào quy định của quốc gia được chỉ định.

Việc xét nghiệm đơn đăng ký theo hệ thống Madrid được thực hiện độc lập đối với mỗi quốc gia được chỉ định. Việc từ chối bảo hộ của quốc gia này không ảnh hưởng đến quá trình xem xét bảo hộ ở các nước khác hoặc hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu.

dang ky nhan hieu theo he thong madrid cua cong ty co phan
Đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid của công ty cổ phần (Ảnh minh họa)

5. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid của công ty cổ phần

Theo Điểm 41.3 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, để đăng ký quốc tế cho nhãn hiệu Việt Nam, công ty cần chuẩn bị:

Tờ khai đăng ký quốc tế nhãn hiệu nguồn gốc Việt Nam;

- Đơn đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu;

- Mẫu nhãn hiệu (đã được đăng ký hợp pháp tại Việt Nam);

- Danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

- Đối với là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận: Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục khi người đại diện của công ty không trực tiếp nộp đơn;

- Các tài liệu khác, ví dụ:

  • Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có quyền đăng ký do được thụ hưởng quyền từ người khác;
  • Nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên: Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
  • Bản sao Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở (nếu nộp đơn theo Nghị định thư Madrid);
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở (trong trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận tại nước sở tại);
  • Bản cam kết sử dụng nhãn hiệu tại các quốc gia yêu cầu đăng ký bảo hộ (áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp chỉ định vào các quốc gia như: Ireland, Singapore, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ).

- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (nếu công ty nộp phí, lệ phí bằng cách chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc thông qua bưu điện).

*Lưu ý: 

- Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, trong tờ khai công ty cần chỉ rõ các nước là thành viên Thoả ước Madrid (có thể đồng thời là thành viên của Nghị định thư Madrid) và nước chỉ là thành viên của Nghị định thư Madrid. Đơn đăng ký phải bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

- Doanh nghiệp phải bảo đảm các thông tin (nhất là đối với: tên, địa chỉ của doanh nghiệp; hàng hoá, dịch vụ và phân nhóm hàng hoá, dịch vụ) khai trong đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu là chính xác và thống nhất với các thông tin trên giấy chứng nhận hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu cơ sở. Công ty có trách nhiệm nộp lệ phí phát sinh liên quan đến sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu do khai báo không chính xác hoặc không thống nhất theo thông báo từ Văn phòng quốc tế.

Trên đây là một số nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid của công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, kịp thời.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi Tổng đài Tư vấn Pháp luật