Khi đăng ký hoạt động khuyến mại trong công ty cổ phần, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ cho Bộ hoặc Sở Công Thương tùy thuộc vào quy mô địa bàn tổ chức chương trình.
1. Khuyến mại là gì?
- Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ dành cho khách hàng những lợi ích nhất định, tiếp tục "giữ chân" khách hàng để khai thác thông tin và lên chiến lược kinh doanh phù hợp.
- Công ty trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp phân phối (bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại…) để thực hiện khuyến mại. Ngoài ra, công ty kinh doanh dịch vụ khuyến mại cũng có quyền tổ chức hoạt động khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của công ty khác theo thỏa thuận.
2. Chương trình khuyến mại nào phải đăng ký?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, nếu sử dụng một trong các hình thức khuyến mại sau thì công ty phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép sau khi đăng ký khuyến mại:
- Chương trình khuyến mại mang tính may rủi:
- Khi mua hàng/sử dụng dịch vụ, khách hàng được tham gia chương trình có tính may mủi (ví dụ: bốc thăm trúng thưởng);
- Thể lệ và giải thưởng cuộc thi được công bố trước khi khách hàng tham gia;
- Việc trúng thưởng của khách hàng phụ thuộc vào sự may mắn.
- Các hình thức khác nếu được Sở/Bộ Công Thương chấp thuận.
3. Các trường hợp không cần đăng ký khuyến mại
Trong một số trường hợp, công ty sẽ không cần phải làm thủ tục đăng ký khuyến mại, cụ thể tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP:
- Chương trình khuyến mại của công ty có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng;
- Công ty cổ phần chỉ bán hàng và tổ chức khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến.
4. Mức khuyến mại tối đa được áp dụng?
Doanh nghiệp được quyền đề ra các mức khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của mình nhưng phải đảm bảo không được vượt quá 50% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Do vậy, có thể nói là những chương trình khuyến mại như: “sale 70% toàn bộ cửa hàng”…đều đang trái với quy định pháp luật.
Trong trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì công ty được phép áp dụng mức giảm giá hàng hóa, dịch vụ là 100%. Mức giảm giá này cũng được áp dụng cho các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngoài ra, không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi tổ chức chương trình khuyến mại đối với:
- Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước;
- Hàng thực phẩm tươi sống;
- Hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp giải thể, phá sản, giải thể, thay đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh…
5. Thủ tục đăng ký thực hiện khuyến mại
5.1 Thành phần hồ sơ
- Văn bản đăng ký thực hiện khuyến mại;
- Thể lệ chương trình khuyến mại;
- Mẫu bằng chứng xác định trúng thưởng hoặc mô tả chi tiết về bằng chứng xác định trúng thưởng;
- Bản sao giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại (Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại);
- Văn bản ủy quyền cho người thay mặt doanh nghiệp thực hiện thủ tục (không phải người đại diện theo pháp luật của công ty trực tiếp làm thủ tục).
5.2 Hình thức và nơi nộp hồ sơ
- Hình thức nộp hồ sơ: Khoản 3 Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP đã chỉ rõ, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong những cách sau để nộp hồ sơ đăng ký khuyến mại:
- Nộp online qua cổng dịch vụ công trực tuyến;
- Nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền;
- Gửi hồ sơ qua thư điện tử kèm chữ ký số/bản scan Thông báo thực hiện khuyến mại có chữ ký và đóng dấu;
- Nộp hồ sơ qua đường bưu điện.
- Cơ quan giải quyết:
- Sở Công Thương nơi tổ chức thực hiện khuyến mại nếu doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Công Thương nếu doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
- Đối với các hình thức khuyến mại khác do cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận, công ty nộp hồ sơ cho Bộ Công Thương.
5.3 Thời hạn giải quyết
Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ xem xét, trả lời xác nhận hoặc không xác nhận việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại của công ty. Nếu bị từ chối, doanh nghiệp sẽ nhận được văn bản nêu rõ lý do, căn cứ pháp lý cho việc từ chối, hướng giải quyết…
Sau khi được chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền phải công khai các thông tin về chương trình khuyến mại (tên doanh nghiệp thực hiện, nội dung chương trình khuyến mại, thời gian, địa bàn thực hiện) bằng văn bản hoặc trang tin điện tử hoặc những hình thức khác và không sớm hơn thời gian bắt đầu của chương trình khuyến mại.
6. Không đăng ký hoạt động khuyến mại trong công ty cổ phần có bị phạt không?
Khi doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký khuyến mại sẽ bị xử phạt theo Khoản 2 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Trên đây là nội dung hướng dẫn đăng ký hoạt động khuyến mại trong công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ LuatVietnam để được giải đáp và hỗ trợ chi tiết hơn.