Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
I. Quyền tác giả, quyền liên quan là gì?
Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả là những tài sản trí tuệ được gọi chung là quyền sử hữu trí tuệ - là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu; quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
II. Đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan như thế nào?
Doanh nghiệp là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng). Hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) sẽ có thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
III. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
1. Tờ khai đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả - nếu sản phẩm yêu cầu bảo hộ là quyền tác giả;
- Tờ khai đăng ký quyền liên quan – nếu sản phẩm yêu cầu bảo hộ là quyền liên quan.
2. Bản sao tác phẩm:
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả - nếu sản phẩm yêu cầu bảo hộ là quyền tác giả;
- Hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan – nếu sản phẩm yêu cầu bảo hộ là quyền liên quan.
Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
3. Giất ủy quyền thực hiện thủ tục nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền:
- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân – nếu người được ủy quyền là cá nhân;
- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức – nếu người được ủy quyền là tổ chức/
4. Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
5. Văn bản đồng ý của các đồng tác giả - nếu tác phẩm có đồng tác giả;
6. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu - nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Lưu ý: Các tài liệu quy định tại các điểm 3, 4, 5 và 6 phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.
Xem thêm:
- Cấp lại, đổi giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan trong công ty cổ phần;
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan trong công ty cổ phần;
- Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan trong công ty cổ phần;
- Thủ tục hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan trong công ty cổ phần.