Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng trong công ty cổ phần

Để biết liệu có thể làm thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng trong công ty cổ phần của mình được hay không, doanh nghiệp cần nắm được hồ sơ, điều kiện thực hiện...

 

1. Vì sao cần bảo hộ giống cây trồng?

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 định nghĩa về giống cây trồng tại Khoản 24 Điều 5 như sau:

Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.

Giống cây trồng mới có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp. Bảo hộ giống cây trồng là cơ chế bảo hộ quyền tác giả cho người đã chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển ra giống cây trồng mới.

Để tạo ra một giống cây trồng mới, tác giả thường mất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức nhưng bên thứ ba có thể dễ dàng ăn cắp bằng cách nhân giống và thu lợi. Do vậy, nếu muốn đảm bảo quyền và lợi ích của mình, chủ sở hữu giống cây trồng cần đăng ký bảo hộ hợp pháp để không mất giống cây, đồng thời có thể bán được với giá cao hơn.

Ngoài ra, bảo hộ giống cây trồng là động lực khuyến khích tạo mới, cải thiện các giống cây trồng nhằm phát triển phục vụ nông nghiệp, nghề làm vườn và lâm nghiệp. Các giống cây trồng được cải tiến là một nhân tố cần thiết và rất hiệu quả về mặt chi phí trong việc cải thiện năng suất và chất lượng các loại giống cây trồng.

2. Điều kiện bảo hộ giống cây trồng

Theo Điều 158 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), để được bảo hộ, giống cây trồng phải đáp ứng được các điều kiện sau:

2.1 Tính mới

Theo nội dung Điều 159 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022 và có hiệu lực từ 01/01/2023):

Điều 159. Tính mới của giống cây trồng

Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 164 của Luật này hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây leo thân gỗ, bốn năm đối với giống cây trồng khác.

Có thể nhận thấy, tính mới của giống cây trồng tại quy định này không bị giới hạn về không gian, nhưng có giới hạn về mặt thời gian và loại giống cây cụ thể như sau:

- Trên lãnh thổ Việt Nam: 01 năm trước ngày đăng ký;

- Ngoài lãnh thổ Việt Nam:

  • Cây thân gỗ và cây leo thân gỗ: 06 năm trước ngày đăng ký;
  • Nhóm cây khác: 04 năm trước ngày đăng ký.

2.2 Tính khác biệt

Tính khác biệt của giống cây trồng được hiểu là khả năng phân biệt một cách rõ ràng với các giống cây đã được biết đến rộng rãi khác tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên. Trong đó, Khoản 2 Điều 160 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) giải thích về đặc điểm “được biết đến rộng rãi” giống cây trồng là:

- Tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ, vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống cây đó đã được sử dụng rộng rãi ở bất kỳ quốc gia nào;

- Giống cây trồng đó đã được bảo hộ hoặc đăng ký trong danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào;

- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc đơn đăng ký vào danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào (trừ khi đơn này bị từ chối);

- Giống cây trồng mà bản mô tả chi tiết của giống đó đã được công bố.

2.3 Tính đồng nhất

Một giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống (Điều 161 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

2.4 Tính ổn định

Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống (trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ).

(Căn cứ: Điều 162 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

2.5 Có tên phù hợp

Căn cứ Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), đề đạt tiêu chí “có tên phù hợp” đối với giống cây trồng, tên giống cây phải dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây đã được biết đến rộng rãi trong cùng 1 loài hoặc loài tương tự. 

Tên của giống cây trồng được coi là không phù hợp trong các trường hợp sau đây:

- Chỉ gồm các chữ số (trừ chữ số liên quan đến đặc tính, sự hình thành giống hoặc bao gồm cả tên loài của giống cây trồng đó);

- Vi phạm về đạo đức xã hội;

- Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính, giá trị của giống cây cũng như danh tính tác giả giống cây;

- Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hoặc tên thương mại đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn;

- Gây ảnh hưởng đến quyền đã có trước của doanh nghiệp hoặc cá nhân khác.

dang ky bao ho giong cay trong trong cong ty co phan
Đăng ký bảo hộ giống cây trồng trong công ty cổ phần (Ảnh minh họa)

3. Quy trình đăng ký bảo hộ

Bước 1. Nộp hồ sơ

Công ty cổ phần tiến hành đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ nêu trên tới Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (số 2 Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội).

Hình thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.

Bước 2. Xử lý hồ sơ

Thẩm định hình thức

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Trồng trọt thẩm định hình thức đơn trong hồ sơ để xác định tính hợp lệ.

- Đơn đăng ký được coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:

  • Không đáp ứng các yêu cầu về hình thức;
  • Giống cây trồng nêu trong đơn không thuộc Danh mục loài cây trồng được bảo hộ;
  • Người nộp đơn không có quyền đăng ký bảo hộ (áp dụng cho cả trường hợp giống cây trồng thuộc sở hữu chung).

- Cục Trồng trọt thực hiện các thủ tục sau đây:

  • Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: Ra thông báo yêu cầu công ty khắc phục những thiếu sót hoặc cho ý kiến phản đối trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo;
  • Nếu hồ sơ hợp lệ: Gửi thông báo chấp nhận đơn cho công ty cổ phần. Đồng thời, yêu cầu công ty gửi mẫu giống đến cơ sở khảo nghiệm để khảo nghiệm kỹ thuật và tiến hành thẩm định nội dung.

Công bố đơn

- Khi đơn của doanh nghiệp được chấp nhận, Cục Trồng trọt công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong vòng 90 ngày kể từ ngày đơn được chấp nhận.

- Nội dung công bố đơn gồm: Số đơn, ngày nộp, người đăng ký, đại diện (nếu có), chủ sở hữu, tên giống cây trồng, tên loài cây trồng và ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

Thẩm định nội dung

-  Cục Trồng trọt thẩm định nội dung đối với đơn được chấp nhận là hợp lệ. Nội dung thẩm định bao gồm:

  • Tính mới và tên gọi phù hợp của giống cây trồng;
  • Kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng.

4. Hồ sơ, thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng trong công ty cổ phần

Theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT (được Khoản 7 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung), đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng bao gồm các tài liệu sau đây:

Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng;

- Tờ khai kỹ thuật khảo nghiệm giống cây trồng;

- Ảnh chụp mẫu giống: Tối thiểu 03 ảnh màu (9 cm x 15 cm) thể hiện 3 tính trạng đặc trưng của giống;

- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (dành cho người đăng ký là người được chuyển giao quyền);

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (dành cho đơn có yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên);

Giấy uỷ quyền (người thực hiện thủ tục là người được doanh nghiệp ủy quyền);

- Bản sao, chụp biên lai thu phí, lệ phí;

- Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

*Lưu ý:

- Đơn đăng ký bảo hộ và các giấy tờ giao dịch giữa doanh nghiệp đăng ký và Cục Trồng trọt phải được làm bằng tiếng Việt, nếu các giấy tờ bản gốc được làm bằng ngôn ngữ khác thì phải dịch ra tiếng Việt khi Cục Trồng trọt yêu cầu.

- Đối với Đơn có đủ điều kiện hưởng quyền ưu tiên: trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp phải cung cấp các tài liệu sau:

  • Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đăng ký bảo hộ trước đó;
  • Bằng chứng xác nhận giống cây trồng đăng ký ở 02 đơn là một giống: bản mô tả giống, ảnh chụp, các tài liệu liên quan khác (nếu có);
  • Bản sao hợp lệ giấy chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền ưu tiên (trong trường hợp được thủ hưởng quyền).

5. Phí, lệ phí đăng ký cần nộp

Theo Biểu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 207/2016/TT-BTC, khi đăng ký bảo hộ giống cây trồng thì công ty cổ phần phải nộp:

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Mức thu (đồng)

1

Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ

Bằng

350.000

2

Thẩm định đơn

01 lần

2.000.000

3

Duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng

 

 

 

- Từ năm thứ 1 đến năm thứ 3

01 giống/01 năm

3.000.000

 

- Từ năm thứ 4 đến năm thứ 6

01 giống/01 năm

5.000.000

 

- Từ năm thứ 7 đến năm thứ 9

01 giống/01 năm

7.000.000

 

- Từ năm thứ 10 đến năm thứ 15

01 giống/01 năm

10.000.000

 

- Từ năm thứ 16 đến hết thời gian hiệu lực của Bằng bảo hộ

01 giống/01 năm

20.000.000

Thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng trong công ty cổ phần tuy không quá khó, nhưng có nhiều điều kiện cần đảm bảo nên có thể gây khó khăn cho những người không có chuyên môn. Do vậy, để tiết kiệm thời gian và công sức, quý khách hàng có thể liên hệ với LuatVietnam để trao đổi thêm khi có nhu cầu thực hiện thủ tục này.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

hoạt động cùng chuyên mục

Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi